An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Vĩnh Phúc thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội
05:12 PM 19/01/2024
(LĐXH) – Những năm qua, bên cạnh việc chú trọng phát triển kinh tế, các cấp, ngành của tỉnh Vĩnh Phúc cũng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội. Góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế; hình thành xã hội không còn nhóm đối tượng bị phân biệt đối xử, bảo đảm định hướng an sinh xã hội bền vững.
Từ năm 2019 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 48 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực trợ giúp xã hội. Hệ thống chính sách trợ giúp xã hội được bổ sung và sửa đổi phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của tỉnh, đối tượng thụ hưởng được mở rộng và mức trợ cấp thường xuyên được nâng lên. Xu hướng phát triển trợ giúp xã hội luôn nằm trong nhóm các tỉnh đi trước và cao hơn so với quy định của Trung ương và mặt bằng chung các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các chính sách: Đối với người cao tuổi; hỗ trợ đối tượng không có khả năng thoát nghèo (bao gồm người khuyết tật, cao tuổi…); trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật…

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc vui Trung thu cùng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh

Chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi; từng bước đáp ứng các nhu cầu cơ bản của đối tượng, tạo thành lưới an toàn xã hội rộng khắp, đan xen. Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng lên hàng năm, trong đó, số người hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng tăng từ 39.816  người (năm 2016) lên 43.809 người (năm 2023) (chiếm 2,9% dân số toàn tỉnh). Các đối tượng bảo trợ xã hội ngoài cộng đồng được quan tâm chăm sóc, thụ hưởng chế độ cao hơn 1,24 lần so với mức chuẩn chung do Trung ương ban hành (mức chuẩn trợ giúp xã hội của Trung ương là 360.000đ/tháng, mức chuẩn trợ giúp xã hội của tỉnh là 447.000đ/tháng); Kinh phí hàng năm chi trả cho đối tượng bảo trợ xã hội ngoài cộng đồng là trên 330 tỷ đồng/năm.

Hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội tiếp tục được củng cố, nâng cấp. Toàn tỉnh hiện có 04 cơ sở trợ giúp xã hội (02 cơ sở công lập và 02 cơ sở ngoài công lập). Trong đó, có 01 cơ sở tổng hợp chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em mồ côi… 01 cơ sở chăm sóc quản lý người tâm thần, 02  cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập chăm sóc trẻ em mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hiện, Trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng người tâm thần tỉnh đang chăm sóc, quản lý 350 người khuyết tật tâm thần đặc biệt nặng, người khuyết tật tâm thần nặng và người tâm thần lang thang; Trung tâm Công tác xã hội tỉnh hàng năm tiếp nhận khoảng 300 đối tượng. Chế độ, chính sách chăm sóc, nuôi dưỡng cho các đối tượng tại cơ sở trợ giúp xã hội xã hội cũng được quan tâm; UBND tỉnh đã ban hành định mức – kinh tế dịch vụ chăm sóc dài hạn cho đối tượng bảo trợ xã hội. Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã cung cấp dịch vụ cho khoảng 45% đối tượng cần trợ giúp xã hội, với cách dịch vụ như: Tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng; tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất, dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp; chỉnh hình phục hồi chức năng cho người khuyết tật, trẻ em khuyết tật; cung cấp dịch vụ tạm lánh, hỗ trợ tâm lý, bảo vệ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình; bảo vệ chăm sóc cho phụ nữ và trẻ em bị mua bán trở về…

Chính sách trợ giúp xã hội đột xuất đã bao phủ các nhóm đối tượng cần hỗ trợ, bảo đảm hỗ trợ kịp thời người dân khi gặp rủi ro, thiên tai, dịch bệnh… thông qua các phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Hiến máu tình nguyện”; Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Tháng Nhân đạo”’; Mô hình Nhà Chữ thập đỏ... Đặc biệt, Dự án “Nuôi bò sinh sản tại các hộ nghèo người khuyết tật và Trẻ em mồ côi tại xã xây dựng nông thôn mới” và các chương trình hỗ trợ sinh kế khác đã mang lại hiệu quả tích cực để các đối tượng được trợ giúp có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước vươn lên trong cuộc sống. Từ năm 2019 đến nay, tổng giá trị hoạt động nhân đạo, từ thiện hỗ trợ, trợ giúp khẩn cấp đạt trên 297 tỷ đồng, trợ giúp kịp thời cho hàng nghìn lượt người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Với việc xây dựng và thực hiện tốt các chính sách trợ giúp xã hội đã thể hiện sự quan tâm thiết thực của các cấp, ngành trong tỉnh đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội. Góp phần,  thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần vào sự phát triển bền vững của Vĩnh Phúc.

Hưng Cảnh

TAG:
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa