Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Vĩnh Phúc: Tăng cường tổ chức đối thoại chính sách người có công với cách mạng ở cơ sở
04:06 PM 27/01/2021
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, chính sách người có công với cách mạng đã được Đảng và Nhà nước dành nhiều quan tâm như: ban hành nhiều chính sách mới đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sĩ, thân nhân và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng.
Đối tượng ưu đãi được mở rộng, trợ cấp ưu đãi được xác định và điều chỉnh tương ứng với mức chi tiêu bình quân toàn xã hội. Người có công với cách mạng và thân nhân của họ được Nhà nước, xã hội quan tâm chăm sóc, giúp đỡ và tùy vào từng đối tượng được hưởng các chế độ ưu đãi, được ưu tiên tuyển sinh, học nghề tạo việc làm, được hỗ trợ để theo học tại cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều bất cập. Cơ chế, chính sách đãi ngộ, một số vấn đề cụ thể trong việc xác định, công nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, liệt sĩ, chế độ chất độc hóa học, giải quyết trợ cấp...luôn có sự thay đổi, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện. Một số chế độ chính sách khi được triển khai tại địa phương vẫn chưa thực sự thỏa đáng, gây ra nhiều vướng mắc, trăn trở đối với người dân và các đối tượng người có công.
Tặng quà cho người có công trên địa bàn tỉnh
Để tổ chức triển khai có hiệu quả việc thực hiện chính sách cho đối tượng người có công trên địa bàn, trong thời gian qua, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã tập trung tăng cường làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách bằng các hình thức khác nhau, trong đó có việc tổ chức các hội nghị tập huấn, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là việc tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân.
Được thực hiện từ năm 2013, đến nay việc tổ chức các buổi đối thoại chính sách ưu đãi người có công với cách mạng giữa cán bộ, lãnh đạo ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, chính quyền các cấp với người dân thực sự là hoạt động mang lại hiệu quả tích cực, tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của người dân, đặc biệt là đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân về chế độ chính sách đối với người có công tại các xã và đơn vị điều dưỡng tập trung (như đối thoại trực tiếp với người có công và thân nhân được điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công Tam Đảo) đảm bảo mọi người dân có công đều biết thủ tục lập hồ sơ và thụ hưởng đầy đủ các chế độ chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước.
Thông qua công tác đối thoại trực tiếp với nhân dân, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu chuyển tải toàn bộ nội dung, chế độ chính sách, trình tự thủ tục giải quyết đến trực tiếp với nhân dân để người dân hiểu và tuyên truyền nội dung đã nắm bắt được cho những người khác. Đối thoại với nhân dân chính là tăng cường mối quan hệ giữa Sở Lao động – Thương binh và Xã hội với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương với nhân dân để tìm hiểu, nắm bắt được những tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Qua đó triển khai việc thực hiện các chính sách đi vào cuộc sống cũng như các vấn đề người dân bức xúc, nhằm kịp thời chấn chính trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Qua quá trình tổ chức thực hiện, vấn đề được người dân quan tâm nhiều nhất là việc thực hiện chính sách người có công với cách mạng liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, chế độ Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, chế độ trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, chính sách hỗ trợ về nhà ở, chính sách điều dưỡng, bảo hiểm y tế…
Tại những buổi tiếp xúc đối thoại, nhân dân và các đối tượng chính sách rất vui mừng vì được gặp gỡ, phản ánh trực tiếp những vấn đề chưa rõ, những vấn đề liên quan đến quyền lợi bản thân với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội. Qua đó người dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình, điều này giúp tránh được tình trạng đơn thư vượt cấp.
Trên cơ sở tiếp thu những kiến nghị, thắc mắc của người dân, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng như các ban, ngành liên quan của cấp huyện, cấp xã có cơ sở đánh giá lại việc triển khai thực hiện các chủ trương chính sách, đồng thời đề ra những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể trong công tác lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ, góp phần giải quyết đúng, đủ các chế độ ưu đãi cũng như quyền lợi cho người có công và tạo mối quan hệ gần gũi giữa Đảng, chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước với nhân dân.
Qua những kết quả thiết thực đã đạt được, thiết nghĩ trong thời gian tới chúng ta cần tăng cường và bố trí cán bộ, thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với nhân dân, đặc biệt là tại các xã, cụm xã. Tổ chức phối hợp với các phòng chuyên môn trong Sở mở rộng nội dung tiếp xúc, tuyên truyền trên tất cả các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành như tư vấn giải quyết việc làm xuất khẩu lao động, chính sách bảo trợ xã hội, chính sách bảo vệ và chăm sóc trẻ em, chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn, chính sách xóa đói giảm nghèo. Kịp thời phản ánh những kiến nghị của người dân đến các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội.
PV
TAG:
Tin khác
Lạng Sơn: Hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng, giúp giảm nghèo bền vững
Huyện Lộc Hà: Thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo
Huyện Bắc Sơn: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn Chương trình giảm nghèo
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam gặp mặt các nhà tài trợ đồng hành cùng trẻ em khó khăn
Phú Thọ đẩy nhanh tiến độ thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ
Hà Tĩnh: Chú trọng công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024
Trách nhiệm và nghĩa tình ở vùng đất cách mạng Trường Sơn
Cẩm Xuyên: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
Người thầy thuốc bước ra từ cửa phật, lan tỏa yêu thương giữa đời