An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Vĩnh Phúc: Quan tâm chăm lo đời sống người có công, gia đình chính sách
06:13 PM 22/01/2022
Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 138.000 người có công với cách mạng; hơn 12.200 hộ nghèo và cận nghèo. Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nói chung, người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo... nói riêng. Riêng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tỉnh trích ngân sách gần 39 tỷ đồng để chăm lo cho các đối tượng...
Thăm, tặng quà chu đáo, kịp thời
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đến các huyện, thành phố của tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi được chứng kiến nhiều hoạt động thăm, tặng quà người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, các trung tâm điều dưỡng người có công, trung tâm bảo trợ xã hội... của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các địa phương. Đồng chí Ngô Thục Phương, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH cùng các sở, ngành, các huyện, thành phố tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực chăm lo Tết cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Năm nay, tỉnh trích ngân sách gần 39 tỷ đồng để tặng quà cho các đối tượng...”.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng tại xã Trung Hà, huyện Yên Lạc 
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 25.000 người được nhận quà Tết của Chủ tịch nước. Tỉnh cũng chuẩn bị hơn 35.000 suất quà tặng người có công, các gia đình chính sách trên địa bàn với kinh phí hơn 28 tỷ đồng; tặng quà các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (hơn 5.000 hộ) với tổng kinh phí khoảng 4 tỷ đồng. Ngoài nguồn ngân sách tỉnh, các địa phương còn tổ chức thăm hỏi, tặng quà tới gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bằng nguồn kinh phí của cấp huyện, cấp xã và bằng nguồn xã hội hóa theo phương châm cố gắng mở rộng tối đa để bao phủ được nhiều đối tượng. Theo đồng chí Ngô Thục Phương, tính đến thời điểm này, tỉnh đã huy động được hơn 6 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm để tặng quà các hộ nghèo và gần 6.000 hộ cận nghèo-là đối tượng không nằm trong diện được hưởng chính sách, với mức 500.000 đồng/hộ.
Để công tác chăm lo Tết được kịp thời, chu đáo, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu thành lập các đoàn lãnh đạo tỉnh đi thăm hỏi, động viên và chúc Tết các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ trực Tết, các đối tượng chính sách tiêu biểu, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; thăm và chúc Tết các đơn vị điều dưỡng thương binh, bệnh binh trong và ngoài tỉnh có các đồng chí là thương binh, bệnh binh nặng của tỉnh Vĩnh Phúc đang an dưỡng. Đồng thời, sở đã ban hành văn bản hướng dẫn các huyện, thành phố tổ chức thực hiện tốt công tác thăm hỏi và tặng quà; phân công cán bộ phụ trách từng huyện, thành phố để giám sát, nắm bắt và giải quyết kịp thời những vướng mắc trong việc thực hiện công tác chính sách dịp Tết, bảo đảm các đối tượng chính sách được nhận quà Tết đầy đủ, kịp thời trước ngày 26-1 (24 tháng Chạp).
Công tác chính sách được đặc biệt quan tâm
Vĩnh Phúc là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác chính sách, bảo đảm an sinh xã hội. Việc chăm lo người có công với cách mạng, đối tượng chính sách; giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân... thời gian qua có sự chuyển biến rất tích cực. Để đạt được những kết quả đó là do có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh với nhiều chủ trương, chính sách phù hợp. Điển hình như Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 6-12-2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an sinh xã hội trên địa bàn; HĐND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết quy định chính sách đặc thù của tỉnh đối với người có công, hộ nghèo và hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, những năm qua, các chế độ trợ cấp, ưu đãi đối với người có công được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng quy định; phong trào đền ơn đáp nghĩa được các cấp, các ngành quan tâm đẩy mạnh. Trong 5 năm qua, quỹ đền ơn đáp nghĩa các cấp đã tiếp nhận được hàng chục tỷ đồng để sử dụng vào các hoạt động chăm lo đời sống người có công, nâng cấp, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ. Năm 2018, tỉnh đã hoàn thành Đề án Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, 3.065 ngôi nhà của người có công được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa với kinh phí hơn 86 tỷ đồng.
Phong trào phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị hưởng ứng, 100% mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn tỉnh được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời. Tỷ lệ hộ nghèo ở Vĩnh Phúc cũng giảm nhanh. Đến cuối năm 2021, số hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới còn 5.207 hộ, chiếm tỷ lệ 1,51% dân số; cận nghèo còn khoảng 7.000 hộ, chiếm tỷ lệ gần 2% dân số. Từ năm 2015, toàn tỉnh không còn xã nghèo, không còn hộ nghèo là đối tượng chính sách, người có công; 100% địa phương không còn nhà tạm hoặc dột nát...

PV
TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công