Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Vĩnh Phúc: Nhiều khó khăn trong công tác giải quyết việc làm
04:46 PM 30/10/2019
Công tác giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội hàng năm, vì vậy, sự quan tâm chỉ đạo của mỗi cấp ủy, chính quyền được xem như những nỗ lực đầu tiên để công tác này được triển khai thuận lợi.
Hàng năm, số lao động thất nghiệp tồn đọng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc rất cao do không tìm được việc làm, trong khi đó, doanh nghiệp chỉ tuyển lao động từ 18 đến dưới 30 tuổi, do vậy, áp lực giải quyết việc làm ngày thêm tăng. Trong khi các doanh nghiệp trên địa bàn luôn phản ánh rằng thiếu lao động, nhưng nhiều doanh nghiệp còn kén chọn, thường xuyên thay thế lao động, gây tâm lý mất ổn định cho người lao động, đó cũng là lý do mà họ không muốn tìm kiếm việc làm trong các doanh nghiệp trên địa bàn.
Về hoạt động xuất khẩu lao động cũng còn khó khăn do người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường ngoài nước về trình độ ngoại ngữ, tay nghề... Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo giải quyết việc làm các cấp đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động lao động chủ động tham gia tìm kiếm việc làm trong nước và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Sở LĐ-TB&XH thông tin kịp thời, đầy đủ đến các địa phương về việc Đài Loan tăng lương cơ bản và điều chỉnh mức đóng bảo hiểm cho người lao động; thông báo đến các huyện, thành phố, các Trung tâm dịch vụ việc làm và hệ thống các Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh thông tin của 15 doanh nghiệp dịch vụ được phép tuyển lao động Vĩnh Phúc đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng và danh sách 18 doanh nghiệp kết thúc tuyển lao động trên địa bàn tỉnh trong quý I và quý II năm 2018.
Học sinh, sinh viên được cán bộ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Vĩnh Phúc tư vấn và giới thiệu việc làm
Các huyện, thành phố cũng phối hợp tuyên truyền về kỳ thi tiếng Hàn Quốc trên máy tính cho người lao động về nước đúng hạn; thông báo triển khai tuyển chọn người đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản; kế hoạch tuyển chọn ứng viên đi làm việc tại Cộng hòa liên bang Đức trong ngành điều dưỡng; tổ chức rà soát số lượng lao động có nguyện vọng dự thi tiếng Hàn Quốc...
Với những cố gắng trên của các cấp, các ngành, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho gần 13 nghìn lao động, đạt 56,5% kế hoạch năm 2018 và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, giải quyết việc làm trong nước được hơn 12 nghìn lao động, chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp - xây dựng (gần 6,4 nghìn lao động); dịch vụ - thương mại (hơn 3,6 nghìn lao động) và hơn 2 nghìn lao động lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp.
Các địa phương giải quyết việc làm cho nhiều lao động như: Huyện Lập Thạch (1.727 lao động); huyện Tam Dương (1.533 lao động); huyện Tam Đảo (1.479 lao động); huyện Bình Xuyên (1.290 lao động); huyện Sông Lô (1.216 lao động). Toàn tỉnh cũng đã đưa 900 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 45% kế hoạch năm 2018 và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Công tác cho vay vốn giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cũng được tỉnh quan tâm. UBND tỉnh đã ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội gần 217 tỷ đồng cho vay giải quyết việc làm tại chỗ và cho vay xuất khẩu lao động. Từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, từ đầu năm đến nay cũng đã cho 172 hộ vay vốn tự tạo việc làm tại chỗ với số tiền gần 5,6 tỷ đồng.
Những tháng đầu năm, các đơn vị đào tạo lao động, giới thiệu việc làm cũng đã có nhiều cố gắng nhằm nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu. Trung tâm Đào tạo lao động xuất khẩu đã phối hợp với các địa phương tổ chức 56 hội nghị tuyên truyền về xuất khẩu lao động; tư vấn cho gần 7 nghìn người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, du học vừa học vừa làm; tiến hành sơ tuyển 772 lao động và đã có 78 lao động được xuất cảnh.
Trung tâm đã tiếp nhận 547 hồ sơ hoàn thiện đủ điều kiện chi trả một phần chi phí cho người đi xuất khẩu lao động, với số tiền 5.499 triệu đồng; thực hiện chi trả 533 bộ hồ sơ với số tiền hơn 5.370 triệu đồng.
Hàng tháng, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh duy trì 4 phiên giao dịch việc làm, qua đó, đã có 288 doanh nghiệp tham gia tuyển được hơn 500 lao động. Trung tâm đã tư vấn về chính sách lao động việc làm cho hơn 10 nghìn lượt người, giới thiệu việc làm cho 240 người; tư vấn, giáo dục định hướng cho hàng trăm lượt người về xuất khẩu lao động và đã có 28 lao động xuất cảnh.
Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên cũng đã bám sát nhu cầu việc làm của thanh niên để tư vấn hướng nghiệp, qua đó, đã giới thiệu cho 838 đoàn viên, thanh niên có việc làm ổn định tại các khu công nghiệp. Trung tâm cũng đã tư vấn xuất khẩu lao động cho gần 2.500 lượt đoàn viên; đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng, tổ chức xuất cảnh cho 49 lao động đi làm việc và học tập tại Nhật Bản.
Để công tác giải quyết việc làm đạt kết quả cao hơn nữa, ngoài việc tuyên truyền, Ban Chỉ đạo giải quyết việc làm tỉnh xác định cần tăng cường các giải pháp, trong đó, có sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp và sửa đổi những quy định chưa phù hợp.
Nguyễn Trọng
 
TAG:
Tin khác
Thành phố Bắc Kạn: Đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động
Trung tâm Dịch vụ việc làm Yên Bái tăng cường kết nối cung – cầu lao động
Nam Định: Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả
Nghệ An kết nối cung cầu tạo việc làm bền vững cho người nghèo
Nam Định: Hỗ trợ việc làm bền vững cho người nghèo
Quảng Ngãi hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động
Nam Định: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội
Tăng cường tập huấn nghiệp vụ phân tích dự báo về thị trường lao động góp phần giảm nghèo bền vững
Cà Mau: Hỗ trợ phát triển thị trường lao động, kết nối việc làm bền vững