Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Vĩnh Phúc chăm sóc toàn diện và tạo cơ hội hòa nhập cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV
11:09 AM 08/10/2019
(LĐXH) –Thực hiện Quyết định số 5263/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt Kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020, các ban ngành, đoàn thể đã tổ chức thực hiện các chương trình, hoạt động. Qua đó đã góp phần tạo chuyển biến về nhận thức, hành động cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội về công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS cho trẻ em.

Hiện nay trên nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có trên 300.000 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có trên 7.000 trẻ em nghèo, trên 4.000 trẻ em dân tộc thiểu số và gần 4.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt hoặc có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được quan tâm, chú trọng. Từ năm 2018 đến nay, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm còn 8,5%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm còn 12%; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có đủ điều kiện được đi học đạt 98%. 100% trẻ em được khai sinh đúng luật; 90% số trẻ em được phát hiện có HIV/AIDS được chăm sóc điều trị. 100% trẻ em mồ côi cả cha, mẹ, trẻ em bị bỏ rơi được chăm sóc, hỗ trợ. Toàn tỉnh có 110/137 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em.

Mọi trẻ em đều bình đẳng trong thụ hưởng các nhóm quyền (Ảnh minh họa)

Thực hiện Quyết định số 570/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động Quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020, Vĩnh Phúc đã có nhiều hoạt động thiết thực, xây dựng các chính sách hỗ trợ, tuyên truyền giúp trẻ em nhiễm HIV/AIDS có cuộc sống tốt hơn và có thêm cơ hội hòa nhập cộng đồng. UBND tỉnh đã sớm ban hành Quyết định số 5263/QĐ-UBND ngày 11/9/2014 phê duyệt Kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020 nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội về công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS cho trẻ em.

Tính đến cuối năm 2018, tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Công tác xã hội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) đang chăm sóc và điều trị cho 30 em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, đa phần gia đình các em đều thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó, có 26 trẻ dưới 15 tuổi đang điều trị tại đây đều được hưởng dịch vụ chăm sóc, tư vấn tốt nhất, được hỗ trợ 100% chi phí điều trị, kể cả chi phí khám, chữa các bệnh khác.

Để bảo đảm quyền lợi cho trẻ nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn, Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động, kêu gọi cộng đồng chung tay hỗ trợ cho trẻ nhiễm HIV/AIDS. Nhằm bảo đảm tất cả trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được chăm sóc, tư vấn thích hợp, được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi giải trí, các chính sách xã hội theo quy định hiện hành.

Các ngành, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS, tổ chức các diễn đàn, hội thi tuyên truyền về kiến thức bảo vệ trẻ em, trong đó có nội dung phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; tổ chức các hoạt động ngoại khóa với chủ đề giáo dục kỹ năng sống, giáo dục sức khỏe sinh sản… Đối với cấp học mầm non, kiến thức cơ bản về phòng, chống HIV/AIDS được cung cấp cho các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ.

Việc chăm sóc sức khỏe và khám, điều trị cho trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS được các cơ sở y tế quan tâm. Sức khỏe của những trẻ nhiễm HIV được điều trị ARV được cải thiện rõ rệt. Hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được mở rộng, nhằm giảm tình trạng trẻ sơ sinh bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Hoạt động chẩn đoán sớm nhiễm HIV cho trẻ dưới 18 tháng tuổi được triển khai kịp thời, làm giảm tình trạng tử vong và chi phí điều trị.

Tuyên truyền, giáo dục trẻ em không kỳ thị đối với các bạn bị nhiễm, ảnh hưởng bởi HIV

Bên cạnh việc chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ và cơ sở điều trị HIV/AIDS, các hoạt động chăm sóc trẻ nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng và gia đình đã được quan tâm, triển khai hiệu quả hơn. Đã có hơn 60% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hưởng chính sách xã hội theo quy định hiện hành.

Đặc biệt, với sự hỗ trợ của UNICEF, ngành Giáo dục – Đào tạoVĩnh Phúc đã xây dựng Kế hoạch Hành động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2012-2020, xây dựng bộ chỉ số giám sát về HIV/AIDS và kế hoạch giám sát lồng ghép liên ngành chương trình phòng, chống HIV/AIDS, giảm kỳ thị đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Do đó, công tác giáo dục giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong các trường học đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Năm 2019, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở Vĩnh Phúc phấn đấu đạt một số mục tiêu cơ bản: Tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm còn dưới 8,4%; Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khuyết tật đủ điều kiện được đi học đạt 98%; 100% trẻ em được khai sinh đúng luật định; 92% số trẻ được phát hiện có HIV/AIDS được chăm sóc, điều trị; 100% trẻ em mồ côi cả cha, mẹ, trẻ em bị bỏ rơi được chăm sóc, hỗ trợ; toàn tỉnh hiện có 109/137 xã phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em. Đặc biệt, địa phương đẩy mạnh các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Đồng thời, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm cả trẻ em; tăng cường trách nhiệm của cá nhân trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Trần Huyền

TAG:
Tin khác
Huyện Nam Trà My: Triển khai nhiều giải pháp thực hiện Chương trình giảm nghèo
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ