Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Vĩnh Long trọn vẹn nghĩa tình với người có công
10:12 AM 06/12/2021
(LĐXH) – Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Vĩnh Long luôn quan tâm chăm lo đời sống cho gia đình chính sách, người có công thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh xương máu cho bình yên của Tổ quốc.
Tỉnh Vĩnh Long đang quản lý trên 70.000 hồ sơ người có công, trong đó: trên 16.300 liệt sĩ, hơn 4.500 thương binh, hơn 2.850 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (có 143 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống) và còn lại gần 46.000 đối tượng như: người hoạt động kháng chiến; người có công, gia đình có công giúp đỡ cách mạng; người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày và đối tượng khác. Hiện có trên 10.000 người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng. 100% người có công với cách mạng đều có thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Vĩnh Long luôn chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng con em của gia đình liệt sĩ, thương binh.
Những năm qua, tỉnh có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình người có công như đóng góp Quỹ đền ơn đáp nghĩa; xây dựng, sửa chữa nhà cho gia đình chính sách, nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; chăm sóc thương binh, bệnh binh khó khăn; chăm sóc cha, mẹ liệt sĩ cô đơn, con liệt sĩ mồ côi; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là con liệt sĩ, con thương binh. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh có trên 170 trường hợp con liệt sĩ, con thương binh được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, có 93 trường hợp được đề bạt, bổ nhiệm ở cấp tỉnh và cấp huyện. Qua đó, các công chức, viên chức là con liệt sĩ, con thương binh đã phát huy truyền thống của gia đình, không ngừng nỗ lực học tập, phấn đấu đóng góp công sức, trí tuệ cho quá trình phát triển và hội nhập của tỉnh.
Việc sửa chữa và xây mới nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Theo số liệu tổng kết công tác hỗ trợ nhà ở đối với người có công giai đoạn 2019- 2020, bằng nguồn vận động xã hội hóa từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân, quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh, ngân sách cấp huyện, đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 1.057 căn nhà với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng; trong đó xây dựng mới 578 căn (gần 29 tỷ đồng), sửa chữa 479 căn (hơn 11 tỷ đồng).
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thăm hỏi, động viên bà Hồ Thị Lành (là con liệt sĩ)
trong ngày khởi công xây dựng căn nhà tình nghĩa
Qua rà soát khảo sát, giai đoạn 2021- 2025, danh sách người có công cách mạng đang gặp khó khăn về nhà ở do các huyện, thị xã, thành phố đề nghị là 1.609 căn nhà (xây dựng 218 căn, sửa chữa 1.391 căn). Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh để xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho người có công và thân nhân người có công cách mạng đảm bảo đúng đối tượng, điều kiện hỗ trợ theo quy định. Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 173 căn nhà với số tiền 8,63 tỷ đồng (Trong đó: Công ty Xổ số kiến thiết Vĩnh Long hỗ trợ 14 căn, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp huyện, xã: 13 căn; Ngân hàng TMCP Ngoại Thương: 40 căn; Ngân hàng TMCP Công thương: 100 căn…), sửa chữa 377 căn nhà với số tiền 9.205 triệu đồng (Trong đó: Công ty Xổ số kiến thiết Vĩnh Long hỗ trợ 315 căn; Ngân sách huyện: 06 căn; Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp huyện, xã: 56 căn).
Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc đời sống người có công với cách mạng” cũng được tỉnh thực hiện có hiệu quả. Đến nay, 100% bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cấp, ngành, cơ quan, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng đến cuối đời và trợ cấp hàng tháng. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức trên địa bàn bằng nhiều hình thức khác nhau đã chung tay nâng cao đời sống cho thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ. Hàng năm, các địa phương trong tỉnh đều vận động cán bộ, công chức ủng hộ ngày lương để xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Tính riêng trong tháng 11/2021, toàn tỉnh đã vận động đóng góp ủng hộ Quỹ được gần 2,8 tỷ đồng; lũy kế vận động được hơn 24 tỷ đồng. Qua đó, góp phần hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, tặng quà cho các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng và tu sửa các công trình ghi công liệt sỹ...
Vào các dịp lễ, Tết, Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7), tỉnh luôn tổ chức các đoàn đại biểu đi thăm hỏi và tặng quà các gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn. Trong dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho 19.192 người thuộc gia đình chính sách với tổng số tiền 5,8 tỷ đồng.
Có thể thấy, sự quan tâm kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long chính là niềm động viên, chỗ dựa tinh thần vững chắc giúp người có công và người thân của họ có thêm niềm tin vào cuộc sống. Cũng từ đó, nhiều gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã nêu cao ý chí tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế gia đình. Qua đó góp phần cùng chính quyền xây dựng quê hương ngày càng phát triển và giàu đẹp./.
Nguyễn Hiền
TAG:
Tin khác
Hà Giang: Nỗ lực giải phóng những “vùng đất chết” trả lại đất đai an toàn để phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về tái hòa nhập xã hội bền vững
Doanh nhân - Thương binh Tạ Quang Uẩn: Băng qua khói lửa, vươn lên thương trường
Hiệu quả các dự án giảm nghèo bền vững ở huyện Hương Sơn
Thái Nguyên tập trung thực hiện công tác giảm nghèo
Triển khai công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Nhân rộng các mô hình giảm nghèo ở Mỹ Xuyên
Phát triển năng lực trẻ em - Hành động vì tương lai
Thị xã Hồng Lĩnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững