An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Vĩnh Long: Nỗ lực triển khai thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật
02:22 PM 28/11/2021
(LĐXH) - Thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã quan tâm lãnh đạo chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các chính sách trợ giúp người khuyết tật.
Hàng năm, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các chính sách, chủ trương liên quan đến người khuyết tật, đồng thời thành lập Ban công tác người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Ngoài ra, còn xây dựng các kế hoạch nhằm giúp đỡ, hỗ trợ cho đối tượng là người khuyết tật trên địa bàn tỉnh như: tổ chức mở các lớp dạy nghề ngắn hạn, tạo điều kiện vay vốn giải quyết việc làm, giảm nghèo cho thanh niên khuyết tật theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg  góp phần giảm nghèo, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho thanh niên khuyết tật, triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 103/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 – 2015, trong đó đặc biệt chú trọng là thanh niên khuyết tật.
Với tổng số kinh phí từ năm 2012-2020 của Đề án trợ giúp người khuyết tật là 464.875 triệu đồng, trong đó ngân sách là 2.197 triệu đồng; vận động xã hội hóa là 462.678 triệu đồng, tỉnh Vĩnh Long đã chi cho các hoạt động tuyên truyền, tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết; tham gia hội thao người khuyết tật, triển khai văn bản mới đến cấp cơ sở, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ sinh kế, xe lăn, xe lắc, học bổng, quà tết, phục hồi chức năng, phẫu thuật chỉnh hình…
Tặng quà cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh
Sau khi Đề án trợ giúp người khuyết tật có hiệu lực, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các ngành liên quan cùng với các hội, đoàn thể địa phương tổ chức, lồng ghép với các chương trình khác để tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, đảng viên, các hội viên đoàn thể và quần chúng nhân dân nắm rõ những chính sách mới của Đảng và Nhà nước, phổ biến pháp luật dành cho người khuyết tật được 159 cuộc với 5.050 người tham dự; lắp đặt bảng thông tin, hộp tin về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật; phát hành 50.000 tờ gấp, băng cát-sét, ngoài ra báo, đài thường xuyên đưa tin về người khuyết tật, nhất là các gương điển hình về người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống và tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Từ đó, tạo điều kiện cho người khuyết tật được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của nhà nước về học nghề, giải quyết việc làm, trợ giúp xã hội,… góp phần giúp người khuyết tật ổn định cuộc sống. Qua công tác truyền thông, nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên.
Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Long cũng Chú trọng hoạt động phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật. Trong giai đoạn 2012 – 2020, toàn tỉnh có 6.652 người khuyết tật được khám lọc, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng; tập vật lý trị liệu 11.520 lượt người khuyết tật. Ngoài ra, qua sự vận động của các ngành, các cấp, có nhiều tổ chức trong và ngoài nước cấp 5.077 xe lăn, 757 xe lắc, 50 xe chuyên dụng cho trẻ bại não, 01 khung tập đi, 222 giày nẹp chỉnh hình, lắp 40 chân giả cho người khuyết tật với tổng trị giá trên 1 tỷ đồng; Vận động trên 1,6 tỷ đồng để phẫu thuật thay đục thủy tinh thể cho 1.751 người. Phối hợp với Trung tâm điều dưỡng và phục hồi chức năng thực hiện xuống tận gia đình có người bị khuyết tật tập huấn hướng dẫn cách tập vật lý trị liệu cho 13.968 lượt người, giúp 795 người khuyết tật hòa nhập xã hội. Trạm y tế có phân công cán bộ y tế phụ trách công tác phục hồi chức năng đạt tỷ lệ 100%.
Hoạt động trợ giúp tiếp cận giáo dục cũng được quan tâm. Nhà trường đã tổ chức cho học sinh khuyết tật học hòa nhập theo hình thức giáo dục chung và tổ chức đánh giá kết quả của học sinh khuyết tật thực hiện theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự nổ lực và tiến bộ của người học. Chất lượng các trẻ khuyết tật đi học được đánh giá theo kế hoạch giáo dục cá nhân của từng trẻ. Hầu hết các em đều hoàn thành được mục tiêu đầu năm và có nhiều tiến bộ, trẻ được lên lớp theo kế hoạch giáo dục cá nhân và được công nhận hoàn thành chương trình học các bậc học theo kế hoạch giáo dục cá nhân. Tổng số trẻ khuyết tật học hòa nhập là 1.336 trẻ. Tỉnh Vĩnh Long đã thành lập các câu lạc bộ cha mẹ trẻ khuyết tật ở huyện Long Hồ, Mang Thít; hỗ trợ cho huyện Mang Thít, Vũng Liêm, Trà Ôn về điểm can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật đặt tại các trường mầm non.
Trẻ em khuyết tật được chăm sóc nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long
Bên cạnh đó, hàng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội mở các lớp Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quyết định số 1956/QĐ-TTg và kế hoạch năm theo chỉ tiêu Bộ giao theo công văn số 2333/TCDN-BQL của Tổng cục Dạy nghề về hướng dẫn thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, kinh phí các dự án dạy nghề vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, kết quả thực hiện, có 1.843 trường hợp được giới thiệu học nghề và đào tạo nghề, có 3.033 trường hợp được giới thiệu việc làm, có 5.427 trường hợp được giúp vốn sinh kế với tổng số tiền 1.849 triệu đồng.
Trên cơ sở Quyết định phê duyệt Đề án 1019 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động triển khai xây dựng các kế hoạch hàng năm, tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ cho người khuyết tật. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, các loại hình thể thao người khuyết tật trong tỉnh từng bước được hình thành và thu hút nhiều người tham gia tập luyện và thi đấu thể thao tại tỉnh và tham gia hội thao toàn quốc. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 03 câu lạc bộ thể thao người khuyết tật; 18 Câu lạc bộ thể thao có người khuyết tật tham gia tập luyện; 171 Người khuyết tật tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Kết quả các đoàn vận động viên khuyết tật tham dự và đạt được nhiều thành tích đáng kể: 01 huy chương vàng, 09 huy chương bạc, 18 huy chương đồng. Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch chỉ đạo thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật. Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh và các trung tâm tại các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động trợ giúp pháp lý với các hình thức như: Tổ chức truyền thông: lắp đặt Bảng thông tin, hộp tin trợ giúp pháp lý tại trụ sở các cấp Hội và tại trường khuyết tật của tỉnh, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thanh tra nhà nước các cấp; Xây dựng tờ gấp, băng cassette miễn phí tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thông qua các cuộc trợ giúp pháp lý lưu động. Phối hợp với Báo Vĩnh Long, Đài phát thanh truyền hình Vĩnh Long mở chuyên mục về hoạt động trợ giúp pháp lý, biên soạn hỏi đáp pháp luật, xây dựng tiểu phẩm pháp luật phát trên đài truyền thanh. Tổ chức tập huấn về chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và hướng dẫn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật cho các trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên pháp lý... Phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức các đợt khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý của người khuyết tật tại các khóm ấp trong tỉnh (theo lãnh vực pháp luật, theo các dạng tật…), để triển khai các cuộc trợ giúp pháp lý lưu động, kết quả có 405 lượt người khuyết tật được hỗ trợ. Phân công các trợ giúp pháp lý chụy trách nhiệm các huyện, thị xã, thành phố để cập nhật thông tin, trực tiếp thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật khi có nhu cầu.
Sở Lao động – TBXH đã xây dựng văn bản, kế hoạch, tổ chức triển khai và chỉ đạo phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện, hướng dẫn cấp cơ sở thực hiện tốt công tác về lĩnh vực bảo trợ xã hội, như: việc thực hiện quy định mức trợ cấp xã hội hàng tháng, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng, mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng, mức hỗ trợ chi phí mai táng, mức cấp kinh phí nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng trong cơ sơ bảo trợ xã hội theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP và Nghị định 13/2010/NĐ-CP, Nghị định 136/2013/NĐ-CP; Nghị quyết 74/NQ-CP; Thông tư liên tịch 29/TTLT-BLĐTBXH-BTC; Luật Người khuyết tật; Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật; Đề án trợ giúp người khuyết tật. Tính đến hiện nay, toàn tỉnh Vĩnh Long đang chi trả trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng cho 46.625 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có 21.080 người khuyết tật; Nuôi dưỡng tại các Trung tâm Công tác xã hội là 112 người khuyết tật. Ngoài ra, trong các dịp lễ, tết các đơn vị đã vận động hỗ trợ 711.096 phần quà hỗ trợ người khuyết tật; hỗ trợ 2.596 công trình vệ sinh tự hoại trong nhà và 503 công trình nước sạch cho NKT có hoàn cảnh nghèo, cận nghèo; khám bệnh tại nhà cho bệnh nhân bại liệt, NKT đặc biệt nặng là 9.322 trường hợp; hỗ trợ sữa chữa 288 căn và xây mới 799 căn nhà cho người khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Hồng Phượng
TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công