Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Việt Nam nỗ lực thực hiện Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người
05:33 PM 30/09/2017
(LĐXH)-Ngày 29/9, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế tổ chức Hội thảo “Triển khai Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em” với sự tham gia của các đại biểu đến từ các Bộ, ngành liên quan cùng đại diện một số địa phương và các tổ chức quốc tế.
Mục đích của hội thảo nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết các nội dung về Công ước ASEAN về phòng, chống ma bán người, từ đó giúp bổ sung chính sách, pháp luật về lĩnh vực này phù hợp với Công ước ACTIP mà Việt Nam đã ký kết; tạo diễn đàn để các địa phương thảo luận về những khó khăn, thách thức trong việc triển khai Đề án Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, đề xuất các giải pháp phù hợp với việc thực thi ACTIP của Chính phủ.
Bàn chủ tọa
Công ước ACTIP - một quyết tâm chung chưa từng có của  ASEAN trong phòng, chống nạn mua bán người
Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP) được các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký kết vào ngày 21/11/2015 tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 tại Kuala Lumpur, Malaysia. ACTIP là công ước ràng buộc tầm khu vực duy nhất về mua bán người bên ngoài châu Âu. Văn bản này cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ và một quyết tâm chung chưa từng có của  các quốc gia thành viên trong cuộc đấu tranh chống nạn mua bán người.
Ngoài Lời nói đầu, Công ước ACTIP gồm 7 Chương, 31 Điều, quy định mục đích, phạm vi áp dụng, quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên, quyền tài phán, hợp tác quốc tế trong ngăn ngừa, chống hành vi mua bán người, thủ tục giải quyết tranh chấp thông qua hội đàm và thương lượng giữa các quốc gia thành viên thông qua kênh ngoại giao hoặc các biện pháp hòa bình khác nhằm đạt được thỏa thuận.
Mục đích của Công ước ACTIP nhằm phòng, chống có hiệu quả nạn mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và trừng phạt hành vi mua bán người; bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân; thúc đẩy hợp tác có hiệu quả giữa các quốc gia thành viên.
Các thành viên tham gia Công ước đã thống nhất hình sự hóa hành vi mua bán người, xác định những hành vi mua bán người, các nhóm tội phạm liên quan tới việc mua bán người và trừng trị các vi phạm đó bằng hình phạt thích đáng (Điều 5, 6, 7, 8, 9). Các nước được tiến hành các biện pháp cần thiết trong khuôn khổ luật pháp của quốc gia để điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội thuộc quyền tài phán; thực hiện những biện pháp thích hợp với người phạm tội hoặc người bị tình nghi phạm tội theo các thủ tục tố tụng hình sự hoặc dẫn độ (Điều 10).
Đối với việc bảo vệ nạn nhân bị mua bán, các thành viên có thể phối hợp với các tổ chức ngoài công lập hỗ trợ nạn nhân; bảo đảm an toàn cho các nạn nhân khi họ ở trong lãnh thổ của mình tạm thời hoặc vĩnh viễn; hợp tác với các tổ chức xã hội có liên quan nhằm hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân bị mua bán (Điều 14), đồng thời, tạo điều kiện cho phép nạn nhân bị mua bán hồi hương hoặc trở lại quốc gia nơi nạn nhân rời khỏi (Điều 15).
Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC) được giao trách nhiệm về việc thúc đẩy, theo dõi, đánh giá và định kỳ báo cáo Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Tội phạm xuyên quốc gia về việc thực thi có hiệu quả Công ước này. Ban Thư ký ASEAN sẽ cung cấp những hỗ trợ cho việc giám sát và phối hợp thực hiện Công ước này và hỗ trợ SOMTC trong các vấn đề có liên quan…
Ngoài ra, Công ước còn quy định về bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, quyền tài phán, nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không ảnh hưởng đến các nghĩa vụ phát sinh giữa các quốc gia thành viên theo quy định của điều ước quốc tế khác và khi các quốc gia thành viên đồng ý, đồng thời không ngăn cản các quốc gia hỗ trợ lẫn nhau theo quy định của điều ước quốc tế khác hoặc pháp luật trong nước.
Tại Việt Nam, ngày 13/12/2016, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 2674/2016/QĐ-CTN về việc phê chuẩn Công ước ACTIP, chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 08/3/2017. Việc phê chuẩn Công ước góp phần thể hiện vai trò tích cực, chủ động và khẳng định cam kết của Việt Nam cũng như khu vực ASEAN trong nỗ lực tăng cường hợp tác phòng, chống hành vi mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; đồng thời, góp phần vào việc triển khai Tuyên bố về tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025 và Kế hoạch hành động Cộng đồng ASEAN giai đoạn 2015-2025. Việc chính thức trở thành thành viên Công ước ACTIP không chỉ có tác động tích cực đối với Việt Nam và khu vực ASEAN mà còn mang lại nhiều lợi ích, góp phần khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Để thực hiện có hiệu quả Công ước ACTIP
Theo thống kê của IOM thì Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực có tỉ lệ buôn bán người cao nhất trên thế giới, trong đó ASEAN là một trong những khu vực xảy ra vấn nạn buôn bán người nhức nhối nhất. Trong số 2,5 triệu người bị buôn bán thì đa phần đến từ Châu Á- Thái Bình Dương. Có 1/3 nạn nhân bị buôn bán là phụ nữ và trẻ em trên thế giới đến từ các quốc gia Đông Nam Á.
 Ông Lê Đức Hiền – Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết Việt Nam là vùng đất có đường biên giới rộng, nhạy cảm thuận lợi cho đối tượng hành nghề buôn bán người.
Trao trả nạn nhận tại cửa khẩu Quốc tế Lào Cai
giữa biên phòng tỉnh Lào Cai và công an Trung Quốc 
Qua điều tra, khảo sát năm 2016 của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội thì có tới 68% nạn nhân bị buôn bán là người chưa lập gia đình. Hầu hết nạn nhân đều có kinh tế khó khăn thuộc hộ nghèo (chiếm 84%) 71% là người làm ruộng hoặc không nghề nghiệp. Đa phần nạn nhân không biết chữ hoặc chỉ học xong tiểu học. Có 98% nạn nhân bị mua bán người ra nước ngoài, trong đó 90% là sang Trung Quốc.
Ông Nguyễn Tường Long - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Lào Cai chia sẻ thực trạng buôn bán người đang diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn. Ông Long cho rằng vấn đề khó khăn hiện nay là làm thế nào để truyền thông cho người dân ở vùng khó khăn về việc họ có thể gặp bất trắc và rơi vào vòng xoáy mua bán người bất cứ lúc nào.
Theo đại diện Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an, để triển khai thực thi toàn diện, hiệu quả các quy định của Công ước ACTIP trên phạm vi cả nước, hướng tới mục tiêu xóa bỏ loại tội phạm này, thời gian tới, Việt Nam cần tập trung thực hiện một số biện pháp.
Một là, triển khai sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư về nội dung Công ước; xây dựng cơ chế phối hợp, phân công trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương có liên quan để triển khai, theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Công ước.
Đặc biệt, các cấp chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền và làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em. Các đoàn thể, tổ chức xã hội tổ chức thực hiện tốt chính sách, tạo phong trào hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân; lồng ghép Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người , đặc biệt là phụ nữ, trẻ em với việc các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và các đề án khác có liên quan như phòng, chống tệ nạn xã hội, dạy nghề, giảm nghèo và việc làm…
Hai là, đề xuất, hướng dẫn các quy định mới trong Bộ Luật Hình sự năm 2015, Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015; đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật tương trợ tư pháp năm 2007 bảo đảm tính tương thích với các quy định của Công ước ACTIP, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và yêu cầu của công tác phòng, chống mua bán người trong tình hình mới.
Ba là, xây dựng các đề án nghiên cứu về hoạt động điều tra đặc biệt, hợp tác quốc tế trong điều tra hình sự; tăng cường ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế đa phương, song phương trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ.
Bốn là, chủ động tham gia hoặc chủ trì tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về việc tổ chức thực hiện, nâng cao hiệu quả quá trình triển khai Công ước với các quốc gia thành viên ASEAN.
Việc hoàn thiện pháp luật quốc gia và tích cực ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng khẳng định lập trường nhất quán của Nhà nước Việt Nam trong nỗ lực phấn đấu vì nền hòa bình, ổn định, phát triển, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Mỹ Hạnh
TAG:
Tin khác
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương
Dùng thuốc mua trên mạng, tiền mất mà tật còn nguyên
Người hâm mộ đổ ra đường, hô vang “Việt Nam vô địch!”
CSGT Diễn Châu kịp thời giúp bé 4 tuổi thoát cơn nguy kịch