Công ước về quyền trẻ em là văn kiện về quyền con người được phê chuẩn rộng rãi nhất trong lịch sử với 196 quốc gia. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em vào năm 1990. Trong suốt 3 thập kỷ qua, những cam kết chính trị cũng như sự lãnh đạo của Nhà nước trong việc thực hiện quyền trẻ em đã giúp cải thiện cuộc sống của hàng triệu trẻ em.
Tuy nhiên, đến thời điểm này cả nước vẫn còn khoảng hơn 5 triệu trẻ em là trẻ em nghèo theo phương thức tính nghèo đa chiều. Trong đó tỷ lệ nghèo cao nhất là về vui chơi giải trí, sức khoẻ và nước sạch. Khả năng tiếp cận các bệnh viện tuyến trên của người nghèo sống ở khu vực miền núi chỉ bằng một phần ba so với người nghèo ở miền xuôi. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn cao, cao nhất là vùng Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc. Tỷ lệ nhập học mầm non của trẻ em còn thấp đặc biệt là trẻ em trong các hộ nghèo, trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Việc tiếp cận dịch vụ vui chơi giải trí của trẻ em tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi con thấp. Hầu hết các xã đặc biệt khó khăn còn thiếu điểm vui chơi cho trẻ em. Bên cạnh đó, do nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ và các điều kiện tự nhiên, tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Trung bộ vẫn còn nhiều gia đình rất khó khăn vào mùa đông giá rét, con em các đồng bào dân tộc thiểu số không có đủ quần áo ấm để mặc, chăm ấm để đắp.
Bên cạnh đó, những thay đổi trên toàn cầu cũng như sự phát triển của công nghệ số, biến đổi môi trường sống, di cư ồ ạt đang làm thay đổi tuổi thơ của trẻ. Các em ngày nay phải đối mặt với những mối đe dọa mới khiến nhiều em không được hưởng tuổi thơ một cách trọn vẹn. Việt Nam là một trong những nước có số lượng người sử dụng internet cao nhất châu Á. Mạng xã hội cũng rất phổ biến với khoảng 64 triệu người sử dụng trong số đó có một số lượng lớn là trẻ em và người chưa thành niên. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, trẻ em Việt Nam đã bị bắt nạt và quấy rối trên mạng, tự đặt mình vào nguy hiểm khi chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng bao gồm cả việc chia sẻ video gợi cảm và thiết lập các mối quan hệ trên mạng mà không nhận thức được các rủi ro tiền ẩn.
Ở Việt Nam, tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em vẫn diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2019, có 1.400 trẻ bị xâm hại. Tình trạng trẻ em bị xâm hại hiện nay đang là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội. Xâm hại tình dục trẻ em chiếm tới 81,3% trong các vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận, xử lý. Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 18 trở lên, là nam giới (trên 95%), đối tượng xâm hại bao gồm cả những người có trình độ dân trí cao, là cán bộ, công nhân viên (chiếm 0,97%), tập trung khá cao ở các đối tượng không có nghề nghiệp (chiếm 32,67%). Các hành vi xâm hại trẻ em xảy ra tại cộng đồng, nhà trường và trong chính gia đình của trẻ em. Tính chất vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ngày càng nghiêm trọng, phức tạp: nạn nhân bị xâm hại tình dục có cả những trẻ em tuổi mầm non, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em báo động về sự suy đồi đạo đức; xâm hại tình dục trẻ em mang tính loạn luân.
Xâm hại trẻ em không chỉ gây ra nhiều hậu quả trước mắt mà ảnh hưởng lâu dài trong suốt cuộc đời của trẻ em. Ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển não bộ của trẻ em, sức khỏe thể chất và tâm thần, nguy cơ bỏ học, kết quả học tập kém, quan hệ tình dục sớm, mang thai và sinh con khi chưa đến tuổi trưởng thành, các vấn đề về hành vi, kể cả các hành vi bạo lực và vi phạm pháp luật.
Thực hiện đầy đủ các nhóm quyền là tạo cơ hội phát triển toàn diện cho mọi trẻ em
Theo lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, để bảo vệ quyền lợi cho trẻ em, cần phải cam kết hành động khẩn trương, mạnh mẽ và đề cao quyền trẻ em ngay từ bây giờ. Những cam kết của năm 1989 chỉ có thể được hoàn thành khi tất cả các Chính phủ và các công dân đề cao quyền trẻ em và tất cả các em đều có thể đề xuất ý kiến, nguyện vọng thực hiện quyền của mình.
Trần Huyền