Vai trò của Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động trong công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ở khu vực ASEAN
(LĐXH) – Sáng ngày 18/11, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào cùng Ban Thư ký ASEAN tổ chức Hội thảo quốc tế theo hình thức trực tuyến với chủ đề “Vai trò của Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động trong công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong khu vực ASEAN”.
Tham dự Hội thảo, tại điểm cầu Việt Nam có ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Thực tế cho thấy, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, người lao động luôn phải đối diện với các yếu tố nguy hiểm, có hại, cùng với đó là ý thức chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và người lao động là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thời gian qua. Mặc dù các cơ quan quản lý Nhà nước đã có nhiều cố gắng trong việc ban hành các chính sách nhằm bảo vệ người lao động khỏi các nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cùng với ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động và người sử dụng lao động ngày càng được nâng cao, tuy nhiên những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, gây chết người vẫn xảy ra, để lại hậu quả nghiêm trọng cả về vật chất và tinh thần cho người lao động, thân nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội ở mỗi quốc gia. Vì vậy, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có ý nghĩa chia sẻ gánh nặng này. Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ đảm bảo bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên cơ sở đóng góp vào Quỹ.
phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam cho biết: Nhiều năm qua, chúng tôi tập trung vào vấn đề tai nạn lao động ở khu vực kinh tế chính thức. Tuy nhiên, liên quan đến khu vực kinh tế phi chính thức, việc phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn… Chúng ta không nên quên rằng, nguyên tắc chủ đạo của Công ước 155 (về an toàn lao động, vệ sinh lao động và môi trường lao động) đó là việc phòng ngừa nên là mục tiêu. Mục tiêu không phải là để bồi thường hay để chữa bệnh. Mục tiêu cao nhất là phòng ngừa và khía cạnh ngăn ngừa của Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động cũng vậy.
Tại Hội thảo, đại diện các thành viên ASEAN, chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế cùng nhau trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến, đồng thời chia sẻ thông tin và kinh nghiệm hữu ích giữa các quốc gia trong việc xây dựng và triển khai khuôn khổ pháp lý nói chung về an toàn, vệ sinh lao động cũng như chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nói riêng trong ASEAN. Qua đó, hướng tới cách tiếp cận chung, mục tiêu chung trong ASEAN về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để đưa ra cơ chế hiệu quả, nhằm bảo vệ người lao động trước những rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp./.
Minh Hiền
TAG: