An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Vai trò của an sinh xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp
11:52 AM 11/11/2021
(LĐXH) - Phát triển hệ thống an sinh xã hội (ASXH) toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế”. Đây là yếu tố quan trọng góp phần phát triển đất nước vững mạnh, hạnh phúc và thực hiện tiến bộ, tạo công bằng xã hội, bảo đảm tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Việc hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 cần được triển khai kịp thời.
An sinh xã hội được hiểu là hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật mà Nhà nước triển khai nhằm trợ giúp mọi thành viên trong xã hội đối phó với những rủi ro, cú sốc về kinh tế - xã hội làm cho họ bị suy giảm hoặc mất nguồn thu nhập và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng…Với cách tiếp cận này, hệ thống an sinh xã hội được hình thành từ năm trụ cột cơ bản: giảm nghèo bền vững; đào tạo nghề, lao động, việc làm; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các loại bảo hiểm khác; bảo trợ xã hội; các dịch vụ xã hội cơ bản.
Ngân hàng Thế giới nhận định, một hệ thống ASXH được xây dựng tốt sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của quốc gia. Thông qua hệ thống ASXH, nhà nước tiến hành phân phối lại thu nhập và dịch vụ cho người nghèo và những nhóm xã hội yếu thế, dễ bị tổn thương, góp phần giảm nghèo bền vững, chống nguy cơ tái nghèo, tiến tới thu hẹp bất bình đẳng xã hội. ASXH là một trong những hợp phần quan trọng của các chương trình, chiến lược phát triển nhằm mục tiêu ổn định xã hội, thu hẹp bất bình đẳng, tạo nên sự đồng thuận xã hội trong quá trình phát triển. 
Đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế-xã hội. Sản xuất, kinh doanh bị đình trệ dẫn đến doanh nghiệp phá sản, hoặc ngừng sản xuất, lao động nghỉ việc. Tình trạng không có việc làm, giảm thu nhập trở nên phổ biến trong mỗi làn sóng đại dịch, khiến cho hàng trăm nghìn lao động bị mất việc, hàng triệu lao động phải nghỉ giãn việc. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ buộc phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Các nhóm đối tượng yếu thế, đặc biệt lao động trong khu vực phi chính thức càng khó khăn hơn, do sinh kế của họ gắn nhiều với các hoạt động tiếp xúc trực tiếp với nguy cơ lây nhiễm cao. Trong tình hình đó, chính sách ASXH kịp thời sẽ góp phần hỗ trợ, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội.
Nhân viên bưu điện cấp phát tiền hỗ trợ người dân xã Ðông Vinh, TP Thanh Hóa gặp khó khăn do Covid-19.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, ngành BHXH Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt để NLĐ và người sử dụng lao động trong cả nước được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về BHXH, BH thất nghiệp một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất. Theo đó, các quy định về tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; Chính sách hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ NLĐ bị ngừng việc; hỗ trợ NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động; hỗ trợ hộ kinh doanh… và một số quy định đều được áp dụng nới lỏng. 
Đặc biệt, ngày 24/9/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 về ban hành chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN. Trong đó, sử dụng khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ BHTN đến hết năm 2020 để hỗ trợ các đối tượng: Đang tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2021 nhưng không bao gồm lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên; Đã dừng tham gia BHTN do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến ngày 30 tháng 9 năm 2021 có thời gian đóng BHTN được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng và người sử dụng lao động. 
Tiếp đó, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24.9.2021 về chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN. Đối tượng áp dụng là NLĐ đang tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30/9/2021, không bao gồm NLĐ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên. NLĐ đã dừng tham gia BHTN do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng BHTN được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hằng tháng. Nghị quyết số 116/NQ-CP cũng nhấn mạnh mục tiêu thể hiện được sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước đối với NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; Góp phần hỗ trợ NLĐ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động; Hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mới, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho NLĐ; Phát huy vai trò của chính sách BHTN là chỗ dựa cho NLĐ và người sử dụng lao động. 
Tính đến hết ngày 18/10/2021, đã có 728 đơn vị với trên 133,3 nghìn lao động tại 56 tỉnh, thành phố được giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền lên tới 912,3 tỷ đồng; Xác nhận danh sách cho trên 1,94 triệu lao động của 56.900 đơn vị trên toàn quốc để hưởng các chính sách hỗ trợ. Trong số này có hơn 1,47 triệu lao động của 51,7 nghìn đơn vị được xác nhận tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương. 320,3 nghìn lao động của 3.776 đơn vị được xác nhận ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Gần 1.800 lao động của 20 đơn vị được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm. Trên 67,6 nghìn lao động của 882 đơn vị bị ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 được đơn vị sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc. Cùng với đó, có gần 51,7 nghìn lao động của 248 đơn vị được đơn vị sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động); 26,8 nghìn lao động của 187 đơn vị được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).
Mặc dù việc triển khai chính sách an sinh xã hội đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề đang được đặt ra, đó là: “Giảm nghèo chưa bền vững, chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý vấn đề phân hóa giàu - nghèo, gia tăng bất bình đẳng về thu nhập, kiểm soát và xử lý các mâu thuẫn, xung đột xã hội. Chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, có mặt còn bất cập. Chính sách tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phúc lợi xã hội có mặt còn hạn chế; thụ hưởng của người dân từ thành tựu phát triển của đất nước chưa hài hòa.
Cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, các chương trình trợ giúp và cứu trợ xã hội theo hướng khả thi, linh hoạt, và kịp thời đến tay đối tượng, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương. Tập trung triển khai có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, nhất là ở các vùng dân tộc. Ưu tiên đầu tư nguồn lực tài chính cho ASXH, ngoài nguồn ngân sách nhà nước, cần đẩy mạnh xã hội hóa dựa trên sự đóng góp, chia sẻ của cộng đồng, doanh nghiệp, khu vực tư nhân, để có thể giảm bớt gánh nặng bao cấp của nhà nước và hội nhập sâu hơn với quốc tế. Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong điều hành, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các chương trình ASXH, tránh rò rỉ nguồn lực, đảm bảo hệ thống vận hành công khai, minh bạch và kịp thời trong hoạt động hỗ trợ. Quan tâm bồi dưỡng cán bộ và đào tạo đội ngũ làm công tác ASXH, tránh tình trạng gặp khó khăn về nhân lực khi xảy ra tình huống bất thường, khủng hoảng.
Lê Minh.



TAG:
Tin khác
Dữ liệu giám sát hành trình ôtô sẽ do Cục CSGT quản lý
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng gặp mặt cán bộ hưu trí phía Nam mừng Xuân Ất Tỵ
Hội đồng hương Nghệ An tại TP.HCM trao 500 triệu đồng ủng hộ người nghèo tỉnh Nghệ An đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Công viên 3.500 tỷ đồng tại Hà Nội thành hình
Năm 2024: Cục Bảo trợ xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store
Xe mô tô, xe máy được phép cải tạo từ tháng 1/2025
Herbalife Việt Nam tài trợ Chương trình “Chào Năm Mới 2025” tại Hà Nội để khuyến khích lối sống năng động lành mạnh
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả