Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%
(LĐXH) - Thống kê, tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước từ 1-1,5%/năm. Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%, tỷ lệ hộ cận nghèo cả nước còn khoảng 4%.
Chính sách giảm nghèo nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành
Thực hiện Nghị quyết 76/2014/QH13 của Quốc hội đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động, phân công trách nhiệm cho các Bộ, ngành, địa phương; xác định rõ lộ trình thực hiện. Chính phủ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo thông qua các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020. Nhìn chung, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao; khuôn khổ văn bản pháp lý về giảm nghèo được xây dựng, ban hành khá kịp thời, đầy đủ, toàn diện để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; cơ chế quản lý điều hành, phân công phân cấp, phối hợp, lồng ghép trong tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo đã từng bước được hình thành và đi vào nền nếp; các mục tiêu giảm nghèo đều đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra.
Trong 4 năm đã có 1.353.805 hộ/2.338.569 hộ nghèo đã thoát nghèo, chiếm 58%. Như vậy, sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao; đối với tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn 27,85%, bình quân trong 4 năm giảm 5,65%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm bình quân 4%/năm; ước cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân các huyện nghèo còn khoảng 24%.
Đã có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đạt 12,5% và 14/30 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. Dự kiến đến cuối năm 2020 khoảng 32 huyện thoát khỏi huyện nghèo, đạt chỉ tiêu đề ra; Có 95/292 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đạt tỷ lệ 32,5% (vượt 2,5%). Đến nay, có 1.298/3.973 thôn đặc biệt khó khăn (chiếm tỷ lệ 32,67%), 125/2.193 xã đặc biệt khó khăn (chiếm tỷ lệ 5,69%) hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 (thoát khỏi tình trạng ĐBKK), phù hợp với mục tiêu đề ra của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (20-30% số thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn). Năm 2019, số hộ nghèo về thu nhập là 917.367 hộ, tương ứng 93,15% so với tổng số hộ nghèo; số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều là 67.126 hộ, tương ứng 6,85% so với tổng số hộ nghèo.
Như vậy, cùng với việc giảm số hộ nghèo chung giai đoạn 2016-2019, tỷ lệ số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều cũng có xu hướng giảm trong tổng số tỷ lệ hộ nghèo chung, kể cả ở các chiều và chỉ số thiếu hụt. Tuy tình hình kinh tế - xã hội của đất nước còn gặp nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực giảm nghèo vẫn tiếp tục được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Kinh phí thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội được Chính phủ giao ổn định để các địa phương chủ động thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ người nghèo nâng cao thu nhập, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và thông tin. Điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của khu vực nông thôn, nhất là khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã có sự thay đổi rõ rệt; đời sống của người nghèo được cải thiện cả về vật chất và tinh thần; kết quả giảm nghèo và cách tiếp cận giải quyết vấn đề nghèo đói ở nước ta thời gian qua tiếp tục được các đối tác phát triển, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Hộ nghèo cần được ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc rà soát, tích hợp văn bản chính sách về giảm nghèo cũng như việc chuyển đổi phương thức hỗ trợ người nghèo từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn triển khai còn chậm; các chính sách giảm nghèo đã được tích hợp bước đầu nhưng vẫn còn dàn trải, thiếu tính hệ thống. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt. Tỷ lệ tái nghèo trong 4 năm (2016 - 2019) bình quân 4,09%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo (giai đoạn trước tỷ lệ tái nghèo khoảng 12%/năm); tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, trung bình giai đoạn 2016 - 2019 bằng 21,8% so với tổng số hộ thoát nghèo.
Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 58,53% tổng số hộ nghèo trong cả nước (cuối năm 2019). Điều này đòi hỏi cần tiếp tục phải có những giải pháp hiệu quả, phù hợp hơn để góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 theo mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế. Nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc và miền núi tuy đã được ưu tiên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; việc phát triển công nghiệp dịch vụ phục vụ nông nghiệp cho các huyện nghèo chưa được chú trọng, chưa kết nối sản xuất với thị trường; việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, tiến độ giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp còn chậm. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm ngèo bền vững còn nhiều bất cập, chưa tạo được chuyển biến trong đội ngũ cán bộ cơ sở và người dân về những thay đổi chính sách và cách tiếp cận mới trong giảm nghèo.
Để thực hiện được mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết 5 năm (2016-2020) của Quốc hội, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo, phát sinh nghèo; Hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết của Quốc hội, phấn đấu đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống dưới 3% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020; tỷ lệ bình quân hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm xuống dưới 26%; hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo, phát sinh nghèo do các nguyên nhân chủ quan, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Thực hiện toàn diện, hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo để nâng cao chất lượng cuộc sống và hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội cơ bản phù hợp theo các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm về kết quả rà soát hộ nghèo hàng năm trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành, nhất là ở địa phương trong thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo, tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong xã hội, tạo động lực, khích lệ và khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững của chính người nghèo.
Cùng với đó, thực hiện tốt hơn những chính sách đã ban hành; tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá hệ thống chính sách giảm nghèo, trên cơ sở đó lồng ghép các chính sách, loại bỏ các chính sách chồng chéo, không hiệu quả; tích hợp, trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với tiêu chí cụ thể như đối tượng, địa bàn, thời gian thụ hưởng; đảm bảo tính hiệu quả của chính sách và tính khả thi trong bố trí nguồn lực thực hiện. Đổi mới hình thức hỗ trợ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, chuyển dần từ hình thức hỗ trợ toàn bộ sang đồng chia sẻ về kinh phí. Bố trí đủ ngân sách để thực hiện các chính sách giảm nghèo, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội các vùng khó khăn; ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên để thực hiện các chính sách hỗ trợ các đối tượng nghèo ổn định đời sống, phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo. Ưu tiên nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; huyện nghèo, xã nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu; xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm của các ngành sản xuất, chế biến nông, lâm sản cho hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo; chú trọng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi là đặc sản, có hiệu quả kinh tế cao. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phổ cập giáo dục và tỷ lệ đào tạo nghề khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số; phân luồng, đào tạo nghề hợp lý, hiệu quả; duy trì các chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; nâng cao tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn. Tăng cường công tác quản lý nhà nước; cải cách thủ tục hành chính và phương thức để người dân, cộng đồng thuận lợi hơn khi tham gia và tiếp cận chính sách giảm nghèo.
Minh Anh
TAG: