Theo trang Báo sáng Lỗ Trung, vào cuối tháng 12/2024, gia đình ông bà Trần ở một vùng nông thôn tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã tiến hành lên men gần 1,5 tấn gạo nếp trộn cùng nước và men đỏ để làm rượu men đỏ, dự định dùng trong dịp Tết Nguyên đán để thiết đãi họ hàng, bạn bè. Họ sử dụng một hầm rượu tự xây dựng để ủ rượu, hầm rượu này có diện tích khoảng 20m², chỉ được trang bị một chiếc quạt thông gió nhỏ.
Sau một khoảng thời gian để gạo lên men trong những thùng chứa lớn, bà Trần cảm thấy không yên tâm về chất lượng rượu nên mới đây đã xuống hầm kiểm tra. Tuy nhiên, sau khi xuống hầm rượu, bà Trần không trở lại.
Ông Trần gọi điện thoại cho vợ nhưng không có ai nghe máy. Linh cảm có chuyện chẳng lành, ông vội vàng xuống hầm tìm vợ. Vừa đến cửa hầm, ông đã cảm thấy tức ngực, buồn nôn và choáng váng. Cố gắng kêu cứu nhưng chỉ được vài giây, ông đã ngất xỉu ngay tại cửa hầm.
Nghe thấy tiếng kêu cứu yếu ớt, người em rể và cháu trai của gia đình đã nhanh chóng chạy đến. Khi phát hiện ông Trần nằm bất tỉnh ở cửa hầm, cả hai người cũng bắt đầu cảm thấy chóng mặt, buồn nôn và khó thở. Nhờ nhanh trí dùng khăn ướt che mũi miệng, hai người đàn ông mới gắng sức kéo được ông Trần ra khỏi khu vực nguy hiểm và lập tức gọi xe cấp cứu. Lực lượng cứu hỏa địa phương sau đó cũng đã được huy động để đưa bà Trần ra khỏi hầm.
Tuy nhiên, do thời gian ở trong hầm quá lâu, bà Trần đã rơi vào tình trạng ngừng tim, ngừng thở khi được đưa đến bệnh viện và không thể qua khỏi. Ông Trần, nhờ được giải cứu và cấp cứu kịp thời, đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần sau khi được hồi sức tim phổi và được chuyển đến một bệnh viện lớn để tiếp tục điều trị.
Bác sĩ Lục Viễn Cường, Trưởng khoa Cấp cứu của một bệnh viện lớn, cho biết đây là một trường hợp điển hình của ngộ độc khí Hydro sunfua (H₂S). Ông giải thích rằng trong quá trình lên men rượu, đặc biệt là rượu trắng và rượu men đỏ, khí H₂S rất dễ sinh ra. Loại khí này nặng hơn không khí, do đó thường tích tụ ở những nơi trũng thấp như hầm rượu. Khi nồng độ H₂S vượt quá ngưỡng nguy hiểm, nó có thể gây hại nghiêm trọng, thậm chí tử vong cho con người chỉ trong thời gian ngắn.
Bác sĩ Lục nhấn mạnh rằng độc tính của H₂S không chỉ đến từ khả năng gây ngạt thở mà còn do độc tính thần kinh mạnh mẽ của nó. H₂S có thể gây thiếu oxy ở cấp độ tế bào. Ở nồng độ thấp, người ta có thể nhận biết khí H₂S qua mùi trứng thối đặc trưng. Tuy nhiên, ở nồng độ cao, H₂S lại làm tê liệt khứu giác, khiến nạn nhân không còn cảm nhận được mùi, làm tăng thêm sự nguy hiểm. Theo các chuyên gia, chỉ cần nồng độ H₂S trong không khí đạt 0,02%, hít phải trong 5-8 phút đã có thể gây ngộ độc. Khi nồng độ tăng lên 0,1%-0,15%, khí này có thể gây tử vong nhanh chóng.