Tuyên Quang nâng cao vị trí và vai trò của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số
(LĐXH)- Thời gian qua, nhận thức của phụ nữ nói chung, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng về vị trí, vai trò của mình trong gia đình và xã hội trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều tiến bộ, nhất là nữ cán bộ, công chức, viên chức, nữ doanh nhân, nữ trí thức, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ.
Những năm gần đây, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, chính trị, xã hội ở Tuyên Quang cũng đã quan tâm tới việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, hạt nhân là Sở Lao động – TBXH còn đã chủ động phối hợp, hướng dẫn các đơn vị tăng cường và đa dạng các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và thực hành về bình đẳng giới trong các tầng lớp nhân dân; phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, đặc biệt là bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị thông qua các hình thức phù hợp với từng địa phương, đơn vị và đặc thù từng nhóm đối tượng; tuyên truyền giới thiệu các mô hình, dịch vụ hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới đang được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai liên quan đến vùng dân thiểu số.
Tính từ năm 2018 - 2021, Sở Lao động – TBXH đã chủ trì, phối hợp với UBND các huyện tổ chức 13 hội nghị tập huấn cho 1.040 đại biểu là nữ đại biểu HĐND cấp xã, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trong công tác bình đẳng giới nói chung, kỹ năng lồng ghép vấn đề giới trong văn bản pháp luật; tổ chức 11 hội nghị tuyên truyền về dịch vụ phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cho trên 1.000 đại biểu là người dân trên địa bàn một số xã dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới.
In 10.000 tờ rơi với nội dung “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối phụ nữ và trẻ em gái” qua đó cung cấp cho người dân các kỹ năng, biện pháp phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; in 3.400 quyển sách mỏng truyền thông về công tác Bình đẳng giới cấp phát cho giáo viên trung học cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh; treo 103 băng rôn tuyên truyền về bình đẳng giới nhân “Tháng hành động về Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới”; xây dựng 02 cụm pano tuyên truyền công tác bình đẳng giới tại 02 xã thuộc huyện Sơn Dương và Na Hang; xây dựng 30 pano tuyên truyền gắn trên cột điện tuyên truyền công tác Bình đẳng giới tại xã Nhân Mục (huyện Hàm Yên)… Qua đó, góp phần tích cực vào việc ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Có thể thấy, vị trí, vai trò của mình trong gia đình và xã hội của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số được cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang quan tâm, tạo cơ hội cho chị em tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, tỷ lệ mù chữ và bỏ học ở trẻ em gái tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã giảm rõ rệt đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chí Tâm
TAG: