An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Tuyên Quang: Năm 2018, dự kiến giảm tỷ lệ hộ nghèo còn trên 15%
03:38 PM 19/10/2018
Ngày 18/10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Hội nghị đánh giá giữa kỳ Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 và thực hiện chính sách về nhà ở đối với người có công với cách mạng.
Dự hội nghị có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang; Triệu Thị Lún, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh HĐND, UBND tỉnh; các sở, ban, ngành tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố; đại điện các xã làm tốt công tác giảm nghèo, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở LĐTBXH đã báo cáo Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 và thực hiện chính sách về nhà ở đối với người có công với cách mạng. Theo đó, đầu năm 2016, tỉnh Tuyên Quang có 55.827 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 27,81% và 18.050 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 8,99%. Tỷ lệ hộ nghèo cao tập trung tại các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. 
Nguyên nhân dẫn đến nghèo của các hộ nghèo chủ yếu là do vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên chung của tỉnh không thuận lợi; địa hình các huyện vùng cao, các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa chia cắt, thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, thiếu phương tiện sản xuất; nguồn lực từ ngân sách tỉnh đầu tư cho công tác giảm nghèo còn hạn chế, số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít, doanh thu nhỏ, chưa thu hút được nhiều lao động vào làm việc để chuyển dịch cơ cấu lao động địa phương và tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất để nâng cao thu nhập; một số hộ nghèo do trong gia đình có người ốm đau thường xuyên, tàn tật, già cả, có người mắc tệ nạn xã hội.

Các đại biểu tham dự hội nghị 
Ngoài ra, diễn biến thời tiết, khi hậu phức tạp; tác động suy thoái kinh tế, biến động giá cả; do đổi mới khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng đến việc làm của người dân cũng làm tăng nguy cơ rơi vào nghèo đói. Cùng với đó, trình độ sản xuất, thâm canh còn hạn chế, chưa chủ động tiếp cận và ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng, hiệu quả giống cây trồng, vật nuôi. Một số hộ nghèo còn lười lao động, trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của nhà nước và sự giúp đỡ của cộng đồng.
Thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành các nghị quyết, chính sách, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 1 nghị quyết, HĐND tỉnh đã ban hành 2 nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành 3 kế hoạch, 1 đề án.
Hàng năm, UBND tỉnh phê duyệt, ban hành các quyết định giao chỉ tiêu, kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo, phân bổ, giao kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành trong tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chương trình giảm nghèo, trong đó hỗ trợ giảm nghèo đối với các vùng dặc biệt khó khăn, gắn với xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản; chỉ đạo các ngành, địa phương trong tỉnh tập trung huy động nguồn lực, lồng ghép các nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, như: Chính sách hỗ trợ lãi suất tiền vay để các hộ tổ chức nuôi, trồng một số loại cây, con có giá trị kinh tế, có tiềm năng, lợi thế trên địa bàn tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa và chính sách hỗ trợ hộ nghèo là hội viên Hội Nông dân phát triển chăn nuôi kết hợp xây hầm, bể Biogas; thực hiện hỗ trợ 10% mức đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo…
Tiếp tục ban hành một số chính sách phát triển sản xuất, tăng thu nhập đối với hộ nghèo, trong đó tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, gắn sản xuất nông nghiệp với sản xuất hàng hóa; chính sách hỗ trợ học sinh con hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn học tại Trường THPT Chuyên tỉnh…
Kết quả, đến cuối năm 2017, toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn trên 19%, tương đương trên 16.000 hộ đã thoát nghèo; Ước năm 2018 giảm xuống còn trên 15%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm đạt trên 4%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện nghèo Lâm Bình giảm từ 60,79% đầu năm 2016 xuống còn 45,75% cuối năm 2017, bình quân giảm 7,15%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã nghèo (xã thực hiện Chương trình 135) bình quân giảm 6,21%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 6,38%/năm, ước đến hết năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 25,54%, trong 3 năm 2016-2018 giảm 17,91%, bình quân giảm 5,97%/năm, đạt vượt kế hoạch đề ra.
Trong gần 3 năm qua, toàn tỉnh đã hỗ trợ gần 1.200 hộ gia đình người có công về nhà ở, với tổng kinh phí trên 35 tỷ đồng. Việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng đã tạo thành phong trào thi đua sâu rộng trong xã hội, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm khẳng định, công tác giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Chính vì thế trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, thực hiện hiệu quả các giải pháp về giảm nghèo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo trên địa bàn. Các cấp, các ngành đã vận động, triển khai chính sách hỗ trợ làm nhà ở đối với người có công kịp thời, đúng quy định, đúng đối tượng.
Đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác giảm nghèo và hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng còn hạn chế, như: Số hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ còn cao, chất lượng giảm nghèo chưa vững chắc, việc rà soát đánh giá hộ nghèo, cận nghèo, xác định nguyên nhân nghèo ở một số nơi còn lúng túng, việc huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh cao hơn 1,18 lần so với mức bình quân của khu vực và cao hơn 2,8 lần so với tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước.
Đồng thời đề nghị trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong công tác giảm nghèo, coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, lấy kết quả giảm nghèo là chỉ tiêu để đánh giá tập thể và cá nhân hàng năm; đẩy mạnh thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Bên cạnh đó cần tiến hành rà soát chính xác nguyên nhân nghèo để đề ra giải pháp giảm nghèo phù hợp; bố trí sử dụng nguồn lực cho công tác giảm nghèo một cách công khai, minh bạch, tránh dàn trải và có sự tham gia tích cực của người dân. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động thuộc hộ nghèo; tập trung đầu tư hạ tầng cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và cộng đồng trong thực hiện công tác giảm nghèo. Từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo và năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp; tăng cường huy động nguồn lực của toàn xã hội chăm lo cho công tác giảm nghèo và hỗ trợ làm nhà ở cho người có công với cách mạng, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm xuống dưới 10%; không còn hộ nghèo thuộc đối tượng hộ chính sách, người có công với mạng./.

PV
 
 
 
 
TAG:
Tin khác
TP Lào Cai tặng quà Tết cho gia đình người có công bị ảnh hưởng cơn bão số 3
Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, xã hội nhân dịp Tết Ất Tỵ
Nhân rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên vùng đất Thép Thái Nguyên
Du khách mang thuốc lá điện tử vào Việt Nam có thể bị xử tù
Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi kèm mảnh giấy: ‘Em là sinh viên, không nuôi được con’
Thị trường bưởi, quất cảnh 'vỉa hè' ảm đạm
Đọ dáng linh vật Tết Ất Tỵ: “Bé Na” nào sẽ đăng quang?
Những khu giải trí từng hot nhất Hà Nội: Hoàng kim rồi vụt tắt
“Bữa ăn hạnh phúc” cùng 662 phần quà được trao cho học sinh trường Khao Mang