LĐXH – Xác định nâng cao chất lượng đào tạo nghề là giải pháp căn bản để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong giai đoạn 2011-2015, Tuyên Quang đã nhiều chính sách ưu tiên và giải pháp cụ thể nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh, đào tạo nghề cho lao động
Lớp học nghề May tại Trường CĐN Tuyên Quang
Thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 13/5/2011 của Tỉnh ủy về phát triển và nâng cao nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đã làm tốt công tác phối hợp, chủ động tham mưu và triển khai thực hiện Chương trình quy hoạch, phát triển, nâng cao nguồn nhân lực của địa phương. Trong đó, công tác tuyển sinh đào tạo nghề được chú trọng trong tất cả các cơ sở dạy nghề trong tỉnh. Sau 5 năm, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh đã được nâng lên rõ rệt, kết quả đó đã thể hiện rõ nét trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; đổi mới, cải tiến công tác đào tạo gắn với doanh nghiệp; giải quyết việc làm người lao động... từng bước góp phần vào sự phát triển các ngành, nghề ở mỗi địa phương nói riêng và sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói chung.
Trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo hoàn thành quy hoạch mạng lưới dạy nghề, thành lập mới 3 cơ sở đào tạo nghề, nâng tổng số lên 15 đơn vị. Tất cả các huyện, thành phố đều có trung tâm dạy nghề công lập. Các cơ sở dạy nghề từng bước mở rộng quy mô đào tạo, các ngành nghề mới phù hợp, cung cấp cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp thu hút nhiều lao động đến làm việc và phục vụ xuất khẩu lao động. Tính hết năm 2015, các cơ sở dạy nghề có tổng số 147 phòng học lý thuyết, 54 xưởng thực hành, 14 thư viện với quy mô đào tạo đạt trên 17 ngàn học sinh/năm, chất lượng lao động qua đào tạo nghề có chuyển biến rõ rệt. Riêng Trường CĐN Kỹ thuật – Công nghệ đầu tư 2 nghề trọng điểm cấp độ Asean, 01 nghề cấp độ quốc gia và thành lập Trung tâm Đánh giá kỹ năng nghề (đối với 3 nghề).
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề được kiện toàn, củng cố từ tỉnh đến cơ sở. 100% huyện, thành phố có cán bộ chuyên trách quản lý dạy nghề, các xã, thị trấn đều có cán bộ theo dõi công tác dạy nghề. Đội ngũ giáo viên dạy nghề từng bước được tăng cường, nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Trong tổng số 587 giáo viên dạy nghề, có 22 người có trình độ thạc sỹ, 327 đại học, 50 cao đẳng... Hàng năm cán bộ, giáo viên dạy nghề được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng nghề nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo và nhu cầu của người học.
Công tác chỉ đạo, quản lý công tác đào tạo nghề cũng được các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc. Các huyện, thành phố được giao quản lý và thực hiện kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động thuộc đối tượng chính sách và các địa phương xây dựng nông thôn mới. Việc điều tra nhu cầu sử dụng lao động và thông tin thị trường lao động, giới thiệu, tư vấn học nghề và tìm việc làm được chú trọng thực hiện thường xuyên. Từ năm 2011 đến nay đã tư vấn học nghề và việc làm cho hơn 23 ngàn lượt người; cho vay trên 93 tỷ đồng tạo việc làm cho trên 5.500 lao động. Đồng thời, thông qua các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và địa phương, các cơ sở dạy nghề đã sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích... Với sự quan tâm, phối hợp của các sở, ban ngành trong tỉnh và sự nỗ lực, đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo nghề của các cơ sở dạy nghề trong tỉnh, 5 năm qua đã có trên 45 ngàn lao động tham gia tuyển sinh, học nghề, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 27,5%.
Học sinh Trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật Tuyên Quang trong giờ thực hành nghề chăn nuôi thú y
Thực hiện kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 2016 – 2020 cho trên 40 ngàn lao động (bình quân 8 ngàn người/năm), nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên 37% theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, thời gian tới các cấp, các ngành tỉnh Tuyên Quang cần tập trung chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; thực hiện có hiệu quả Luật Giáo dục nghề nghiệp và các chính sách liên quan... Trong đó, ưu tiên rà soát lại cơ cấu các cơ sở dạy nghề; kiện toàn năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và chất lượng giáo viên dạy nghề; huy động mọi nguồn lực từ các chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương; nâng cao chât lượng dịch vụ tư vấn tuyển sinh, đào tạo nghề... đáp ứng nhu cầu của người học và đòi hỏi của doanh nghiệp ngày càng cao.
Bên cạnh đó, đề nghị UBND tỉnh có cơ chế đầu tư phát triển các khu công nghiệp, các ngành nghề có khả năng thu hút nhiều lao động tham gia, đồng thời hỗ trợ kinh phí phát triển mạng lưới thông tin thị trường lao động, dịch vụ tư vấn và giới thiệu việc làm nhằm nâng cao năng lực cho các cơ sở dạy nghề; các đơn vị dạy nghề trên địa bàn tỉnh cần tập trung bồi dưỡng trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề cho giáo viên đạt trình độ cấp quốc gia và khu vực đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề chất lượng cao trong giai đoạn mới./.
N.Ngọc