An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Từng bước khẳng định vai trò và vị thế của Thanh tra chuyên ngành An toàn, vệ sinh lao động
01:14 PM 29/12/2020
(LĐXH) - Thời gian qua, Thanh tra chuyên ngành an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã dần khẳng định được vai trò của mình trong việc kiểm tra, giám sát doanh nghiệp chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ.
Việt Nam hiện có khoảng 800 ngàn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó hơn 95% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và 2,3 triệu hộ sản xuất kinh doanh. Bên cạnh việc góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập quốc tế của đất nước, sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và quy mô hoạt động của các doanh nghiệp đặt ra đòi hỏi cấp bách đối với công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật nói chung và pháp luật lao động nói riêng, trong đó có việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ
Theo số liệu thống kê của thanh tra nhà nước về lao động của các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), hàng năm các Sở tiến hành thanh tra bình quân được khoảng 55 doanh nghiệp và kiểm tra liên ngành được 30 doanh nghiệp. Bình quân cả năm cả nước tiến hành thanh tra về thực hiện pháp luật lao động được khoảng 3.800 doanh nghiệp. Hiện tại cả nước có khoảng 460 thanh tra viên ngành LĐTBXH, trong khi đó, có khoảng 56 vạn doanh nghiệp cần thanh tra. Nếu cứ tổ chức thanh tra theo Đoàn, mỗi Đoàn phải từ 2 cán bộ trở lên thì để thanh tra hết số doanh nghiệp trên phải mất ít nhất 40 năm.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng Bằng khen cho phòng Pháp chế - Thanh tra, ghi nhận những đóng góp của thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ
Chính vì vậy, để thực hiện tốt công tác thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp về ATVSLĐ, Luật ATVSLĐ đã có quy định cụ thể về thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ. Theo đó, thanh tra ATVSLĐ là thanh tra chuyên ngành thuộc cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về lao động cấp trung ương và cấp tỉnh (Khoản 1 Điều 89). Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành là cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, bao gồm tổng cục, cục thuộc bộ, chi cục thuộc sở được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (Khoản 6 Điều 89).
Thực hiện Luật ATVSLĐ, ngày 14/9/2016 Bộ LĐTBXH đã có Công văn số 3514/LĐTBXH-ATLĐ đề nghị Thanh tra Chính phủ giao bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ đối với Cục An toàn lao động. Theo đề nghị của Bộ LĐTBXH, Thanh tra Chính phủ đã có công văn số 2723/TTCP-TCCB ngày 14/10/2016 thống nhất với đề nghị của Bộ LĐTBXH, trong đó, quy định rõ Thanh tra Bộ là cơ quan chủ trì về thanh tra ATVSLĐ, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, trong đó có công tác thanh tra ATVSLĐ. Hàng năm Cục An toàn lao động xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra đối với công chức thực hiện thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ và kế hoạch thanh tra gửi Thanh tra Bộ tổng hợp trình Bộ trưởng quyết định tổ chức thực hiện. Đồng thời đề nghị Bộ LĐTBXH tham mưu với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 39/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành LĐTBXH cho phù hợp với Luật Thanh tra và Luật ATVSLĐ.
Ngày 04/10/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 110/2017/NĐ-CP về việc tổ chức hoạt động của thanh tra ngành LĐTBXH thay thế cho Nghị định 39/2013/NĐ-CP, trong đó nêu rõ Bộ phận tham mưu công tác thanh tra chuyên ngành tại Cục An toàn lao động tổ chức theo mô hình Phòng (Khoản 1 Điều 12); nội dung thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ được quy định cụ thể tại Điều 15: Việc thực hiện các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại cho người lao động; các biện pháp xử lý sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ và tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo đảm ATVSLĐ đối với một số lao động đặc thù; bảo đảm ATVSLĐ đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh; hoạt động của các tổ chức dịch vụ ATVSLĐ.
Ngày 05/10/2017, Cục trưởng Cục An toàn lao động đã ban hành Quyết định số 112/QĐ-ATLĐ về quy định chức năng, nhiệm vụ các phòng, đơn vị trực thuộc Cục An toàn lao động. Trong đó, giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ cho phòng Pháp chế - Thanh tra. Đến nay, Phòng Pháp chế - Thanh tra có 05 công chức, đã được cấp Thẻ công chức thanh tra. Thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ đã từng bước nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thanh tra, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác thanh tra và bước đầu thực hiện có hiệu quả chức năng Thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ.
Bước đầu thực hiện có hiệu quả chức năng Thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ
Với chức năng thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ, trong 2 năm 2018-2019, Thanh tra Cục An toàn lao động đã thanh tra tại 128 đơn vị, doanh nghiệp theo kế hoạch. Qua thanh tra, Đoàn thanh tra đã đưa ra 410 kiến nghị để các đơn vị, doanh nghiệp nghiệp khắc phục ngay các thiếu sót, vi phạm trong việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ. Đồng thời đề nghị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa với 03 đơn vị; ban hành 01 quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với số tiền là 45 triệu đồng; lập biên bản vi phạm và đề nghị Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở LĐTBXH các tỉnh: Quảng Nam, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương xử phạt theo quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt trong lĩnh vực lao động đối với 19 đơn vị doanh nghiệp và 02 kiểm định viên với tổng số tiền là 660 triệu đồng, tước quyền sử dụng 02 tháng chứng chỉ kiểm định viên của 01 kiểm định viên vi phạm, đình chỉ Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ huấn luyện từ 02 đến 3,5 tháng đối với 04 tổ chức, đơn vị. Bên cạnh đó, Cục An toàn lao động cũng thực hiện thanh tra theo kế hoạch đối với khu vực phi kết cấu tại 80 hộ gia đình thuộc 06 làng nghề trên địa bàn các tỉnh: Bắc Ninh, Hà Nội, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Thái Bình và Nam Định. Qua thanh tra đã chỉ ra 371 kiến nghị.

Thanh tra Cục An toàn lao động kiểm tra công tác ATVSLĐ tại Công ty TNHH Phospin Đồng Nai

Trong 10 tháng đầu năm 2020, Cục An toàn lao động đã thanh tra theo kế hoạch 51/67 đơn vị (trong đó có 06 đơn vị xin hoãn thanh tra do ảnh hưởng dịch Covitd 19 và 10 đơn vị ảnh hưởng bão lũ, thiên tai), đạt 76 % kế hoạch. Qua đó, đã đưa ra 142 kiến nghị, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền (Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ) đối với 09 đơn vị với số tiền xử phạt gần 350 triệu đồng; Phối hợp với Thanh tra Bộ thanh tra đột xuất tại 06 đơn vị hoạt động dịch vụ huấn luyện ATVSLĐ (05 đơn vị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và 01 đơn vị trên địa bàn Hà Nội). Kết quả thanh tra cả 06 đơn vị đều bị xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng hình phạt bổ sung: đình chỉ hoạt động huấn luyện ATVSLĐ từ 01 đến 03 tháng theo quy định.
Thực hiện xử lý những sai phạm trong hoạt động dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn (KTAT) và huấn luyện ATVSLĐ và sản phẩm hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ LĐTBXH. Ngay sau phiên đối thoại năm 2018 tổ chức vào ngày 11/4/2018 tại Hà Nội, tiếp thu phản ảnh về những sai phạm trong hoạt động dịch vụ kiểm định KTAT và huấn luyện ATVSLĐ, thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐTBXH, Thanh tra Cục An toàn lao động đã phối hợp với Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố tiến hành thanh tra tại 28 đơn vị hoạt động dịch vụ kiểm định KTAT và huấn luyện ATVSLĐ từ 10/9/2018 đến 13/10/2018 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng và Hà Nội; Chủ trì phối hợp với Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Bộ Khoa học và Công nghệ thanh tra tại 06 đơn vị về việc chấp hành các quy định pháp luật về ATVSLĐ và chất lượng sản phẩm hang hoá nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Lao động - TBXH trên địa bàn Hà Nội, Hải Dương từ ngày 20/11/2018 đến 29/11/2018. Đồng thời, thanh tra theo kế hoạch tại 02 đơn vị hoạt động kiểm định KTAT và huấn luyện ATVSLĐ trên địa bàn thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh. Cùng với đó, trong 2 tháng 3-4/2019, Thanh tra Cục An toàn lao động đã chủ trì phối hợp với Thanh tra Bộ và Sở LĐTBXH các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội tiến hành thanh tra các đơn vị hoạt động kiểm định KTAT và huấn luyện ATVSLĐ trên địa bàn.
Qua kiểm tra, các đoàn thanh tra đã lập 20 biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATLĐ, đề nghị Chánh thanh tra Bộ LĐTBXH, Chánh thanh tra các Sở LĐTBXH và Cục trưởng Cục ATLĐ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lao động với tổng số tiền gần 800 triệu đồng, trong đó: gần 580 triệu đối với 11 đơn vị vi phạm về giá dịch vụ kiểm định KTAT; 03 đơn vị vi phạm về quy trình kiểm định KTAT với tổng số 96 triệu, đồng thời áp dụng hình phạt bổ sung tước Giấy chứng nhận hoạt động kiểm định KTAT của 02 đơn vị với thời gian 2 tháng/đơn vị; xử phạt 03 KĐV vi phạm về quy trình kiểm định KTAT với tổng số 9 triệu, áp dụng hình phạt bổ sung tước giấy chứng nhận kiểm định viên với thời gian 2 tháng/KĐV; xử phạt 01 đơn vị không thực hiện chứng nhận hợp quy trong sản xuất, nhập khẩu sản phẩm hàng hóa với số tiền 35 triệu; thu hồi Giấy chứng nhận hoạt động của 01 đơn vị thực hiện kiểm định KTAT trong thời gian bị đình chỉ; thu hồi Giấy chứng nhận hoạt động huấn luyện của 01 đơn vị về hành vi gian lận trong hoạt động huấn luyện ATVSLĐ đồng thời xử phạt gần 38 triệu đồng; xử phạt 01 đơn vị huấn luyện cấp sai giấy chứng nhận huấn luyện ATVSLĐ với số tiền gần 23 triệụ đồng, đồng thời áp dụng hình phạt bổ sung tước Giấy chứng nhận hoạt động huấn luyện ATVSLĐ 3,5 tháng; xử phạt 01 đơn vị huấn luyện ngoài phạm vi Giấy chứng nhận được cấp hoạt động dịch vụ huấn luyện ATVSLĐ với số tiền gần 23 triệu đồng và áp dụng hình phạt bổ sung tước giấy chứng nhận hoạt động huấn luyện ATVSLĐ 3,5 tháng. Các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lao động đối với các tổ chức cá nhân đều được công khai trên trang thông tin điện tử của Thanh tra Bộ LĐTBXH theo quy định.
Có thể thấy, thời gian qua, Thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ đã dần khẳng định được vai trò của mình trong việc kiểm tra, giám sát doanh nghiệp chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Qua công tác thanh tra đã giúp cho các đơn vị, doanh nghiệp chấn chỉnh lại kịp thời việc thực hiện công tác ATVSLĐ, hoạt động dịch vụ kiểm định, huấn luyện ATVSLĐ theo đúng quy định, đồng thời phát hiện những bất cập trong trong cơ chế chính sách để kịp thời báo cáo điều chỉnh, bổ sung. Từ đó, góp phần đảm bảo ATVSLĐ trong doanh nghiệp, giúp kiềm chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo an toàn, trật tự và phát triển xã hội./.

Nguyễn Vân Yên

Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra - Cục An toàn lao động

TAG:
Tin khác
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang