Trường Trung cấp Cơ điện Nam Định: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
(LĐXH) - Trường Trung cấp Cơ Điện Nam Định là một trong những cơ sở đầu tiên đào tạo công nhân, cán bộ kỹ thuật phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp địa phương của tỉnh.
Hiện trường có 66 cán bộ, quản lý, giáo viên được đào tạo cơ bản đạt chuẩn giáo viên dạy nghề, không ngừng được nâng cao cả về trình độ giảng dạy và đạo đức nghề nghiệp với mô hình tổ chức đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, sơ cấp nghề, bao gồm các ngành nghề như: Điện, May, Kỹ thuật máy tính, CNTT và truyền thông, Công nghệ kỹ thuật kiến trúc và công trình xây dựng, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, cơ điện tử, Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông...
Trong những năm qua, nhà trường đã đào tạo hàng vạn học sinh, trong đó nhiều cựu học sinh đã trở thành chủ doanh nghiệp, nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh giỏi trên mọi miền tổ quốc. Năm 2017, toàn trường đã tuyển sinh được 1.090 học sinh, trong đó, học sinh trung cấp là 840 người, học viên sơ cấp nghề là 250 người. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2018, đơn vị đã tuyển sinh được 886 người, trong đó có 812 học sinh trung cấp và 74 học viên sơ cấp nghề. Trong công tác giảng dạy, nhà trường xây dựng kế hoạch đào tạo hằng năm, được cụ thể hóa thành lịch học hằng tháng, chú trọng “học đi đôi với hành”, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lấy thực hành kỹ năng nghề là chính, đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện. Cùng với đó, đơn vị còn đa dạng hóa các phương thức đào tạo chính quy tập trung, đào tạo ngắn hạn tại trường hoặc tại doanh nghiệp; đào tạo theo địa chỉ; liên kết với các cơ sở đào tạo khác trong và ngoài tỉnh cùng phối hợp đào tạo.
Từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã tổ chức thi và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho học viên hoàn thành chương trình đào tạo sơ cấp nghề; tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn năm 2018; tổ chức thi kết thúc các môn học, moldun theo qui định; tiến hành công tác thanh tra trong giáo dục, cử các đoàn kiểm tra các lớp học, đặc biệt là các giờ dạy thực hành, từ đó nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ giáo viên trong giảng dạy cũng như tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ… Riêng trong 9 tháng đầu năm 2018, nhà trường đã tiến hành nhập học khóa mới cho 298 lượt học sinh, sinh viên; tổ chức khai giảng 2 lớp đào tạo nghề Điện và May cho 60 người; tổ chức cấp phát bằng cho học sinh K15- TCN và K18A, K17B- TCCN; xây dựng kế hoạch ôn tập và dự thi cho học sinh tham dự kỳ thi tay nghề cấp tỉnh 2018…
Ông Nguyễn Thành Tuyên, Hiệu trưởng trường trung cấp Cơ – Điện Nam Định cho biết: Hiện nay, nhà trường không thu tiền giảng dạy văn hóa của học sinh, tuy nhiên, vẫn tiến hành thu học phí do chi phí dành cho các hoạt động như: đầu tư cơ sở vật chất, thuê giáo viên giảng dạy văn hóa, chi thêm giờ cho các giáo viên giảng dạy chuyên ngành ngày càng tăng. Mặt khác, một số nhà xưởng thực tập, tường bảo vệ, nhà ở ký túc xá, nhà ăn… phần lớn đã hết thời gian sử dụng và xưống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho các cán bộ cũng như học sinh, sinh viên trong quá trình giảng dạy và học tập, đặc biệt là bước vào mùa mưa bão. Những năm gần đây, nguồn ngân sách để chi cho xây dựng cơ bản bị cắt giảm, ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng trường học. Bên cạnh đó, các chương trình như đầu tư kiên cố hóa trường học, chương trình mục tiêu cho giáo dục ngày càng thu hẹp lại. Tại một số nơi, do việc tham mưu chủ trương đầu tư của các ngành liên quan có lúc còn chung chung, chưa cụ thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, cũng như tiến độ xây dựng trường…
Theo ông Tuyên, mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng tập thể cán bộ công chức, viên chức của nhà trường luôn tạo được sự đoàn kết, thống nhất. Đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, gắn bó với đơn vị, vượt qua mọi khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, đưa nhà trường ngày càng lớn mạnh và có những bước phát triển vượt bậc.
“Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với người lao động và toàn xã hội về công tác đào tạo nghề, chuyển dần hướng đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động; Phối hợp với các cơ sở, địa phương nắm được nguồn nhân lực và nhu cầu học nghề của người lao động; bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề, chất lượng đào tạo, điều kiện thực tập cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Kiện toàn bộ máy, đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; mở rộng quy mô đào tạo cả về số lượng và phạm vi đào tạo trên cơ sở đảm bảo mục tiêu về chất lượng và đáp ứng nhu cầu xã hội”, ông Tuyên cho biết.
Hà Giang
TAG: