Trường Đại học Lao động - Xã hội (Cơ sở II): Môi trường học đường thân thiện góp phần nâng cao chất lượng đào tạo
(LĐXH) - Với bề dày 47 năm xây dựng và trưởng thành (1976-2023), Trường Đại học Lao động - Xã hội (Cơ sở II) tại TPHCM đã từng bước khẳng định được thương hiệu và vị thế trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành LĐ - TB&XH và cho đất nước. Có được những thành quả đó cũng một phần là nhờ nhà trường luôn quan tâm chăm lo xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại cùng môi trường học đường thân thiện.
Nơi đào tạo nguồn nhân lực lao động - xã hội chất lượng cao
TS. Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Cơ sở II cho biết: Từ những ngày đầu thành lập chỉ có vài trăm học sinh, học viên, đến nay lưu lượng hàng năm của Nhà trường đã đạt gần 5.000 sinh viên. Đội ngũ cán bộ giảng viên, người la động của Nhà trường không ngừng lớn mạnh với tổng số 195 người; trong đó, 67.69% là giảng viên (132 người), số có trình độ từ thạc sỹ trở lên là: 155 người (chiếm 79,49 %) với 27 Tiến sỹ, 129 thạc sỹ và 18 giảng viên, cán bộ đang làm nghiên cứu sinh.
Năm học 2022-2023, Nhà trường tiếp tục hoàn thành có chất lượng kế hoạch năm học trên các lĩnh vực. Công tác tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo thực sự vững mạnh và có chất lượng. Tuyển sinh đại học chính quy năm 2023 đạt tỷ lệ 100.8%, sinh viên K2019 tốt nghiệp lần 1 đạt tỉ lệ 73%; 95% cán bộ, giảng viên hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học (NCKH) theo quy định; số lượng bài đăng tạp chí trong nước tăng 31% và tạp chí quốc tế tăng 24%; số lượng đề tài NCKH giảng viên tăng 33%, NCKH sinh viên tăng 170%. Nhà trường chú trọng và đổi mới liên tục hoạt động hỗ trợ người học, từng bước thực hiện chuẩn hoá công tác kiểm tra, đánh giá. Nhiệm vụ đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục được triển khai tích cực theo hướng kiểm định gắn với chất lượng đào tạo.
Năm học 2022-2023, Cơ sở II có 10 chương trình đào tạo được kiểm định và đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học lần 2. Nhà trường không ngừng phấn đấu xây dựng cơ sở vật chất khang trang, đạt chuẩn nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, giảng dạy, nghiên cứu của sinh viên và giảng viên; đã đưa vào sử dụng 2 toà nhà giảng đường H1, H2 với trang thiết bị hiện đại, tiếp tục điều chỉnh lại quy hoạch không gian và nâng cấp các khu giảng đường, triển khai dự án xây dựng khu hành chính và thư viện. Công tác chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo được nhà trường chú trọng theo hướng chủ động và tạo bước đột phá.
Giám đốc Cơ sở II cho biết thêm, năm học vừa qua, Nhà trường đã xét và cấp học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên với số tiền trên 4 tỉ đồng; xét miễn, giảm, trợ cấp xã hội, hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên khoảng 700 triệu đồng. Cùng với đó, Nhà trường đã tích cực tìm kiếm và xác lập, kết nối mạnh mẽ với cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, địa phương; các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý,… trong và ngoài nước; cựu học sinh, sinh viên và các doanh nghiệp hỗ trợ vào quỹ sinh viên tài năng vượt khó trong học tập trao; tư vấn tuyển dụng, giới thiệu địa điểm thực tập và việc làm khi tốt nghiệp ra trường… Thực hiện trao 29 suất học bổng tài năng sinh viên vượt khó với số tiền gần 70 triệu đồng.
Xây dựng cảnh quan sạch - sạch - đẹp và môi trường học đường thân thiện
Bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, trong những năm qua Trường Đại học Lao động – Xã hội (Cơ sở II) cũng luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại và bảo đảm cảnh quan môi trường luôn xanh – sạch – đẹp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, giảng viên và sinh viên trong quá trình học tập và sinh hoạt. Nhà trường vừa hoàn thành đưa vào sử dụng công trình nhà giảng đường H1, H2 với diện tích sàn 1.904 m2, tổng diện tích sàn xây dựng của 02 giảng đường là 11.483 m2. Nhờ có cơ sở vật chất hiện đại và chất lượng; phòng học rộng và sạch sẽ; trang thiết bị được đầu tư mới nhất đã đáp ứng nhu cầu dạy và học của cán bộ và sinh viên.
Bên cạnh đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Cơ sở II cũng thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường sinh thái; vừa tạo không gian thuận lợi cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ, vừa nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường trong toàn Trường.
Các phòng, khoa, đơn vị và Đoàn Thanh niên nhà trường đã thường xuyên tổ chức có hiệu quả các phong trào như: “Xây dựng cơ quan xanh - sạch - đẹp”, “Thanh niên hành động vì môi trường”, “Ngày chủ nhật xanh”... Từ đó góp phần nâng cao ý thức tự giác của mỗi cán bộ, giảng viên và sinh viên trong việc giữ gìn vệ sinh nơi làm việc như: Sử dụng tiết kiệm điện, nhiên liệu, nước, giấy và các vật dụng khác. Các khu vực lớp học, giảng đường, nơi sinh hoạt tập thể, nhà kho, nhà để xe và các khu vực công cộng luôn được vệ sinh sạch sẽ. Trường cũng thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống xử lý rác thải, chất thải và tiến hành phân loại, thu gom, xử lý rác thải.
Cơ sở II cũng tiến hành chăm sóc và trồng mới hệ thống cây xanh, qua đó tạo nên môi trường sinh thái trong lành thiết thực phục vụ cho nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo của Nhà trường và học tập, rèn luyện của sinh viên.
Hưởng ứng “Ngày Chủ nhật xanh” và chiến dịch “Mùa hè xanh”, hàng năm Đoàn Thanh niên nhà trường đều phát động phong trào tình nguyện tham gia bảo vệ môi trường, vận hành, thu gom, tái chế rác thải, hưởng ứng phân loại rác tại nguồn và giải quyết các vấn đề môi trường còn tồn đọng tại khu dân cư nơi nhà trường đóng quân... Đồng thời, các cơ sở Đoàn còn triển khai các hoạt động xây dựng văn minh đô thị, chương trình “Môi trường xanh - Nếp sống xanh”, phong trào “Chống rác thải nhựa”.
Các hoạt động thiết thức này đã thể hiện tinh thần và trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên và sinh viên Trường Đại học Lao động – Xã hội (Cơ sở II) trong việc bảo vệ môi trường Xanh - Sạch - Đẹp, góp phần hình thành ý thức tốt, hành vi và thái độ thân thiện với môi trường. Đồng thời tuyên truyền, kêu gọi đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu,, góp phần chung tay xây dựng môi trường học đường thân thiện, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh chuyển đối số hiện nay.
Đức Hạnh
TAG:
môi trường học đường