Trường Cao đẳng nghề Điện Biên xây dựng môi trường học đường xanh – sạch – đẹp
(LĐXH)- Thời gian qua, cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đổi mới công tác quản lý, đội ngũ giáo viên, xây dựng và phát triển mô hình đào tạo hiệu quả, đào tạo toàn diện, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ của địa phương, Trường Cao đẳng nghề Điện Biên còn quan tâm xây dựng môi trường học đường, cảnh quan xanh – sạch – đẹp.
Trường Cao đẳng nghề Điện Biên là cơ sở đào tạo nghề công lập, trực thuộc UBND tỉnh Điện Biên, được thành lập tháng 10 năm 2011 theo Quyết định số 1312 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội. Tiền thân là Trường Dạy nghề tỉnh Lai Châu (cũ), Trường có chức năng, nhiệm vụ là đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ theo 3 cấp trình độ: Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề, Sơ cấp nghề và đào tạo thường xuyên; bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo yêu cầu của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người lao động; Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật - công nghệ nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo; Tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật.
Nhà trường hiện có gần 140 cán bộ viên chức, trong đó có 82 giảng viên cơ hữu và 21 giảng viên kiêm nhiệm; 5 phòng chức năng, 7 khoa chuyên môn và 2 trung tâm trực thuộc, thực hiện đào tạo 7 nghề trình độ cao đẳng (Công nghệ ôtô, Điện công nghiệp, Kỹ thuật xây dựng, Công nghệ thông tin, Lâm sinh, Kế toán doanh nghiệp và Công tác xã hội); 12 nghề trình độ trung cấp (Công nghệ ôtô, Điện công nghiệp, Điện dân dụng, Vận hành quản lý - sửa chữa đường dây và trạm biến áp, Hàn, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật xây dựng, Tin học văn phòng; Lâm sinh; Chế biến mủ cao su, Kế toán doanh nghiệp; Công tác xã hội); 6 nghề liên thông từ Trung cấp lên Cao đẳng, 23 nghề trình độ sơ cấp và các nghề khác đào tạo thường xuyên theo nhu cầu của thị trường lao động.
Với quyết tâm hành động “Đoàn kết – đổi mới, Dân chủ - kỷ cương, Trách nhiệm – hiệu quả”, những năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên tiếp tục phát huy các nguồn lực, tạo những chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả, xây dựng và phát triển nhiều mô hình đào tạo phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, nắm bắt được nhu cầu nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang thiếu nguồn lao động qua đào tạo, nhất là lao động chất lượng cao, nhà trường đã thực hiện phương châm đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, gắn với nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường và doanh nghiệp sử dụng lao động. Trong đó, chú trọng tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, phương thức quản lý đào tạo, xây dựng và bổ sung giáo trình, giáo án nhằm ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong giảng dạy cho tất cả các ngành nghề đào tạo.
Trong thời gian đào tạo, học sinh được thực hành trên các mô hình thực tế, đảm bảo khi ra trường có tay nghề phù hợp với từng ngành nghề đào tạo; là nguồn lao động trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở tất cả các cơ sở kinh tế xã hội trong và ngoài tỉnh. Có thể nói, đến nay, nhà trường đã khẳng định được vị thế của mình và trở thành cái nôi đào tạo giúp học sinh là con em đồng bào các dân tộc trong tỉnh có cơ hội tiếp cận với khoa học kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực, nhất là ý thức tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp.
Các loại hình đào tạo ngắn hạn, dài hạn của nhà trường cũng đã và đang được xây dựng theo định hướng đa dạng, linh hoạt gắn với thị trường lao động thực tế và những mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên như: phát triển trồng cây cao su, cây cà phê, nuôi trồng thủy sản, phát triển thủy điện và sản xuất xi măng. Hàng năm, trường đều tổ chức tuyển sinh trực tiếp tại các địa phương trong tỉnh và phân công cán bộ, giáo viên tuyên truyền tư vấn cho người lao động về thời gian đào tạo, chuyên môn đào tạo và nhu cầu tuyển dụng đối với nhiều nghề khác nhau, tạo điều kiện để người lao động lựa chọn đúng và chính xác nghề mà mình muốn học.
Đặc biệt, mô hình đào tạo gắn với thực hành, thực tế sản xuất đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào việc nâng cao uy tín và chất lượng đào tạo của Nhà trường, tạo động lực thúc đẩy việc thu hút học nghề. Bởi lẽ, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp giúp học sinh, sinh viên được thực hành sản xuất chuyên nghiệp, tiếp cận với máy móc, thiết bị hiện đại; đồng thời, các em còn được những kỹ sư và thợ bậc cao hướng dẫn thực hành trực tiếp, được nâng cao tay nghề, bổ sung kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, các kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm.
Quá trình thực hành, thực tập sản xuất, học sinh sinh viên còn có thêm thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày và được hỗ trợ chỗ ở, điện nước sinh hoạt, ăn ca... Bên cạnh đó, giáo viên tham gia có điều kiện cập nhật tích lũy, nâng cao kiến thức thực tế, kinh nghiệm chuyên môn; Nhà trường có thêm kinh nghiệm thực tiễn trong công tác tổ chức quản lý và đào tạo nghề, giảm được chi phí đầu tư trong thực hành, thực tập; chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy được hiệu chỉnh một cách phù hợp.
Thời gian qua, cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đổi mới công tác quản lý, đội ngũ giáo viên, xây dựng và phát triển mô hình đào tạo hiệu quả, đào tạo toàn diện, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ của địa phương, Trường Cao đẳng nghề Điện Biên còn quan tâm xây dựng môi trường học đường, cảnh quan xanh – sạch – đẹp.
Ông Đoàn Thanh Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Điện Biên, cho biết: Để tạo được môi trường trong xanh, thoáng mát, xanh – sạch – đẹp như hiện nay, nhiều năm qua, nhà trường luôn chú trọng tới việc trồng cây bóng mát, cây ăn quả, xây dựng thêm các bồn hoa, trồng nhiều cây xanh, cây cảnh, thảm cỏ... tạo dựng môi trường cảnh quan sư phạm gần gũi, thân thiện với môi trường. Đồng thời, xây dựng ghế đá dưới các tán cây bóng mát giúp học sinh có không gian thoải mái để đọc sách, thư giãn, trao đổi kinh nghiệm học tập, tạo cảm giác gần gũi và thân thiện, đồng thời giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong mỗi học sinh, sinh viên.
“Cùng với việc trồng mới cây xanh tại các khu đất trống, hoạt động chỉnh trang, tu sửa cảnh quan trường lớp, vệ sinh hành lang lối đi sân trường; làm sạch bồn hoa, cây cảnh, hòn non bộ, thảm cỏ... là một việc làm có nhiều ý nghĩa, không chỉ hình thành cảnh quan, tạo bóng mát, mà còn góp phần xây dựng cho học sinh, sinh viên về ý thức bảo vệ môi trường” - Hiệu trưởng Đoàn Thanh Quỳnh, chia sẻ.
Minh Quang