Mời quý vi xem video "Tác hại của thuốc lá điện tử với thanh niên"
Quyết tâm từ bỏ thuốc lá điện tử trước lệnh cấm
Đức Anh (23 tuổi, Hà Nội) đã sử dụng thuốc lá điện tử gần 3 năm. Tuy nhiên sau lần đi khám bác sĩ được cảnh báo mắc bệnh phổi và đọc báo biết lệnh cấm thuốc lá điện tử sắp được áp dụng, Đức Anh quyết tâm bỏ thuốc lá điện tử.
"Bác sĩ nói phổi của tôi đang có dấu hiệu bị trắng, tôi thật sự lo lắng. Lệnh cấm sắp tới cũng là động lực để tôi từ bỏ hoàn toàn, vì không có lý do gì để tiếp tục hủy hoại sức khỏe của chính mình" - Đức Anh chia sẻ.
Quyết định dừng thuốc lá điện tử của Đức Anh không chỉ giúp anh cải thiện sức khỏe mà còn tiết kiệm đáng kể. Trước đây, mỗi tháng anh chi từ 1,5 - 2 triệu đồng cho việc hút thuốc lá điện tử trong khi lương tháng đi làm chỉ vỏn vẹn 6 triệu đồng.
Trái ngược với Đức Anh, nhiều người vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ thuốc lá điện tử. Anh Thái Lợi (27 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết thuốc lá điện tử là cách anh đối phó với áp lực công việc. Trước thông tin lệnh cấm sắp có hiệu lực, anh Lợi quyết định mua tích trữ để sử dụng những ngày còn lại trước khi lệnh cấm được áp dụng. “Nếu không còn thuốc lá điện tử, mình sẽ chuyển sang thuốc lá truyền thống, vì stress công việc vẫn cần một cách giải tỏa,” anh nói.
Giống như anh Lợi, Trí Tùng (22 tuổi, quận Đống Đa) cũng tranh thủ gom thêm thiết bị và tinh dầu với giá giảm mạnh. “Hiện giá một chai tinh dầu chỉ từ 100.000 đến 130.000 đồng, thấp hơn nhiều so với trước đây” - Tùng cho biết.
Theo khảo sát thực tế của phóng viên tại một gian hàng chuyên bán phụ kiện thuốc lá điện tử trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội, nhiều sản phẩm đang được giảm giá mạnh để "xả hàng" trước lệnh cấm. Một chai tinh dầu trước đây có giá dao động từ 280.000 đến 350.000 đồng nay chỉ còn 130.000 đến 160.000 đồng, giảm gần một nửa. Chính mức giá hấp dẫn này đã khiến không ít bạn trẻ tranh thủ mua về tích trữ.
Tình trạng này phản ánh hai xu hướng trái ngược: một bộ phận từ bỏ, hướng đến lối sống lành mạnh, trong khi một số người khác vẫn cố gắng bám víu vào sản phẩm cũ trước khi lệnh cấm chính thức có hiệu lực. Lệnh cấm này không chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn là cơ hội để thay đổi nhận thức, khuyến khích những thói quen sống tích cực, nói không với các sản phẩm độc hại.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 174/2024/QH15, cấm toàn diện sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025. Theo ông Dương Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, sản phẩm này sẽ được coi là hàng cấm, và các cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm khắc theo quy định hiện hành.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, các hành vi sản xuất, buôn bán thuốc lá điện tử có thể bị xử lý theo Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức phạt tiền từ 100 triệu đồng đến một tỉ đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm. Người sử dụng thuốc lá điện tử có thể bị xử phạt hành chính từ 1-2 triệu đồng, theo Nghị định 98/2020.
Tác hại đáng báo động
Theo TS. BS Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Sử dụng Chất và Y học Hành vi, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội), thuốc lá điện tử không hề vô hại như nhiều người lầm tưởng. Hầu hết các sản phẩm trên thị trường đều chứa nicotine - một chất gây nghiện đã được nghiên cứu sâu rộng và chứng minh có nhiều tác hại nguy hiểm.
"Khi sử dụng nicotine kéo dài, người dùng không chỉ đối mặt với hội chứng nghiện mà còn phải chịu đựng các vấn đề nghiêm trọng khác," TS. Hà nói.
"Khi ngừng sử dụng, họ có thể gặp phải hàng loạt triệu chứng như buồn bã, lo lắng, căng thẳng, cáu kỉnh và nóng giận. Ngoài ra, nicotine còn làm suy giảm trí nhớ - đặc biệt nghiêm trọng đối với các bạn trẻ đang trong độ tuổi đi học. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến trí nhớ gần mà còn cả trí nhớ xa, gây ra những hệ lụy dài hạn cho khả năng học tập và phát triển.", TS. Hà giải thích thêm
Bác sĩ Hà cảnh báo rằng, ở lứa tuổi còn chưa nhận thức rõ về những nguy cơ tiềm ẩn, việc tiếp xúc sớm với thuốc lá điện tử có thể để lại hậu quả nặng nề cả về thể chất lẫn tinh thần.
Theo số liệu từ Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh từ 13-15 tuổi đã gia tăng đáng kể trong vòng hai năm qua, từ 3,5% vào năm 2022 lên 8,0% vào năm 2023. Thói quen sử dụng thuốc lá điện tử phổ biến nhất ở nhóm tuổi trẻ (15-24 tuổi) với tỷ lệ 7,3%, tiếp theo là nhóm 25-44 tuổi với 3,2% và nhóm 45-64 tuổi có tỷ lệ 1,4%. Tại Việt Nam, theo báo cáo của gần 700 cơ sở khám chữa bệnh, trong năm 2023 đã có 1.224 ca nhập viện liên quan đến việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Trong đó, có 81 ca là những người sử dụng lần đầu, và 1.143 ca là những người đã từng sử dụng trước đó. |
Công Thành - Xuân Đoàn