Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành: Môi trường sống xanh sạch, bình yên của người có công
11:25 AM 29/09/2020
(LĐXH)-Được thành lập từ 3-4-1965, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) là một trong những nơi nuôi dưỡng, điều trị thương bệnh binh nặng tập trung với số lượng thương binh đông nhất và thương tật nặng nhất cả nước.
Thương bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng người có công Thuận Thành luôn nhận được nhiều tình cảm của các cơ quan, đơn vị
Nằm tại xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành được biết đến như là ngôi nhà thứ hai của những chiến sĩ mang trên mình nhiều thương tật đau đớn từ chiến trường trở về. Chiến tranh đã lùi ngày càng xa nhưng những vết thương của chiến tranh vẫn còn hiện hữu trên cơ thể của những người lính. Nếu không có những hy sinh của các đồng chí thương, bệnh binh và gia đình người có công với cách mạng thì đất nước không có ngày hòa bình hôm nay. Chính họ đã xây dựng lên những nền tảng đầu tiên của cách mạng để thế hệ hôm nay bước tiếp bước. Hơn 40 năm đất nước hòa bình nhưng các thương bệnh binh vẫn phải tiếp tục chiến đấu, trước đây chiến đấu với kẻ thù nhưng nay chiến đấu với vết thương bệnh tật vượt qua nỗi đau, sống lạc quan vươn lên trong cuộc sống. Các bác là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực kiên cường, về lý tưởng sống cao đẹp cả trong thời chiến và trong thời bình. Đó là những tấm gương quý báu để thế hệ trẻ noi theo.
Mãi mãi biết ơn công lao của các Anh hùng Liệt sĩ, thương, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, Ban Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành thường xuyên chỉ đạo mỗi cán bộ, công nhân viên Trung tâm phải luôn coi việc chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng là bổn phận và trách nhiệm cao cả để báo đáp những hy sinh to lớn của các Anh hùng Liệt sĩ, đồng chí, đồng bào trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Hầu hết các bác thương bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương bệnh binh Thuận Thành có tỷ lệ thương tật nặng
Trong những năm qua, với sự quan tâm đặc biệt của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Ban lãnh đạo Trung tâm, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành  đã có nhiều đóng góp thiết thực, giàu tính nhân văn dành cho thương bệnh binh tại trung tâm, đó là món quà động viên tinh thần hết sức ý nghĩa, tạo niềm tin vào cuộc sống, vượt qua nỗi đau bệnh tật. Việc tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc để đời sống của các thương binh, bệnh binh tại Trung tâm ngày càng tốt hơn luôn là phương châm hoạt động của Trung tâm.
Hiện nay, Trung tâm đang quản lý, chăm sóc, điều trị 94 thương binh nặng hạng ¼ với tỷ lệ thương tật từ 81 đến 100%. Các bác xuất thân ở 23 tỉnh, thành phố (từ Thừa Thiên Huế trở ra) bao gồm cả 3 thế hệ bị thương trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 80% thương bệnh binh đều bị các thương tật ở vùng cột sống và sọ não,… gây liệt nửa người, có 10% bị thương tổng hợp như cụt 2 tay, cụt chân, hỏng mắt… nên phải di chuyển bằng xe lăn, xe lắc, sinh hoạt cá nhân hằng ngày gặp rất nhiều khó khăn, vất vả (không tự chủ được trong sinh hoạt đại, tiểu tiện, hằng ngày dịch máu mủ chảy ra từ vết loét, đau nhức thần kinh trong xương khớp, hốc mắt, mõm cụt… mỗi khi thời tiết thay đổi). Đa số đều cần phải có sự  phục vụ, trợ giúp của cán bộ, nhân viên y tế và người thân trong gia đình.
Bác Nguyễn Văn Thành, năm nay đã 70 tuổi nhưng đã 48 tuổi Đảng. Sinh ra và lớn lên ở xã Xuân Tân, huyện Thọ Xuân Thanh Hóa. Năm 19 tuổi bác lên đường nhập ngũ làm lính trinh sát kỹ thuật của Trung đoàn 88B – Bộ Tổng Tham mưu tại chiến trường Đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 21/4/1975, trong một lần cùng đồng đội mở đường cho quân ta giải phóng tỉnh Long An, bác bị trúng đạn của địch. Những cơn đau tê buốt đến tận xương tủy mỗi khi trái nắng trở trời thường xuyên hành hạ bác. Sau khi điều trị vết thương, ngày 20/9/1976 bác được về Trung tâm điều trị, an dưỡng. Từ đó đến nay, với bác, Trung tâm chính là ngôi nhà thứ hai mà bác gắn bó cuộc đời còn lại của mình nơi đây.
Hay bác Nguyễn Văn Sinh (Kinh Môn, Hải Dương) với Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, có đôi chân không thể hoạt động được nên gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày…
Do đặc thù công việc chuyên môn là chăm sóc các thương bệnh binh nặng, chăm sóc y tế luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với Trung tâm. Mỗi sáng thứ 2 hằng tuần đều đặn, tổ điều trị gồm các bác sĩ, y tá đến các phòng ở của thương bệnh binh để khám bệnh, hội chẩn đánh giá tình trạng, mức độ bệnh tật, phân loại nhóm bệnh của từng thương bệnh binh để chữa trị cho nhanh chóng khỏi bệnh, những trường hợp nặng, bệnh tình phức tạp vượt quá khả năng trình độ của y, bác sĩ và thiết bị y tế của đơn vị thì làm thủ tục giới thiệu chuyển lên điều trị ở các bệnh viện tuyến trên.
Mỗi khi thời tiết thay đổi, các vết thương lại gây ra sự đau đớn, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của thương binh. Cá biệt, trung tâm có 2 thương binh phải nằm điều trị ở tuyến trên (Viện 103 và Viện 108) chạy thận nhân tạo đã 8 năm nay.
Người có công tại Trung tâm được chăm sóc tận tình, chu đáo
Suốt 5 năm qua, Trung tâm đã tổ chức khám bệnh tại chỗ và kê đơn điều trị cho 19.650 lượt TBB; tiêm truyền dịch trên 17.900 lượt; 19.910 lượt cấp thuốc viên chữa viêm tiết niệu, viêm dạ dày, đau thần kinh, viêm loét ụ ngồi, các bệnh về huyết áp, suy gan thận, thoái hóa khớp… an toàn, không để xảy ra sai sót; tiến hành cấp cứu tại chỗ kịp thời hơn 400 trường hợp, đặc biệt có những trường hợp thương binh có diễn biến nặng tưởng chừng không qua khỏi…
Sau hơn 50 năm tồn tại và phát triển, trung tâm đã tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi sức khỏe cho hơn 1.000 thương bệnh binh nặng bị thương ở các chiến trường, quê ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
Nhìn chung, cán bộ Trung tâm cũng thường xuyên quan tâm đến công tác phục vụ, bảo đảm chế độ an toàn đối với mỗi thương bệnh binh, đem đến cho họ cảm giác an tâm như tại ngôi nhà của chính mình như sửa chữa xe lăn, xe lắc; cung cấp và sửa chữa điện, nước sinh hoạt; xe ô tô luôn bảo đảm sẵn sàng việc đưa đón thương bệnh binh đi khám, chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trên và đưa cán bộ đi công tác, giải quyết chế độ, chính sách liên quan đến bản thân và gia đình của thương bệnh binh. Nhà ăn, nhà bếp tập thể luôn bảo đảm tiêu chuẩn định lượng, thường xuyên thay đổi các món ăn cho hợp khẩu vị của các đối tượng, đảm bảo chất lượng ăn uống và thực hiện theo quy trình các bước tổ chức bữa ăn đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, sổ sách ghi chép lưu mẫu đầy đủ theo quy định.
Phòng ở của người có công luôn gọn gàng và sạch sẽ
Trung tâm luôn thực hiện tốt các quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc, phục vụ tận tình chu đáo, thư viện đọc sách của Trung tâm thường xuyên có người phục vụ, cấp phát sách, báo hằng ngày đến tận tay người đọc, loa truyền thanh công cộng… tạo điều kiện cho người có công khám bệnh, đọc sách báo thư giãn. Hầu hết các thương bệnh binh đều hạn chế trong khả năng đi lại, nên hằng quý đơn vị đều mời báo cáo viên của Trường Sĩ quan Chính trị về nói chuyện thời sự trong nước và quốc tế, các vấn đề chính trị nổi bật, phổ biến nghị quyết của Đảng, chính sách mới của Nhà nước… Qua đó, tư tưởng cán bộ, đảng viên cùng toàn thể TBB, cán bộ, viên chức trong đơn vị có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào định hướng dư luận, nâng cao hiểu biết, nhận thức về tình hình kinh tế, xã hội đang diễn ra.
 Trong mỗi dịp lễ, Tết, Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7 hằng năm, Trung tâm luôn vinh dự được hàng trăm các cá nhân, tập thể tới thăm tặng quà, giao lưu, tri ân những thương bệnh binh đang nuôi dưỡng tại đơn vị. Có nhiều cơ quan đã trao tặng, động viên Trung tâm và các thương bệnh binh nhiều món quà vật chất và tinh thần vô cùng giá trị, tổ chức các chương trình khám bệnh, chăm sóc miễn phí (làm răng, xoa bóp, bấm huyệt, cắt tóc…). Từ những nguồn ủng hộ này, Trung tâm cũng đã xã hội hóa xây dựng được nhiều công trình công ích thiết thực, hỗ trợ ổn định đời sống vật chất và tinh thần của không chỉ các thương bệnh binh mà còn gia đình của chính họ.
Không gian rộng rãi, thoáng mát tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành
Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành cũng luôn chú trọng đến công tác vệ sinh môi trường, xem đây là tiêu chí hàng đầu của khu nghỉ dưỡng. Vì không gian có xanh, sạch đẹp bảo đảm không khí trong lành mới mang lại cho du khách cảm giác sảng khoái, thi vị và hấp dẫn, luôn muốn níu chân du khách. Nên Trung tâm luôn quán triệt cán bộ nhân viên ý thức được công tác giữ gìn vệ sinh môi trường. Trung tâm đều cử nhân viên chuyên trách chuyên chăm sóc cây cảnh, dọn vệ sinh môi trường lúc nào cũng xanh, sạch đẹp. Nơi nghỉ của các đối tượng người có công luôn được dọn vệ sinh sạch sẽ, thay ra giường, gối thường xuyên, đảm bảo vệ sinh sạch đẹp cho người có công.
Hàng tháng Trung tâm đều hợp đồng với đơn vị có chức năng phun thuốc xử lý côn trùng đảm bảo an toàn, ngăn ngừa dịch bệnh xảy ra. Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm được chú trọng, các nơi cung cấp hàng hóa cho Trung tâm đều được Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Tiêng rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải y tế, Trung tâm đều thực hiện việc thu gom rác thải sinh hoạt thường xuyên, chủ động thu gom rác thải vào các thùng chứa đặt vị trí thuận lợi, đảm bảo mỹ quan.
Đặc biệt, trong đợt dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến phức tạp, toàn thể đội ngũ thương bệnh binh đều được tuyên truyền, khuyến cáo công tác phòng, chống dịch. Công tác vệ sinh, phòng, chống bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn được Trung tâm ưu tiên hàng đầu, thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tại xã Ninh Xá thực hiện các chương trình hành động cụ thể để tạo cảm giác vững tâm cho toàn thể thương bệnh binh mà hầu hết là các thương bệnh binh nặng an dưỡng, điều trị bệnh. Các khu nhà ở, khu vệ sinh được lau dọn hằng ngày, có đầy đủ xà phòng và nước sát khuẩn để đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, an toàn.
Có thể nói, thời gian qua, với những hoạt động nuôi dưỡng, điều trị được đảm bảo chất lượng, chu đáo trong môi trường xanh, sạch, hợp vệ sinh, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành chính là một nơi an dưỡng an toàn động viên tinh thần, giúp các thương - bệnh binh đang điều trị ở đây vượt qua mất mát đau thương, lạc quan hơn trong cuộc sống./.

Minh Hằng
TAG:
Tin khác
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Bình: Tấm lòng vàng trong công tác bảo tồn di sản và hoạt động từ thiện
Quảng Trị: Ước tính đến hết năm 2024, hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 1.595 nhà ở cho hộ nghèo tại huyện nghèo
Lạng Sơn: Đẩy mạnh hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo
Lạng Sơn: Hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng, giúp giảm nghèo bền vững
Huyện Lộc Hà: Thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo
Huyện Bắc Sơn: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn Chương trình giảm nghèo
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam gặp mặt các nhà tài trợ đồng hành cùng trẻ em khó khăn
Phú Thọ đẩy nhanh tiến độ thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ
Hà Tĩnh: Chú trọng công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024