Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Trung tâm Điều dưỡng người có công Nam Định: Nâng cấp cơ sở vật chất để nâng cao hiệu quả chăm sóc người có công
04:21 PM 24/06/2023
(LĐXH)- Được sự quan tâm, tạo điều kiện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh Nam Định, cơ sở vật chất của Trung tâm Điều dưỡng người có công Nam Định ngày càng đầy đủ, khang trang, sạch đẹp, qua đó nâng cao rõ rệt chất lượng chăm sóc, phục vụ người có công.
Ngày 01/7/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định ra quyết định hợp nhất hai trung tâm: Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh và Trung tâm Điều dưỡng Người có công Nam Phong. Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Nam Định ra đời theo quyết định số 1084/QĐ-UBND ngày 27/5/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định. Trung tâm có chức năng, nhiệm vụ chính là tổ chức điều dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng cho người có công cách mạng; con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị dị dạng, dị tật không có khả năng tự sinh hoạt.
Được hợp nhất từ  2 trung tâm điều dưỡng người có công của tỉnh Nam Định nên hiện nay, cơ sở vật chất của Trung tâm khá đầy đủ. Cụ thể: Ở cơ sở 1, xã Hải Xuân (Hải Hậu) có tổng diện tích 27.636m2, trong đó trên 3.140m2 diện tích xây dựng các khu nhà: hành chính, công vụ, 17 phòng điều dưỡng với 35 giường, nhà ăn, hội trường, nhà đa năng… xen kẽ là khuôn viên nhiều cây xanh, nằm trên địa bàn cách bờ biển khoảng 1km nên không khí ở Trung tâm luôn trong lành, thoáng mát phù hợp với công tác điều dưỡng sức khoẻ.
Trung tâm Điều dưỡng người có công Nam Định được đầu tư, nâng cấp ngày càng khang trang, hiện đại
Cơ sở 2 nằm trên địa bàn xã Nam Phong (thành phố Nam Định) có tổng diện tích 49 nghìn m2, trong đó diện tích xây dựng là gần 5.500m2. Các công trình ở cơ sở 2 hiện đang được sửa chữa, nâng cấp để sớm đưa vào hoạt động cùng cơ sở 1.
Sau khi các công trình mới được sửa chữa, nâng cấp đi vào hoạt động, chất lượng hoạt động chăm sóc, điều dưỡng, nuôi dưỡng các đối tượng người có công ở Trung tâm đã được nâng lên rõ rệt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao công tác điều dưỡng luân phiên Người có công với cách mạng. Hằng năm, đơn vị đã thực hiện việc bảo dưỡng, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất với số giường nghỉ dưỡng là: 140 giường, với cơ sở vật chất hiện tại có 70 phòng với 140 giường nghỉ dưỡng, 1 hội trường với sức chứa 150 người và khối nhà ăn có khả năng phục vụ 140 khách. Với trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, Trung tâm Điều dưỡng Người có công Tỉnh Nam Định có đủ điều kiện để phục vụ tốt công tác điều dưỡng luân phiên người có công với cách mạng trong tỉnh và các hoạt động dịch vụ như lưu trú, ăn uống, hội nghị trong thời gian nhàn rỗi, được tỉnh phê duyệt đề án nuôi dưỡng.
Người có công được sử dụng các trang thiết bị hiện đại trong thời gian nghỉ ngơi, điều dưỡng tại Trung tâm. 
Cùng với việc nâng cao chất lượng điều dưỡng cho người có công, Trung tâm luôn quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp trong đơn vị và coi đây là hoạt động quan trọng, liên quan đến sự tồn tại, phát triển của đơn vị.
Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường hằng năm, Ban Giám đốc Trung tâm triển khai và giao nhiệm vụ cho các phòng chuyên môn và Ban chấp hành Đoàn TNCS HCM Trung tâm căn cứ vào điều kiện cụ thể của đơn vị tham mưu, tổ chức tuyên truyền và tiến hành các hoạt động cụ thể, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, thiết thực, mang lại cảnh quan sạch đẹp, không khí trong lành ở Trung tâm.
Trong khuôn viên Trung tâm được trồng nhiều cây xanh  tạo không khí trong lành cho các đối tượng về nghỉ dưỡng.Từng khu sinh hoạt, gồm: nhà bếp, phòng ăn, khu vệ sinh, phòng sinh hoạt chung, phòng điều dưỡng, phòng nghỉ... đều được bố trí khoa học, sạch sẽ và ngăn nắp. Trung tâm định  kỳ làm vệ sinh phòng ở, khuôn viên; chú trọng trồng và chăm sóc vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Đồng thời, tổ chức ra quân kiểm tra, tu sửa các công trình cấp nước, hệ thống thoát nước, có kế hoạch xử lý, khắc phục kịp thời các công trình hư hại; tổng vệ sinh môi trường vào chiều thứ 6 hàng tuần với các hoạt động thu gom, xử lý rác thải, khơi thông cống rãnh, phun hóa chất diệt muỗi, loăng quang, bọ gậy, vệ sinh ao hồ …
Rác thải sinh hoạt được phân loại tại chỗ, có dụng cụ chứa rác chuyên dụng cho từng loại. Đối với  rác thải y tế, trước khi qua xử lý rác thải y tế được phân loại theo đúng quy định, đảm bảo tiêu chuẩn về túi chứa và thùng đựng rác thải. Để bảo đảm an toàn về nguồn nước sinh hoạt, đơn vị tiến hành định kỳ thau rửa bể và thùng inox chứa nước, đảm bảo an toàn nguồn nước trong sử dụng.
Việc không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị, điều dưỡng cùng với đầu tư cơ sở vật chất được ngày càng khang trang, sạch đẹp đã góp phần tích cực vào việc chăm sóc, điều dưỡng tốt hơn các đối tượng người có công với cách mạng. Qua khảo sát, lấy ý kiến đánh giá của các đối tượng người có công đến điều dưỡng tại Trung tâm, đại đa số người có công đều lưu lại nhiều kỷ niệm, ấn tượng tốt đẹp đối với tập thể cán bộ viên chức Trung tâm về phong cách, thái độ phục vụ cũng về các mặt tổ chức phục vụ điều dưỡng và đa số đều mong muốn có dịp quay trở lại Trung tâm Điều dưỡng người có công Nam Định.
Từ khi thành lập đến nay Trung tâm đã đón và điều dưỡng chu đáo gần 5.000 lượt người có công, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, góp phần thể hiện tấm lòng tri ân của lớp người đi sau với thế hệ cha anh ./.
Khánh Linh

 

TAG: nâng cấp cơ sở vật chất nâng cao hiệu quả chăm sóc người có công
Tin khác
Trao hỗ trợ sửa chữa nhà ở tới người có hoàn cảnh khó khăn huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang)
Ông Nguyễn Văn Khang - Thành công kinh doanh gắn liền với tấm lòng nhân ái
LC Foods nhiều hoạt động lan tỏa yêu thương tới trẻ em nghèo
Ổn định việc làm trao cơ hội và động lực giảm nghèo cho người dân ở Kim Bôi
Đồng Tháp nhân rộng các mô hình giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng
Thúc đẩy các giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường không gian mạng
GE Vernova Foundation công bố các khoản cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên toàn cầu
Herbalife Việt Nam và VTV3 khép lại mùa thứ hai của Chương trình “Sinh Viên Thế Hệ Mới” thành công tốt đẹp.
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%