Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Trung tâm Điều dưỡng người có công Bắc Giang: “Ngôi nhà chung” xanh-sạch-đẹp
01:22 PM 20/07/2020
(LĐXH)- Với mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc người có công, cán bộ, viên chức Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Bắc Giang không ngừng nỗ lực xây dựng nơi đây trở thành ngôi nhà ấm áp nghĩa tình, để lại dấu ấn tốt đẹp với các thương binh, bệnh binh, cũng như các đối tượng người có công với cách mạng nói chung.
Tiền thân là Khu điều dưỡng thương binh nội khoa (ra đời từ năm 1976), sau 27 năm đứng chân trên địa bàn thôn Đông La, xã Quế Nham (huyện Tân Yên), tháng 7/2018, Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh chuyển về trụ sở mới tại tổ dân phố Đông Giang, phường Xương Giang (TP Bắc Giang). Trung tâm được xây mới trên diện tích hơn 24 nghìn m2 với 48 phòng ở khép kín phục vụ thương bệnh binh; phòng phục hồi chức năng gồm nhiều thiết bị hiện đại (máy tập đa năng, băng chạy bộ, bồn xông hơi trị liệu…); các phòng tổ chức sinh hoạt chung; xe cứu thương, đưa đón người có công.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân thăm, tặng quà Trung tâm
Được sự quan tâm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nên đến nay, Trung tâm được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, các trang thiết bị đáp ứng được việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Hiện đơn vị có 30 cán bộ, nhân viên với 3 phòng chuyên môn. Trung tâm được phân công thực hiện 2 nhiệm vụ: điều trị, nuôi dưỡng chăm sóc, nuôi dưỡng suốt đời thương binh, bệnh binh nặng của 4 tỉnh (Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương); tổ chức điều dưỡng luân phiên tập trung cho NCC trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.   
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện nay, Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh đang chăm sóc suốt đời 16 thương binh, bệnh binh đặc biệt nặng. Ngoài điều dưỡng cố định, mỗi năm Trung tâm đón, chăm sóc, điều dưỡng luân phiên tập trung khoảng 5 - 6 nghìn lượt thương binh, bệnh binh trong toàn tỉnh.
Luôn xác định đây là nhiệm vụ vất vả nhưng vô cùng tự hào, vẻ vang nên Ban Giám đốc Trung tâm thường xuyên quán triệt tới cán bộ, viên chức, nhân viên nêu cao trách nhiệm, tận tình, chu đáo trong mỗi công việc được giao, coi người có công như người thân, ruột thịt của mình, thể hiện sự tri ân với lớp cha anh đã hy sinh tuổi thanh xuân vì Tổ quốc. Nhờ vậy, đơn vị luôn hoàn thành kế hoạch điều dưỡng luân phiên bảo đảm đúng tiêu chuẩn chế độ điều dưỡng theo quy định. Với những thương binh, bệnh binh nặng được nuôi dưỡng suốt đời tại đây, đa số đã lớn tuổi, cơ thể còn nhiều vết thương nên các cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn phục vụ ân cần, chu đáo.
Nhân viên Trung tâm đón tiếp người có công đến điều dưỡng
Với đặc thù thường đón tiếp các đối tượng tới điều dưỡng là thương bệnh binh, người cao tuổi, sức khoẻ yếu, thường xuyên bị huyết áp cao, nhiều bệnh mãn tính, vết thương cũ tái phát, hành hạ mỗi khi trái gió, trở trời… nên Trung tâm đã đặt công tác chăm sóc y tế và phục hồi sức khoẻ cho các đối tượng là nhiệm vụ quan tâm hàng đầu. Mỗi đợt điều dưỡng, các đối tượng được khám bệnh, tư vấn sức khỏe, lập hồ sơ bệnh án và điều trị.
Hàng ngày, các đối tượng được nhân viên y tế cấp phát thuốc bổ, thuốc chữa bệnh thông thường tại phòng nghỉ và hướng dẫn các bài tập để nâng cao sức khỏe, đồng thời tham gia vật lý trị liệu, xoa bóp, bấm huyệt; xây dựng thực đơn với nhiều món ăn phong phú, đa dạng, phù hợp với khẩu vị mỗi người. Đối với những người phải ăn kiêng, đều được đơn vị bố trí, lựa chọn những thực phẩm thay thế phù hợp để đảm bảo sức khoẻ. Công tác trực y tế luôn được đơn vị duy trì thực hiện 24/24 giờ.  Các thương, bệnh binh như bố trí chỗ ăn ở tương đối đầy đủ các thiết bị như: TV, tủ lạnh, điều hòa hai chiều, bình tắm nóng lạnh… 
Bên cạnh đó, việc đảm bảo yếu tố môi trường cũng được chú trọng. Phòng nghỉ cho các đối tượng người có công được đội ngũ nhân viên của Trung tâm thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng. Lối đi bộ, khuôn viên, cảnh quan xung quanh đơn vị được trổng rất nhiều cây xanh, tạo không gian xanh mát, giúp cho các đối tượng người có công thư giãn nghỉ ngơi yên tĩnh.
Trong quá trình xây dựng, Trung tâm đã chú ý đến sự hài hòa, thống nhất đảm bảo thẩm mỹ chung và cảnh quan hiện có. Đồng thời, các hạng mục từ cải tạo không gian khu vực sân vườn đến hệ thống thang máy, đường đi chuyên dụng phục vụ “khách hàng” là thương, bệnh binh – hầu hết là cao tuổi gặp khó khăn về vận động, đến các phòng nghỉ, nhà vệ sinh khép kín cùng các thiết bị phụ trợ đều phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố: sạch, đẹp, thoáng mát, phù hợp, tiện ích. 
Cảnh quan của Trung tâm
Trung tâm cũng cố gắng quy hoạch hệ thống xử lý chất thải phù hợp, đảm bảo sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Hàng ngày, các nhân viên của Trung tâm thực hiện thu gom, lưu trữ vận chuyển, xử lý chất thải y tế theo quy định, không để tồn đọng nhằm tạo môi trường sạch sẽ, tránh gây mùi và vi khuẩn, vi trùng lây lan. Tất cả chỉ với mong muốn các đối tượng luôn cảm thấy thoải mái, vui vẻ.  
Thương binh Nguyễn Khắc Tri (81 tuổi), ở thôn Chu Xá, xã Quang Châu, huyện Việt Yên (Bắc Giang) tâm sự: “Được điều dưỡng tại đây, tôi thấy sức khỏe được cải thiện đáng kể. Trung tâm thực sự là ngôi nhà chung ấm áp nghĩa tình, để lại ấn tượng không thể phai mờ. Nhất là cảnh quan môi trường lúc nào xũng xanh- sạch-đẹp, thân thiện, điều đó giúp chúng tôi thấy khỏe ra”.
Có thể thấy, sau mỗi đợt điều dưỡng tại Trung tâm, sức khỏe, thể trạng, tinh thần của các đối tượng người có công được nâng lên rõ rệt, từ đó giúp họ tiếp tục sống vui, sống khỏe, sống có ích trong quãng đời còn lại.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác tiếp đón, điều dưỡng luân phiên các đoàn người có công trong tỉnh; tăng cường những hoạt động thiết thực như: Tư vấn sức khỏe, tham quan, giao lưu văn nghệ... nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần cho thương binh, bệnh binh. Đặc biệt, hoạt động của Trung tâm nhất thiết phải gắn với bảo vệ môi trường, để người có công và khách đến thăm Trung cảm thấy thân thiện, thư giãn và đem đến sự hài lòng cho mọi người”./.
Dương Thìn
TAG:
Tin khác
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Bình: Tấm lòng vàng trong công tác bảo tồn di sản và hoạt động từ thiện
Quảng Trị: Ước tính đến hết năm 2024, hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 1.595 nhà ở cho hộ nghèo tại huyện nghèo
Lạng Sơn: Đẩy mạnh hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo
Lạng Sơn: Hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng, giúp giảm nghèo bền vững
Huyện Lộc Hà: Thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo
Huyện Bắc Sơn: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn Chương trình giảm nghèo
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam gặp mặt các nhà tài trợ đồng hành cùng trẻ em khó khăn
Phú Thọ đẩy nhanh tiến độ thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ
Hà Tĩnh: Chú trọng công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024