Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Thuận: Chủ động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
(LĐXH) – Thời gian qua, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bình Thuận đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giúp đảm bảo quyền lợi cho người lao động bị mất việc làm.
cho người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn
Trung tâm thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, phổ biến những quy định mới về chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Nghị định 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp) và hướng dẫn các tình huống cụ thể trong giải quyết thủ tục bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp. Đồng thời, thông tin đến doanh nghiệp, người lao động những lĩnh vực hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm, đặc biệt nhấn mạnh đến công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động cho các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước; công tác tư vấn học nghề, liên kết đào tạo các ngành nghề nhằm giúp người lao động sớm quay lại thị trường lao động khi bị thất nghiệp. Qua các buổi tuyên truyền, sẽ giúp cho đơn vị sử dụng lao động và người lao động cơ bản nắm rõ và đầy đủ thông tin về chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động, trách nhiệm của người sử dụng lao động khi tham tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Để thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh duy trì các văn phòng tiếp nhận hồ sơ về bảo hiểm thất nghiệp tại các huyện có nhiều doanh nghiệp và đông lao động để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong việc nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bám sát theo các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ kịp thời cho người lao động đến đăng ký nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp khi bị mất việc làm theo đúng quy định. Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, việc cập nhật tình hình biến động lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn được đẩy mạnh, giúp người lao động sớm tìm được việc làm mới.
Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo phòng, chống dịch mà vẫn thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, ngoài việc tổ chức tư vấn và tiếp nhận hồ sơ trực tiếp của người lao động, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh cũng triển khai thực hiện tiếp nhận và trả hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp qua đường bưu điện, tiếp nhận thông báo về tình trạng việc làm, tư vấn việc làm online, qua điện thoại, mạng xã hội, gmail… nhờ đó các chế độ của người lao động luôn được đảm bảo. Ngoài ra, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thực hiện mô hình một cửa liên thông trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, nhờ đó nâng cao tính chính xác, kịp thời trong giải quyết hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm phương châm 3 đúng: đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn. Năm 2022, Trung tâm đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của 10.500 lao động; đã xử lý và trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định hưởng cho 10.446 lao động.
Cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng đẩy mạnh tư vấn gián tiếp, tư vấn online để người lao động hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp sớm tìm được việc làm mới; ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, góp phần nâng cao hiệu quả tư vấn giới thiệu việc làm. Năm 2022, Đơn vị đã tư vấn nghề, việc làm cho 18.693 lao động, đạt 169,9% so với kế hoạch năm (11.000 lao động); giới thiệu việc làm và cung ứng lao động cho 4.143 lao động, đạt 150,7% so với kế hoạch năm (2.750 lao động); khai thác 10.763 chỗ việc làm trống, đạt 215,3% so với kế hoạch năm (5.000 chỗ việc làm trống); số lượt truy cập lên trang website http://vieclambinhthuan.com.vn của Trung tâm là 4.085.293 lượt; tổ chức 20 phiên giao dịch việc làm thu hút 131 doanh nghiệp và 2.221 lao động tham gia (trong đó có 867 lao động được doanh nghiệp nhận hồ sơ); đào tạo nghề cho 1.287 lao động, đạt 148,8% so với kế hoạch năm (865 lao động).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm… của Trung tâm vẫn còn gặp một số khó khăn như: Việc thực hiện thông báo tình hình sử dụng lao động, biến động lao động của người lao động đã triển khai nhưng ít doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị cung cấp thông tin; công tác tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố chưa có chiều sâu, chưa thu hút được nhiều lao động tham gia; công tác phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội để thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp của người lao động sai quy định chưa thực hiện thường xuyên. Nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế trên, đó là: do vẫn còn bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một số doanh nghiệp hoạt động còn cầm chừng, việc tìm kiếm các đơn hàng tuyển dụng gặp nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến công tác tư vấn việc làm cho người lao động; công tác giải quyết việc làm tại một số địa phương tuy có quan tâm nhưng chưa thường xuyên, đặc biệt trong công tác phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm để kết nối người lao động chưa có việc làm hoặc việc làm chưa ổn định đến với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động.
Trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục tiếp tục tổ chức và đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền các chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo cho người lao động đủ điều kiện đều được tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Đổi mới hoạt động của các phiên giao dịch việc làm, nâng chất lượng các phiên giao dịch việc làm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm nhằm kết nối cung - cầu lao động giữa người lao động với doanh nghiệp…/.
Minh Cảnh
TAG: