Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang: Phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động
05:21 PM 24/02/2023
(LĐXH) – Những năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Bắc Giang đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động thông qua các hoạt động như: Tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ, chuyên đề, online, lưu động… Qua đó đã giúp đáp ứng được nhu cầu lao động của doanh nghiệp và tư vấn, giới thiệu cho hàng chục nghìn lao động mỗi năm có việc làm ổn định, góp phần đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.
Năm 2022, ngay sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, Trung tâm đã đẩy mạnh kết nối, tổ chức các phiên giao dịch việc làm; rà soát, kịp thời nắm bắt nhu cầu của từng doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, kết nối qua Cổng thông tin việc làm, các ứng dụng mạng xã hội; duy trì hoạt động nhóm zalo “Hỗ trợ việc làm Bắc Giang”; nhất là tăng cường các phiên giao dịch lưu động tại nhiều huyện và các tỉnh lân cận như: Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang,… để tìm kiếm lao động cho doanh nghiệp. Kết quả, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức được 90 phiên giao dịch việc làm, đạt 118% kế hoạch. Trong đó, có 51 phiên định kỳ, 8 phiên chuyên đề, 16 phiên lưu động, còn lại là các phiên online. Các phiên giao dịch đã tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu lao động cho hơn 22,2 nghìn người.
Trung tâm DVVL Bắc Giang khai mạc phiên giao dịch việc làm đầu năm

Dự báo trong quý 1/2023, các doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng gần 28 nghìn lao động, chủ yếu là lao động phổ thông của ngành điện tử, sản xuất nhựa, may mặc. Ngày 9/2, Trung tâm DVVL Bắc Giang tổ chức phiên giao dịch đầu xuân, kết nối với 10 địa phương Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Kạn, Lạng Sơn… và khoảng gần 80 doanh nghiệp theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tại phiên giao dịch, 158 doanh nghiệp các tỉnh, thành phố đăng ký tham gia với tổng nhu cầu tuyển khoảng 55,7 nghìn lao động, tập trung chủ yếu ở các ngành, nghề: Điện tử, may mặc, cơ khí. Trên trang thông tin điện tử của Trung tâm các tỉnh, thành phố đăng thông tin vị trí việc làm cần tuyển, mức lương, thưởng, chế độ phúc lợi xã hội để lao động lựa chọn.
Tại điểm cầu ở Bắc Giang có 8 doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp (trong đó có 4 doanh nghiệp xuất khẩu lao động), đăng ký tuyển hơn 44 nghìn vị trí. Trực tiếp tham gia phiên giao dịch có gần 500 lao động, sinh viên một số trường nghề trong tỉnh đến tìm hiểu thông tin, phỏng vấn, ứng tuyển vào các vị trí phù hợp.
Trực tiếp tham gia phiên giao dịch có gần 500 lao động và sinh viên một số trường nghề trong tỉnh
Ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Bắc Giang cho biết: Trong bối cảnh nhiều công nhân bị mất việc do doanh nghiệp gặp khó khăn, giảm quy mô thời gian qua, ông Huế cho biết các phiên giao dịch việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, tạo ra sự kết nối giữa doanh nghiệp với người lao động, không chỉ trong tỉnh Bắc Giang mà còn với các địa phương khác trong cả nước. Qua những phiên giao dịch như thế này, người lao động đã mất việc làm có thể tìm được vị trí mới, phù hợp hơn, thu nhập tốt hơn so với công việc cũ.
Đang trong quá trình tìm kiếm công việc tại phiên giao dịch, chị Bùi Thị Thà (SN 1991) ở xã Đan Hội (huyện Lục Nam, Bắc Giang) chia sẻ: “Tôi làm công nhân trong doanh nghiệp điện tử ở Bắc Ninh được hơn 5 năm thì quyết định xin nghỉ vì nhà xa, con nhỏ. Từ cuối năm 2022, tôi đến Trung tâm DVVL Bắc Giang để làm hồ sơ nhận bảo hiểm thất nghiệp thì được cán bộ đơn vị tư vấn tìm việc mới. Có phiên giao dịch hôm nay, tôi đến phỏng vấn và vừa được bộ phận nhân sự một công ty điện tử ở khu công nghiệp Quang Châu tiếp nhận hồ sơ tuyển dụng. Có mức lương, phụ cấp thỏa đáng, lại có xe đưa đón tận nơi nên tôi yên tâm với việc làm mới”.
Thời gian tới, nhằm phát huy hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, Trung tâm DVVL tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các phiên giao dịch việc làm định kỳ và lưu động; tiếp tục khai thác hiệu quả thông tin về thị trường lao động trong và ngoài nước để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động…/.
Hưng Minh
TAG:
Tin khác
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững