Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh: Thực hiện chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp
10:47 AM 19/06/2023
(LĐXH) – Thời gian qua, bên cạnh việc thực hiện tốt các hoạt động chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh cũng chú trọng đào tạo nghề cho người lao động thất nghiệp, giúp họ có thêm cơ hội để tìm việc làm mới.
Lớp học pha chế đồ uống cho học viên là lao động đang hưởng Trợ cấp thất nghiệp
tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh
Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong khoảng thời gian thất nghiệp, khi có yêu cầu sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ các yêu cầu theo quy định tại điều 49 Luật Việc làm năm 2013.
Theo Điều 55 của Luật Việc làm, người lao động được hỗ trợ học nghề phải đáp ứng các điều kiện: đã chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và xã hội ở các tỉnh thành; người lao động chưa tìm được việc làm sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 9 tháng trở lên, trong vòng 24 tháng làm việc, tính đến thời điểm chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động.
Để hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải nộp đủ bảo hiểm thất nghiệp 12 tháng trở lên. Nhưng đối với hỗ trợ học nghề, người lao động chỉ cần đóng từ đủ 9 tháng trở lên. Mức hỗ trợ học nghề được quy định như sau: Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, tùy thời gian và mức phí quy định cụ thể của từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mức phí không quá 4,5 triệu đồng/khóa học. Với những lao động tham gia khóa đào tạo nghề từ trên 3 tháng, căn cứ vào học phí của từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp và thời gian học thực tế, người lao động được hỗ trợ mức phí không quá 1,5 triệu đồng/tháng.
Từ khi thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh duy trì tổ chức dạy nghề nghiệp vụ nhà hàng và chế biến món ăn và liên kết đào tạo các lĩnh vực như: Xoa bóp - bấm huyệt, Spa, tin học văn phòng, sửa chữa ô tô, học lái xe ô tô; học tiếng đi xuất khẩu lao động… Sau khi kết thúc khóa học, trung tâm sẽ mời doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng qua để quan sát, tìm hiểu có thể tuyển dụng trực tiếp. Đây là cơ hội lớn để kết nối cung - cầu cho lao động và doanh nghiệp.
Lớp học nghiệp vụ nhà hàng và chế biến món ăn cho lao động thất nghiệp 
tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh
Năm qua, đã có gần 100 người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp có quyết định hỗ trợ học nghề. Từ đầu năm 2023 đến nay, có 73 lượt lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp có quyết định hỗ trợ học nghề với số tiền trên 314 triệu đồng.
Ngành học được người lao động lựa chọn nhiều nhất là Lái xe ô tô và Kỹ thuật chế biến món ăn, đối với hai ngành này, người lao động sau khi học xong đều đã thành thục các kỹ năng cơ bản, có thể áp dụng vào thực tế và đi xin việc. Chị Nguyễn Thị H (thành phố Hạ Long), là học viên vừa kết thúc khóa học nghiệp vụ nhà hàng và chế biến món ăn cho biết: Kết quả khóa học của chị khá tốt, chị đã học được rất nhiều kiến thức về dinh dưỡng và cách chế biến món ăn, vừa học vừa được thưởng thức tay nghề của bản thân và các học viên khác. Sau khi học xong, chị dự định sẽ tự mở một cửa hàng đồ ăn.
Anh Trần Văn T (thị xã Quảng Yên) cho biết: Tôi đã đi làm cho doanh nghiệp được gần 10 năm. Cũng vì lý do gia đình nên tôi xin nghỉ việc. Trong thời gian xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, tôi được cán bộ Trung tâm tư vấn đi học nghề lái xe. Hiện tôi đã có bằng lái để làm dịch vụ vận chuyển khách theo hợp đồng.
Còn anh Đinh Văn N, phường Cao Xanh, TP Hạ Long chia sẻ: Khi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh để làm thủ tục hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và tìm hiểu thông tin việc làm mới, tôi đã được cán bộ Trung tâm tư vấn học nghề nấu ăn. Tôi thấy cũng phù hợp với bản thân nên theo học một lớp 3 tháng. Hiện tôi đang là đầu bếp cho một nhà hàng hải sản với mức lương 9 triệu đồng/tháng…
Có thể thấy, hỗ trợ học nghề là một trong những biện pháp giúp cho người lao động được đào tạo nghề, trang bị thêm kỹ năng mới, tạo ra cơ hội mới để họ chuyển đổi nghề nghiệp, sớm quay lại tham gia vào thị trường lao động, tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Những người có nghề trong tay thường có điều kiện làm việc, thu nhập tốt hơn. Người lao động nên coi việc học nghề và có nghề là “chìa khóa” để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn, nhằm ổn định cuộc sống, đặc biệt việc học nghề hiện nay đã được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí. Trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho người lao động. Bên cạnh đó, tiếp tục khai thác, liên kết với các trường nghề để bổ sung, mở rộng các lĩnh vực đào tạo nghề khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề cho người lao động./.
Hưng Minh
TAG:
Tin khác
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững