Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam: Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan sạch, đẹp
10:59 AM 02/10/2023
(LĐXH) - Để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam đã chú trọng công tác bảo vệ môi trường, xây dựng đơn vị sạch, đẹp.
Tư vấn cho người lao động về chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp 
Thống kê hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 6.000 doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trong đó có 4.668 đơn vị đã tham gia chính sách này. Thực hiện Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp; Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề tại các điểm tiếp nhận hồ sơ; tuyên truyền thông qua trang thông tin điện tử của Trung tâm, các thông tin, thông báo, tờ rơi, các cơ quan truyền thông báo, đài,…đến người lao động và người sử dụng lao động nhằm nhanh chóng đưa người lao động thất nghiệp quay lại thị trường lao động.
Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh đẩy mạnh công tác thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp do hưởng sai quy định và thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp hằng tháng. Phối hợp với một số ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tư vấn mở thẻ ATM, để chi trả trợ cấp thất nghiệp thông qua tài khoản ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động.
Hiện nay, Trung tâm bố trí các địa điểm tiếp nhận và giải quyết bảo hiểm thất nghiệp tại các địa điểm: Tại trụ sở chính Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam - Số 84 Nguyễn Du, phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ; Văn phòng khu vực Bắc Quảng Nam (Khu vực Quế sơn, Khu vực Điện Bàn); Điểm tiếp nhận Bắc Trà My tại Ủy ban nhân dân thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My; Điểm tiếp nhận Nam Giang tại Hội nông dân huyện Nam Giang, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang. Tất cả các điểm tiếp nhận đều được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ để phục vụ công tác bảo hiểm thất nghiệp.
Trung tâm bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ người lao động đến làm thủ tục chính sách
Hiện tại số lượng cán bộ, nhân viên thực hiện công tác bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm là 24 người. Trong quá trình hoạt động,tập thể cán bộ, nhân viên đơn vị luôn đoàn kết, chủ động phối hợp giữa các Phòng, Điểm tiếp nhận khác để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhờ đó đã giúp người lao động được hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả, tiếp nhận thông báo việc làm đảm bảo được quyền lợi của người lao động thất nghiệp. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng của 8.167 người, trong đó có 1.203 người từ nơi khác chuyển về. Số người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 7.394 người. Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp là 110 tỷ đồng. Số lượng người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề là 62 người. Số lượt người thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm là 34.234 người, trong đó: Số người được giới thiệu việc làm: 216 người; Số người tìm được việc làm do Trung tâm giới thiệu: 159 người.
Góp phần quan trọng vào kết quả hoạt động của đơn vị phải kể đến công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Theo đó, Trung tâm thường xuyên tổ chức các hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường bên trong và ngoài khuôn viên Trung tâm. Ban Giám đốc Trung tâm cũng khuyến khích toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động bảo vệ môi trường nơi làm việc từ những việc nhỏ, thường ngày như hạn chế sử dụng túi ni lông, các sản phẩm nhựa, thay thế bằng các sản phẩm có thể tái sử dụng nhiều lần. Những sản phẩm có thể tái chế được thu gom phế liệu hoặc gia công, sửa chữa thành sản phẩm tiện ích khác. Đặc biệt, Trung tâm xây dựng cảnh quan, không gian thoáng đãng, sạch sẽ, tạo môi trường làm việc thân thiện, xanh, sạch, đẹp.
Ngoài ra, còn phát động đến toàn thể viên chức và người lao động tham gia phong trào bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể như trang trí, sắp xếp bố trí phòng làm việc chung, chỗ làm việc cá nhân gọn gàng, ngăn nắp, sạch đẹp... Đối với các điểm tiếp nhận cũng được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động để làm thủ tục.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Trung tâm cũng gặp một số khó khăn như: Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm thất nghiệp đến các doanh nghiệp và người lao động còn hạn chế. Công tác thu hồi tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định thực hiện còn chậm do Bảo hiểm xã hội gửi thông tin người lao động có việc làm khi người lao động đã hết hưởng, hầu hết lao động không phối hợp trong việc khai báo tình trạng việc làm, nhiều đơn vị doanh nghiệp không phối hợp cung cấp hợp đồng lao động. Một số lao động không có nhu cầu tìm kiếm việc làm mới, khai báo không trung thực việc tìm kiếm việc làm. Nguyên nhân một phần do chưa khai thác tốt vị trí việc làm phù hợp để giới thiệu cho người lao động thất nghiệp; Ngành nghề đào tạo của các đơn vị dạy nghề chưa thu hút được lao động thất nghiệp.
Trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam tập trung thực hiện các giải pháp: Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trên tinh thần phục vụ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác chuyên môn bảo hiểm thất nghiệp tại các Văn phòng khu vực và các Điểm tiếp nhận đảm bảo đúng quy trình về hồ sơ, thủ tục theo quy định của Luật đồng thời từng bước ổn định, nâng cao năng lực hoạt động của toàn thể cán bộ viên chức, người lao động phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định mới về chính sách bảo hiểm thất nghiệp đến các doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn toàn tỉnh.
Tăng cường công tác thu thập thông tin thị trường lao động, mở rộng công tư vấn, giới thiệu việc làm bằng nhiều hình thức, nhiều cách làm. Tăng cường, thu thập thông tin cung cầu lao động, phối kết hợp với các Trung tâm, Trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh mở rộng ngành nghề đào tạo phù hợp. Tiếp tục tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề cho người lao động thất nghiệp theo hướng hiệu quả. Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp./.

Đăng Doanh
TAG:
Tin khác
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang