Trung tâm CTXH tỉnh Thái Nguyên: Dấu ấn sau 5 năm phát triển
Những năm qua, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của người dân, tỉnh Thái Nguyên cũng luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững.
Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) trẻ em tỉnh Thái Nguyên (trực thuộc Sở Lao động-TBXH) được thành lập năm 2011, với mục tiêu thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phát triển hệ thống dịch vụ cung cấp kiến thức và can thiệp kịp thời cho trẻ có HCĐB và trẻ có nguy cơ rơi vào HCĐB nói riêng, trẻ em nói chung trên địa bàn. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, Trung tâm (TT) đã tiếp nhận trên 30 nghìn cuộc điện thoại qua Đường dây tư vấn miễn phí 18008080 và thực hiện trên 600 ca tư vấn, can thiệp trực tiếp tại cộng đồng; kết nối hỗ trợ tư vấn cho trên 200 trường hợp, tư vấn trị liệu cho trẻ bị rối loạn tâm lý, tự kỷ; can thiệp kịp thời 19 trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục, bạo hành để hòa nhập cộng đồng...Tuy nhiên, để tiếp cận hỗ trợ đến số đông đối tượng yếu thế mà không chỉ riêng trẻ em, đồng thời cũng trong bối cảnh các địa phương đang thực hiện phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH theo Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 -2020, ngày 1/4/2014, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định 628/QĐ- UBND về việc đổi tên, bổ sung chức năng, nhiệm vụ và tổ chức lại Trung tâm CTXH trẻ em thành Trung tâm CTXH tỉnh Thái Nguyên. Với mục tiêu hướng đến là tạo thuận lợi cho những người dễ bị tổn thương tiếp cận các dịch vụ xã hội tại cộng đồng; cung cấp các dịch vụ CTXH theo một quy trình chuyên nghiệp, hiệu quả, giảm tải cho hệ thống cơ sở BTXH hiện hành và tăng số lượng đối tượng phục vụ; nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên CTXH…
Có thể nói, sự ra đời của TT trong bối cảnh hiện nay khi nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về nghề CTXH còn nhiều hạn chế, cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện, nguồn lực còn hạn hẹp là một khó khăn, thách thức lớn. Song với sự quan tâm chỉ đạo của Cục Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - TBXH tỉnh Thái Nguyên; sự chỉ đạo sâu sát, nhất quán của Ban lãnh đạo TT cùng sự đoàn kết, thống nhất của một tập thể cán bộ, nhân viên, sau 5 năm đi vào hoạt động, TT CTXH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đảm bảo ASXH của địa phương.
Một trong những kết quả đáng ghi nhận trong hoạt động của TT là kết quả Công tác Tư vấn - Can thiệp hỗ trợ. Ngay từ khi thành lập, TT đã xây dựng và đưa vào vận hành Tổng đài tư vấn miễn phí 18008080 và Đường dây nóng 0963188080. Đến nay, Tổng đài đã nhận được trên 76 nghìn cuộc gọi đến của đối tượng có nhu cầu, trong đó có 11.246 cuộc gọi tư vấn và trên 700 trường hợp đã được hỗ trợ, có hồ sơ quản lý. Tư vấn, tham vấn trực tiếp tại TT và tại cộng đồng cho trên 2.800 trường hợp, qua đó giúp cho nhiều đối tượng vượt qua bế tắc, lựa chọn được phương án giải quyết vấn đề tốt nhất.
Ngoài ra, TT còn đẩy mạnh hoạt động can thiệp hỗ trợ khẩn cấp; can thiệp, hỗ trợ và kết nối dịch vụ nhằm giúp đảm bảo quyền lợi, môi trường sống an toàn, ổn định cho đối tượng. Tính đến nay, đơn vị đã can thiệp hỗ trợ khẩn cấp cho 98 trường hợp và can thiệp, hỗ trợ và kết nối dịch vụ cho trên 1.486 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế. Hoạt động can thiệp hỗ trợ không chỉ dừng lại ở việc trợ giúp những nhu cầu trực tiếp, trước mắt mà còn hướng tới những nhu cầu lâu dài, đồng thời kết nối được các cơ quan chính sách tham gia, góp phần nâng cao nhận thức phát huy vai trò, trách nhiệm cùng giải quyết các xung đột xã hội. Điển hình là trường hợp cháu H.M.H, sinh năm 2003, cư trú tại xóm Lâm Trường, xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên. Cháu H bị bố đánh đập và nhốt, trói nhiều lần tại nhà nên đã bỏ đi lang thang đến địa bàn số nhà 292, đường Cách mạng Tháng 8, TP.Thái Nguyên. Ngay sau khi nhận được thông tin nhân viên TT xuống ngay địa bàn tìm hiểu, xác minh sự việc, đồng thời tiếp nhận và kết nối đưa cháu vào nuôi dưỡng tạm thời tại Trung tâm BTXH tỉnh. TT cũng hỗ trợ ổn định tâm lý, tư vấn cho bố mẹ về phương pháp giáo dục trẻ tại gia đình. Hiện tại, TT đã bàn giao cháu về ở với mẹ, kết nối với Phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Thái Nguyên để cháu được chuyển trường và tiếp tục đi học, đảm bảo quyền trẻ em
Hoạt động phát triển cộng đồng (CĐ) cũng được chú trọng, ghi nhận nhiều dấu ấn quan trọng trong chặng đường 5 năm thành lập và phát triển của đơn vị. Để hỗ trợ CĐ dân cư tự lực giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất, TT đã tiến hành nhiều hoạt động phát triển CĐ như: Tham gia hoạt động xác minh, xác định vấn đề về bảo vệ trẻ em và huy động nguồn lực tại CĐ để giải quyết vấn đề. Điều tra, khảo sát thực trạng nhu cầu sử dụng dịch vụ CTXH của 2.600 người khuyết tật và người có HCĐB khó khăn tại 10 xã, thị trấn trên địa bàn, trên cơ đó xây dựng kế hoạch can thiệp trợ giúp, đồng thời trang bị cho người dân kỹ năng xác định vấn đề và huy động nguồn lực để tự giải quyết vấn đề của mình. Thực hiện mô hình hỗ trợ sinh kế cho 27 người khuyết tật để phát triển kinh tế gia đình. Hỗ trợ đột xuất và sinh kế cho các hộ gia đình bị thiên tai, giúp đối tượng sớm khắc phục hậu quả, từng bước ổn định cuộc sống. Thực hiện mô hình hỗ trợ chăm sóc thay thế cho 10 trẻ mồ côi và 10 gia đình nhận nuôi, qua đó trang bị những kiến thức, kỹ năng chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ có HCĐB.
Thực hiện Quyết định số 1215 về phê duyệt Đề án Trợ giúp xã hội và Phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, đồng thời xuất phát từ thực trạng người có vấn đề về SKTT cần được trợ giúp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngày càng gia tăng, trong 3 năm vừa qua, TT CTXH đã thực hiện 3 mô hình liên quan đến CSSKTT tại cộng đồng như: Năm 2013, triển khai mô hình “Đánh giá sàng lọc, phát hiện sớm, tư vấn và giáo dục trị liệu cho trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển trí tuệ”. Đến nay, TT đã thực hiện đánh giá sự phát triển tâm vận động cho gần 500 trẻ tại trường mầm non, qua đó phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, hiệu quả cho trên 52 trẻ bị rối nhiễu tâm trí, tự kỷ, chậm phát triển. Năm 2015, triển khai Dự án “Sàng lọc - Phát hiện sớm -Tư vấn -Hỗ trợ điều trị cho người bị trầm cảm tại cộng đồng”, kết quả đã sàng lọc 373 đối tượng có nguy cơ cao và phát hiện, tư vấn và trị liệu tâm lý cho 97 người bị trầm cảm. Tiếp nối những thành công đó, tháng 7/2016, TT tiếp tục triển khai thí điểm mô hình “Chăm sóc SKTT dựa vào cộng đồng giai đoạn 2016 – 2018”. Đến nay, sau 4 tháng triển khai đã sàng lọc được 2.412 trường hợp, qua đó phát hiện 68 trường hợp có biểu hiện trầm cảm. Các chuyên gia đã hướng dẫn kiểm soát trầm cảm cho 32 bệnh nhân và kết quả có 16/21 người được hướng dẫn trầm cảm thành công; 11 người đang tiếp tục hướng dẫn. Những kết quả bước đầu cho thấy hiệu quả rất lớn trong việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong việc tham gia trợ giúp người có vấn đề SKTT, giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập CĐ, đồng thời tạo sự trao đổi gắn kết giữa các dịch vụ y tế với các dịch vụ CTXH trong việc can thiệp hỗ trợ.
Nhìn lại chặng đường 5 năm qua (2011-2016), TT CTXH tỉnh Thái Nguyên rất tự hào về sự trưởng thành và phát triển của đơn vị. Không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ CTXH theo phương châm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của cá nhân, gia đình và cộng đồng khó khăn yếu thế; chủ động, sáng tạo đổi mới nội dung, cải tiến phương thức hoạt động, tăng cường đoàn kết trong đơn vị. Bên cạnh đó, hoạt động can thiệp hỗ trợ, đặc biệt là can thiệp hỗ trợ khẩn cấp được triển khai kịp thời, đầy đủ, đáp ứng các nhu cầu tối thiểu và cơ bản cho đối tượng, giúp họ giải quyết tận gốc những vấn đề tiềm ẩn lâu dài của bản thân. TT cũng đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng về nghề CTXH, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao. Song bên cạnh những kết quả đạt được, TT CTXH tỉnh Thái Nguyên cũng gặp không ít khó khăn, thách thức như: Trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống TT CTXH cấp huyện và mạng lưới cộng tác viên, nhân viên CTXH tại cộng đồng nên việc triển khai thực hiện nhiệm vụ còn khó khăn, đặc biệt là nhận thức của người dân, đội ngũ cán bộ cấp cơ sở còn hạn chế trong việc tiếp nhận cũng như sử dụng, cung cấp các dịch vụ CTXH trên địa bàn. Chưa có quy chế phối hợp về việc can thiệp, trợ giúp đối tượng tại cộng đồng. Mặt khác, trong quá trình can thiệp hỗ trợ tại cộng đồng, một số địa phương chưa giải quyết kịp thời chế độ cho đối tượng do chưa nắm vững các quy trình thủ tục giải quyết chế độ chính sách hoặc còn chậm chễ trong thụ lý hồ sơ, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đối tượng.
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong 5 năm qua, Trung tâm CTXH tỉnh Thái Nguyên đã từng bước khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong công tác tư vấn, tham vấn, cung cấp các dịch vụ CTXH cho người dân, góp phần thúc đẩy nghề CTXH chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả đã đánh dấu một chặng đường phát triển mới của Trung tâm, đồng thời cũng là nền móng để tập thể cán bộ, nhân viên nơi đây thực hiện tốt xứ mệnh được giao, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Hồng Phượng
TAG: