An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Trung tâm CTXH Thái Nguyên đẩy mạnh hoạt động can thiệp hỗ trợ khẩn cấp tại cộng đồng
11:26 AM 22/08/2016
Trong xã hội hiện đại, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đe doạ đến cuộc sống của con người. Vấn đề xã hội được nhận thức như một vấn nạn của xã hội, đụng chạm đến lợi ích của cộng đồng, có dấu hiệu đe doạ đến chất lượng cuộc sống và đòi hỏi xã hội phải có những biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn hoặc giải quyết theo hướng có lợi cho sự tồn tại và phát triển của cộng đồng.

Trong đó, các đối tượng như: Trẻ em bị bỏ rơi, nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục, bị buôn bán, bị cưỡng bức lao động, người bị mất môi trường sống an toàn, và các nạn nhân chịu ảnh hưởng bởi thiên tai thảm họa... là những đối tượng yếu thế, rất dễ bị tổn thương và cần được sự quan tâm trước hết.

Với mục tiêu nhằm giúp các đối tượng có một môi trường sống an toàn, ổn định cuộc sống, ngay từ khi thành lập, Trung tâm Công tác xã hội Thái Nguyên đã luôn chú trọng tới hoạt động can thiệp hỗ trợ khẩn cấp. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm đều tiến hành hoạt động đánh giá nguy cơ ban đầu các vấn đề và nhu cầu của đối tượng; sàng lọc và phân loại đối tượng. Trong một số trường hợp cần thiết thì có thể chuyển gửi đối tượng tới các cơ quan chức năng như: Y tế, Công an, Tư pháp hoặc các cơ sở bảo trợ xã hội có liên quan để phối hợp giải quyết. Đồng thời cung cấp các dịch vụ khẩn cấp bảo đảm sự an toàn và đáp ứng nhu cầu  trước mắt cho đối tượng (nơi cư trú tạm thời, thức ăn, quần áo, chi phí đi lại...); cung cấp các dịch vụ điều trị y tế, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý; tư vấn và cung cấp thông tin, hướng dẫn đối tượng tiếp cận các cơ sở bảo trợ xã hội phù hợp khác, bao gồm: Tư vấn pháp lý, dịch vụ xã hội, học nghề… Hoạt động can thiệp hỗ trợ khẩn cấp sẽ được thực hiện xuyên suốt cho đến khi đối tượng tự giải quyết được vấn đề, ổn định cuộc sống.
Theo bà Trần Bảo Khánh, Phó Trưởng Phòng Can thiệp – Hỗ trợ (Trung tâm CTXH Thái Nguyên), hoạt động can thiệp hỗ trợ khẩn cấp cho đối tượng là rất cần thiết, nhìn chung khi xảy ra các trường hợp bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em..., chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể liên quan thường chỉ đến thăm hỏi, tặng quà và làm công tác hòa giải, sau đó ít có cơ quan nào quan tâm tới vấn đề của đối tượng đã được giải quyết hay chưa, giải quyết như thế nào và các nhu cầu của đối tượng được đáp ứng đến đâu. Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi được hòa giải nhiều người vẫn tiếp tục gặp khó khăn, do đó việc tách đối tượng ra khỏi tình trạng bị bạo hành, tìm hiểu nguyên nhân vì sao bị bạo hành để tìm giải pháp giải quyết vấn đề mới thực sự cần thiết. Hoạt động can thiệp hỗ trợ khẩn cấp của Trung tâm không chỉ dừng lại ở việc trợ giúp những nhu cầu trực tiếp, trước mắt mà còn phải trợ giúp những nhu cầu lâu dài như dạy văn hóa, dạy nghề, giúp ổn định cuộc sống, tâm lý cho đối tượng. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động này cũng đáp ứng được một số nhu cầu của thực tiễn khi giải quyết các vấn đề xung đột như bạo lực, xâm hại trẻ em, lao động cưỡng bức..., vì từ trước đến nay, nhiều vấn đề được giải quyết theo hướng do những người trong gia đình, hàng xóm thực hiện chứ chưa được giải quyết theo hướng chuyên nghiệp, góp phần giảm thiểu xung đột xã hội. Đồng thời, qua đó cũng thể hiện được vai trò của các cơ quan Nhà nước, kết nối được các cơ quan chính sách tham gia cùng giải quyết, tạo nhận thức của các cơ quan, ban, ngành trong việc phát huy vai trò, trách nhiệm cùng giải quyết các xung đột xã hội.
Nhờ sự tích cực của Trung tâm cùng sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, đến nay, Trung tâm đã can thiệp hỗ trợ khẩn cấp cho 87 trường hợp, trong đó có 43 trường hợp bị xâm hại, bạo hành; 17 trường hợp lang thang, mất nguồn nuôi dưỡng; 01 trường hợp bị bỏ rơi; 01 trường hợp bị buôn bán; 25 trường hợp có vấn đề về sức khỏe tâm thần, bệnh hiểm nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tất cả các vấn đề khó khăn của đối tượng đều được cán bộ Trung tâm nắm bắt thông tin và tư vấn, tham vấn về các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, tâm lý…; những trường hợp có khó khăn trong đời sống đều được làm rõ và phối hợp hỗ trợ giải quyết. Trong đó có nhiều trường hợp đã được trợ giúp một cách rất tích cực, hiệu quả, nhờ đó đã giảm bớt những khó khăn cụ thể, góp phần đảm bảo quyền lợi, môi trường sống an toàn, ổn định cuộc sống và phát triển.
Có thể kể một số trường hợp tiêu biểu đã được Trung tâm triển khai thực hiện can thiệp hỗ trợ khẩn cấp thành công như: Trường hợp cháu N.T.H, 13 tuổi ở huyện Phú Lương, khi cháu đang ở nhà một mình, bị đối tượng T.M.T quê ở Nam Định lên làm công nhân thuê nhà trọ ở gần đó đã có hành vi xâm hại tình dục cháu H. Sau khi bị xâm hại, H bị ám ảnh bởi sự việc đã xảy ra với mình, H rất sợ hãi, hoảng loạn và rơi vào trạng thái trầm cảm, không muốn tiếp xúc với ai khác ngoài mẹ, có lúc H đã phải nằm điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thái Nguyên. Còn đối tượng T đang phải chịu hình phạt của pháp luật vì có hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên, quá khứ bị xâm hại tình dục để lại hậu quả nặng nề cho em, em không chỉ bị tổn thương về thể chất mà còn luôn sống trong sự sợ hãi, ám ảnh, rất khó hòa nhập lại với cộng đồng. Khi nhận được thông tin từ gia đình và chính quyền địa phương, Phòng Can thiệp - Hỗ trợ của Trung tâm đã đến gia đình để thu thập thông tin và tư vấn, hỗ trợ ổn định tâm lý; đồng thời tư vấn cho gia đình các em về những kiến thức pháp luật liên quan, các phương pháp xử lý, trang bị kỹ năng, cách phòng vệ cho con trước các nguy cơ bị lạm dụng tình dục; kết nối các nguồn lực dịch vụ khác để hỗ trợ cho em trở lại trường học và tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, dần từng bước giúp em ổn định, trở lại cuộc sống bình thường, hòa nhập và phát triển.
Một trường hợp khác cũng được Trung tâm Công tác xã hội Thái Nguyên trợ giúp thời gian gần đây là cháu H.M.H, sinh năm 2003, cư trú tại xóm Lâm Trường, xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên. Cháu H bị bố đánh đập và nhốt, trói nhiều lần tại nhà nên đã bỏ đi lang thang đến địa bàn số nhà 292, đường Cách mạng Tháng 8, TP. Thái Nguyên. Ngay sau khi nhận được thông tin từ cán bộ xã hội địa phương, Trung tâm đã cử nhân viên xuống địa bàn tìm hiểu, xác minh sự việc, đồng thời tiếp nhận và đưa cháu về nuôi dưỡng tạm thời tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tư vấn ổn định tâm lý cho cháu, trao đổi với bố, mẹ cháu về phương pháp giáo dục trẻ tại gia đình. Hiện tại, Trung tâm đã bàn giao cháu về ở với mẹ, kết nối với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Nguyên để cháu được chuyển trường và tiếp tục đi học, đảm bảo quyền trẻ em.

Nhờ có sự can thiệp hỗ trợ khẩn cấp từ Trung tâm CTXH Thái Nguyên, cháu H.M.H và mẹ đã được đoàn tụ với nhau
Trường hợp đối tượng lang thang, không rõ họ tên, được cán bộ Trung tâm đặt tên là Nguyễn Thị Gái, khoảng gần 50 tuổi, được người dân đưa vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên điều trị đến khi đã hồi phục và được ra viện nhưng không có người nhà đến nhận. Bà nhập viện trong tình trạng tinh thần hốt hoảng, thể trạng gầy yếu, quần áo rách, toàn thân bẩn thỉu, gọi không đáp ứng. Qua thăm khám thấy có các triệu chứng chính như đau nhiều vùng xương chậu, ấn khung xương chậu đau... Phòng Công tác xã hội và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng- Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên đã gọi điện đến số điện thoại khẩn cấp 0963 188080 của Trung tâm CTXH tỉnh Thái Nguyên để hỗ trợ cho bà. Sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên đưa bà vào nuôi dưỡng tạm thời tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh để đảm bảo môi trường sống tạm thời cho bà, đồng thời Trung tâm đã kết nối với UBND phường Phan Đình Phùng, Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố Thái Nguyên tiến hành xác minh nhân thân và hoàn thiện các thủ tục cần thiết để bà có đủ điều nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm Bảo trợ tỉnh Thái Nguyên.
Bà Nguyễn Thị Gái nhập viện trong tình trạng tinh thần hốt hoảng, thể trạng gầy yếu, quần áo rách, toàn thân bẩn thỉu, gọi không đáp ứng.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm đã phối hợp đưa vào nuôi dưỡng tạm thời tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh để đảm bảo môi trường sống tạm thời
Đây chỉ là ba trong số những trường hợp Trung tâm CTXH tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành can thiệp hỗ trợ thành công trong thời gian gần đây, để đảm bảo quyền lợi và môi trường sống an toàn cho các đối tượng. Tuy nhiên, cũng theo bà Trần Bảo Khánh, do số lượng đối tượng bảo trợ xã hội đông, địa bàn rộng lớn, việc tiếp cận các dịch trợ giúp xã hội của người dân, nhất là đối tượng yếu thế còn nhiều hạn chế nên nhiều trường hợp đã không được can thiệp trợ giúp kịp thời. Thêm vào đó là sự phối hợp của các ban, ngành, chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, có những trường hợp xảy ra nhưng địa phương che giấu, sợ ảnh hưởng tới thành tích chung; do trình độ, nhận thức của đối tượng còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng “đóng cửa bảo nhau” hoặc “hai gia đình tự thỏa thuận với nhau, giải quyết trong nhà”; hầu như mọi người chỉ để ý đến hậu quả trước mắt mà không nhận thấy được hậu quả lâu dài. Trong nhiều trường hợp, các bé gái sau khi bị xâm hại tình dục do lo sợ bị trả thù, bị đe dọa và sự thiếu quan tâm, chăm sóc của người lớn đã không biết được con em mình bị xâm hại và họ không dám lên tiếng tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của kẻ xâm hại, từ đó dẫn đến các em bị xâm hại nhiều lần. Thậm chí, có trường hợp khi chính các cháu bé là người bị hại đã kể lại chuyện bị người khác xâm hại tình dục cho người lớn nghe nhưng người lớn lại thờ ơ, coi nhẹ tính chất nghiêm trọng của sự việc hoặc có thái độ bao che cho hành vi vi phạm của người thân…
Hoạt động can thiệp hỗ trợ khẩn cấp do Trung tâm Công tác xã hội Thái Nguyên triển khai trong thời gian qua đã mở rộng nhiều đối tượng yếu thế trong xã hội, qua đó đem đến sự hỗ trợ rất thiết thực, ý nghĩa cho những người đang cần được trợ giúp này. Để hoạt động này có hiệu quả, hướng đến mục tiêu hỗ trợ lâu dài, bền vững cho đối tượng, Trung tâm rất mong nhận được sự chung tay, góp sức của cộng đồng, xã hội, có như vậy, mới giúp cho đối tượng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Nguyễn Hữu Điệp
 
TAG:
Tin khác
Huyện Bình Đại triển khai có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững
Hà Nội gặp mặt, tri ân người có công tham gia giải phóng Thủ đô
Hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em bị ảnh hưởng do bão lũ tại miền Bắc
Vũng Liêm tích cực giải bài toán giảm nghèo bền vững
Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân Mỏ Cày Bắc giảm nghèo bền vững
Chương trình của Vinamilk hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vùng bão lũ qua Trung ương đoàn
Đề nghị trẻ em không có giấy tờ tùy thân cũng được cấp thẻ BHYT
TPHCM: Long trọng tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024”
BHXH TPHCM chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 10, qua tài khoản từ ngày 1/10