An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Quảng Bình: Chú trọng xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp
02:46 PM 17/02/2023
(LĐXH)- Không chỉ thực tốt công tác quản lý, chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần, Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Quảng Bình còn chú trọng công tác quản lý và bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường trong lành, xanh, sạch, đẹp, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc đối tượng.
Bệnh nhân tâm thần được chăm sóc tại trung tâm
Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Quảng Bình, có địa chỉ tại tổ dân phố 4 Phú Vinh, phường Bắc Nghĩa, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Trung tâm được thành lập năm 2013, nhưng đến giữa năm 2017 mới chính thức đi vào hoạt động. Từ đó đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận, chữa trị và phục hồi chức năng cho 126 bệnh nhân tâm thần, trong đó có 101 bệnh nhân nam và 25 bệnh nhân nữ.
Với nhiệm vụ tiếp nhận bệnh nhân tâm thần đặc biệt nặng vào chăm sóc, điều trị nhằm giảm gánh nặng, lo âu cho gia đình, cộng đồng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, tập thể lãnh đạo, viên chức và người lao động của Trung tâm đã luôn nỗ lực thực hiện tốt việc can thiệp, phục hồi chức năng cho người bệnh; tích cực phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các cơ sở y tế tổ chức tốt việc thăm khám sức khoẻ định kỳ và đột xuất, đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.
Song song với đó, Trung tâm cũng chú trọng công tác chăm sóc dinh dưỡng cho đối tượng. Ngoài định mức quy định, đơn vị đã cố gắng huy động thêm sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh; tăng cường công tác tăng gia, sản xuất bổ sung thêm nguồn thực phẩm xanh, sạch cho đối tượng. Công tác cấp dưỡng, chế biến món ăn cũng luôn được chú trọng, đa dạng về món ăn, đảm bảo về dinh dưỡng, khẩu vị và an toàn vệ sinh thực phẩm; có chế độ ăn riêng đối với những bệnh nhân bị cao huyết áp, tiểu đường hoặc cần phải ăn kiêng theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Mỗi cán bộ, y sĩ, điều dưỡng của Trung tâm đều như người bạn, người thầy, người thân của bệnh nhân. Hàng ngày, ngoài công việc chính, cán bộ, viên chức còn thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhân trong sinh hoạt, tổ chức các hoạt động thể dục, lao động trị liệu, đọc sách báo, xem ti vi, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cùng bệnh nhân. Mặc dù chỉ mới đi vào hoạt động 5 năm, nhưng đã có 10 bệnh nhân ổn định sức khỏe, trở về với gia đình, tái hoà nhập cộng đồng; nhiều bệnh nhân khác sức khỏe chuyển biến tốt, dần dần ổn định. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, góp phần động viên cán bộ, nhân viên, người lao động của Trung tâm.
Trung tâm chú trọng hoạt động lao động trị liệu, vừa giúp đối tượng nâng cao hiệu quả điều trị, vừa xây dựng cảnh quan môi trường trong lành
Trao đổi với phóng viên, Lãnh đạo Trung tâm cho biết: Với người bình thường, việc chăm sóc, quản lý đã khó, với bệnh nhân tâm thần, việc chăm sóc, quản lý còn khó khăn, vất vả gấp nhiều lần. Đặc thù của hầu hết người bệnh tâm thần là không còn khả năng tự phục vụ được bản thân trong các sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời, một số bệnh nhân lại lên cơn kích động đập phá, kêu la, có những hành vi nguy hiểm cho bản thân và ảnh hưởng tới cả người chăm sóc. Do vậy, người chăm sóc bệnh nhân đòi hỏi phải hiểu, quan sát thật kỹ, gần gũi với người bệnh để hiểu rõ tâm tính cũng như tâm lý của từng người để đưa ra phương án điều trị hiệu quả cho đối tượng. Có thể nói, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần không phải là việc ai cũng làm được. Thậm chí, công việc của cán bộ, y sỹ, điều dưỡng còn chứa đựng nhiều tình huống dở khóc, dở cười. Bởi vậy, chỉ có những con người chịu khó và nhẫn nại, coi những bệnh nhân nơi đây như người thân của mình, đặc biệt phải đặt chữ tâm lên hàng đầu mới làm tốt công việc này. Chưa kể, đối với một đơn vị “non trẻ” với nhiều bộn bề, khó khăn như trung tâm thì đội ngũ cán bộ, nhân viên phải biết chia sẻ, nỗ lực mới hoàn thành nhiệm vụ được giao. 
Nhằm giúp các đối tượng được ổn định bệnh lý, bên cạnh duy trì uống thuốc đều đặn theo đúng phác đồ điều trị, Trung tâm đẩy mạnh công tác phục hồi chức năng thông qua giải pháp như: lao động trị liệu, thể thao, giải trí, hướng dẫn các đối tượng tự vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ăn ở, bảo đảm môi trường sống sạch sẽ, gọn gàng. Công tác nuôi dưỡng bệnh nhân cũng được đơn vị chú trọng với mục tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu lựa chọn lương thực, thực phẩm đến kỹ thuật chế biến, nấu nướng, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo thể trạng và bệnh lý cho các đối tượng. Nhờ đó, công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người tâm thần tại trung tâm bước đầu đã đi vào nề nếp và đạt được kết quả khả quan. Đã có một số đối tượng ổn định sức khỏe, trở về tái hòa nhập cộng đồng. 
Cảnh quan môi trường đơn vị được quy hoạch phù hợp
Tuy nhiên, mặc dù đảm nhiệm công việc khó khăn, nặng nề nhưng hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc chăm sóc, điều trị phục hồi chức năng cho người bệnh tại trung tâm chưa được đầu tư đồng bộ, còn nhiều thiếu thốn. Để đáp ứng được phần nào nhu cầu, nguyện vọng của các gia đình đối tượng trên địa bàn, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của địa phương, các sở, ngành liên quan cần quan tâm bổ sung đội ngũ cán bộ, nhân viên để thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng.
Mặt khác, quy trình chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần hầu hết là nuôi từ khi tiếp nhận cho đến lúc chết. Trong khi đó, ở trung tâm chỉ có đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội nên còn nhiều bất cập, khó khăn trong việc chăm lo chu đáo các đối tượng. Vì vậy, cùng với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, Trung tâm rất cần sự chia sẻ của toàn xã hội để giúp người bệnh sớm phục hồi chức năng và tái hòa nhập cộng đồng…
Nhằm tạo cho các đối tượng có cuộc sống an lành trong ngôi nhà chung, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, thời gian qua, Trung tâm luôn chú trọng công tác quản lý và bảo vệ môi trường thông qua việc triển khai nhiều hoạt động cụ thể như: Khi tiến hành xây dựng, sửa nhà các hạng mục cơ sở vật chất, Trung tâm đều đánh giá tác động môi trường, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh tâm thần; quy hoạch các phòng ban, khu sinh hoạt khoa học, thuận tiện, hệ thống nước thải, bể thải được bố trí xung quanh các khu nhà, đảm bảo thông thoáng, không ứ đọng gây ô nhiễm; Rác thải y tế được phân loại theo đúng quy định, thùng chứa rác thải sinh hoạt được bố trí có nắp đậy, đảm bảo không ô nhiễm môi trường. Khuôn viên Trung tâm và hành lang các khu phòng được bố trí trồng nhiều cây xanh, đảm bảo thoáng mát; sân vườn được bố trí gọn gàng, ngăn nắp; Sân chơi rộng rãi, thoáng mát thuận tiện cho các hoạt động vui chơi tập thể, đảm bảo yêu cầu thẩm mỹ xanh, sạch, đẹp, an toàn.
Với quyết tâm làm cho đơn vị có cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, cán bộ, nhân viên trung tâm đã tích cực cải tạo, xây dựng, củng cố vườn rau, vườn hoa, cây cảnh. Trong điều kiện nguồn kinh phí khó khăn, đơn vị đã huy động tối đa nội lực, phát huy tinh thần sáng tạo, “khéo tay, hay làm” của cán bộ, nhân viên để tạo ra những khóm hoa, chậu cảnh đẹp. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng quy hoạch những khu đất để tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống cho các bệnh nhân tâm thần. Đối với những bệnh nhân ổn định sức khỏe được hướng dẫn tham gia lao động trị liệu, trồng cây, nhổ cỏ, tạo khuôn viên đơn vị trong lành./.

Hồng Phượng
 
 
TAG:
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24