Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lai Châu: Nỗ lực thực hiện hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
(LĐXH)-Lai Châu là một tỉnh miền núi biên giới, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc; phía Bắc có đường biên giới dài 265,165km, tiếp giáp với 3 huyện: Lục Xuân, Giang Thành, Kim Bình - tỉnh Vân Nam - Trung Quốc; có 01 cửa khẩu quốc gia, 01 của khẩu phụ và nhiều đường tiểu ngạch, đường mòn lối mở qua lại hai bên biên giới.
Tỉnh Lai Châu có trên 46 vạn người, gồm 20 dân tộc, (trong đó trên 87% là người dân tộc thiểu số), chủ yếu sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, khu vực còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí của phần lớn dân cư còn thấp, số người không biết chữ còn nhiều, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán riêng và còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Lai Châu được xác định vừa là địa bàn nguồn, đồng thời cũng là địa bàn trung chuyển của hoạt động tội phạm mua bán người.
Trong những năm qua, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, phức tạp. Nạn nhân bị mua bán thường là đối tượng thuộc nhóm có nguy cơ cao (khó khăn về kinh tế cần tìm kiếm việc làm; có nhu cầu kết hôn với người nước ngoài, thiếu hiểu biết về pháp luật, xã hội và kỹ năng sống, nhẹ dạ, cả tin…). Đây là điểm yếu của nạn nhân dễ bị các đối tượng lợi dụng dụ dỗ, lừa gạt đưa sang Trung Quốc bán với mục đích mại dâm, kết hôn ngoài ý muốn... Đối tượng thực hiện hành vi mua bán người thường là đối tượng có tiền án, tiền sự, lưu manh chuyên nghiệp; có trường hợp từng là nạn nhân, lấy chồng Trung Quốc khi về thăm quê lại trở thành thủ phạm mua bán người. Về thủ đoạn: Bọn tội phạm thường sử dụng sim rác thông qua mạng xã hội (Zalo, Facebook, Wechat, Viber), sử dụng ảnh đại diện giả để giao lưu, kết bạn; khi đàm thoại chúng sử dụng cùng ngôn ngữ dân tộc với nạn nhân để hứa hẹn giúp đỡ, giả vờ yêu đương, tạo dựng lòng tin ban đầu, từng bước dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân để thực hiện hành vi phạm tội.
Trong hoạt động phòng, chống mua bán người, công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân được Lai Châu đặc biệt quan tâm thực hiện từ khâu nhận tin báo, xác minh, giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân cũng như công tác hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng. Tất cả các khâu luôn có sự vào cuộc của các cơ quan liên quan, chính quyền cấp cơ sở. Giai đoạn 2016-2020, lực lượng chức năng tỉnh Lai Châu đã tiếp nhận, xác minh tổng số 139 nạn nhân. Trong đó: Năm 2016 là 39 nạn nhân; Năm 2017: 41 nạn nhân; Năm 2018: 28 nạn nhân; Năm 2019: 30 nạn nhân; 6 tháng đầu năm 2020: 01 nạn nhân.
100% các nạn nhân đều bị lừa bán sang bên nước bạn Trung Quốc, (trong đó: tự trở về: 24 nạn nhân; được giải cứu: 65 nạn nhân; trao trả song phương: 18 nạn nhân; còn lại là 32 nạn nhân chưa được giải cứu hoặc chưa tự trở về).
Trong quá trình xác minh, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân cũng như trong giai đoạn điều tra, lực lượng công an tỉnh Lai Châu luôn chủ động phối hợp với các cơ quan tố tụng thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ nạn nhân, người chưa thành niên đi cùng nạn nhân và thân nhân của họ.
Sau khi được các cơ quan chức năng tiếp nhận, giải cứu, 100% các nạn nhân đều được bố trí nơi ăn, ở, nghỉ, chăm sóc sức khỏe ban đầu, quần áo, đồ dùng cá nhân, hỗ trợ tư vấn tâm lý, hỗ trợ pháp lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo cho nạn nhân những điều kiện tốt nhất chuẩn bị trở về tái hòa nhập cộng đồng.
tích cực tham gia lao động sản xuất, hòa nhập cộng đồng sau thời gian học nghề
Trên địa bàn tỉnh Lai Châu, công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tùy từng trường hợp, điều kiện cụ thể mà việc hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân có thể thực hiện ngay tại Đồn biên phòng (lực lượng giải cứu, tiếp nhận trực tiếp) hoặc được lực lượng biên phòng, công an đưa về cơ sở hỗ trợ nạn nhân của tỉnh để thực hiện. Trên địa bàn tỉnh không có cơ sở hỗ trợ nạn nhân chuyên biệt mà sử dụng Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh làm cơ sở tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và xã hội luôn Chỉ đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí để tiếp nhận đối tượng phụ nữ, trẻ em bị buôn bán trở về và hỗ trợ ban đầu cho các đối tượng trở về địa phương theo đúng quy định. Trung tâm Bảo trợ xã hội sử dụng 04 phòng có đầy đủ tủ, giường, bàn, chăn màn, vật dụng cần thiết để thực hiện công tác tiếp nhận nạn nhân.
Nạn nhân sau khi được các cơ quan chức năng giải cứu, tiếp nhận và đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội được hỗ trợ ăn, ở ngủ, nghỉ, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đồ dùng cá nhân, hỗ trợ y tế (nếu có vấn đề về sức khỏe), tư vấn tâm lý (giúp nạn nhân ổn định tâm lý). Sau khi nạn nhân đã ổn định về tâm lý, sức khỏe bình thường và có nguyện vọng trở về gia đình, Trung tâm Bảo trợ xã hội, cơ quan chức năng liên hệ với gia đình nạn nhân đến đón đồng thời hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn đường trở về với gia đình theo đúng quy định của pháp luật. Đây mới chỉ thực hiện hỗ trợ ban đầu tại cơ sở hỗ trợ, chưa hỗ trợ kinh phí tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán. Phòng Lao động - Thương binh xã hội sau khi tiếp nhận nạn nhân từ các cơ quan chức năng giao cho Hội Phụ nữ xã quản lý, thăm hỏi, tư vấn, giúp đỡ, tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho các nạn nhân để trở về tái hòa nhập cồng đồng ổn định cuộc sống. Giai đoạn 2016-2020, đã tiếp nhận, xác minh tổng số 139 nạn nhân, đưa trở về hồi hương 107 nạn nhân với số tiền đã thực hiện hỗ trợ 63,740 triệu đồng.
Nhìn chung, trong giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Lai Châu đã tích cực ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020. Riêng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội, Phòng Lao động - Thương binh xã hội các huyện, thành phố tiến hành rà soát, thống kê, những nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về địa phương, kịp thời thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật. Công tác phòng chống tội phạm mua bán người nói chung, công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân nói riêng đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở quan tâm thực hiện tốt, kịp thời giải cứu và hỗ trợ các nạn nhân về mặt tâm lý, pháp lý và hồi hương trở về hòa nhập cộng đồng. Qua đây có thể thấy, công tác hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng chỉ thực sự đạt hiệu quả khi có sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với một hệ thống giải pháp đồng bộ, trong đó lực lượng nòng cốt là: Công an, Biên phòng, Lao động Thương binh và Xã hội.
Trong thời gian tới, tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tỉnh đối với các sở, ngành thành viên, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc triển khai công tác phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân theo chức năng nhiệm vụ được phân công.
Ủy ban nhân dân các cấp đưa công tác phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân là một trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chỉ đạo thực hiện lồng ghép với các chương trình an sinh xã hội ở địa phương như Chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm; phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống ma túy, phòng, chống mại dâm. Tập trung chỉ đạo thực hiện ở các khu vực trọng điểm; ưu tiên nguồn lực cho vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.
Xây dựng cơ chế phối hợp, điều phối chung giữa các lực lượng chức năng trong công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân.
Duy trì chế độ kiểm tra, đánh giá, sơ kết tổng kết ở các cấp nhằm rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo, điều hành và nhân rộng các mô hình, phương pháp, giải pháp có hiệu quả cao./.
Mỹ Hạnh
TAG: