An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Thuận: Đẩy mạnh công tác quản lý ca trong chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng
03:04 PM 09/11/2021
Quản lý trường hợp (ca) là một quá trình trợ giúp của công tác xã hội, bao gồm các hoạt động đánh giá nhu cầu đối tượng cá nhân, gia đình, xác định, kết hợp và điều phối các nguồn lực, dịch vụ nhằm giúp đối tượng tiếp cận với các nguồn lực để giải quyết vấn đề của họ một cách hiệu quả. Mục đích của các hoạt động này là cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội giúp đối tượng có thể vượt qua những khó khăn mà họ đang gặp phải trong cuộc sống, đồng thời giúp họ tăng cường năng lực, phát triển tiềm năng bản thân để hòa nhập cộng đồng và xã hội.
Năm 2018, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tiến hành thí điểm quản lý trường hợp (ca) trên 20 trường hợp đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm và 09 trường hợp chăm sóc nuôi dưỡng tại Trung tâm đã hòa nhập cộng đồng. Qua công tác quản lý ca, bước đầu mang lại hiệu quả, giúp công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tốt hơn. Đối với các đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm, qua quá trình tiếp xúc, trò chuyện, tư vấn, tham vấn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đối tượng, hỗ trợ kịp thời các nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, phục hồi chức năng cho đối tượng. Đồng thời, các Phòng chuyên môn và Cơ sở nuôi dưỡng phối hợp, sàng lọc những đối tượng đã ổn định sức khỏe, đủ điều kiện hòa nhập cộng đồng, kết nối gia đình và địa phương, đưa đối tượng về sống tại cộng đồng, thường xuyên động viên, thăm hỏi sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày của đối tượng, tư vấn, hướng dẫn thân nhân trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tại gia đình; kết nối, phối hợp với chính quyền địa phương trợ giúp các thủ tục hưởng các chính sách an sinh xã hội tại cộng đồng.
Thăm hỏi đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng
Từ năm 2019 đến nay, kết hợp phương pháp quản lý ca với các phương pháp hỗ trợ can thiệp khác cho đối tượng đang chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm, Trung tâm đã giải quyết cho 52 trường hợp đủ điều kiện hòa nhập cộng đồng, trong đó có 21 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hòa nhập cộng đồng làm con nuôi trong nước và nước ngoài; 09 trẻ em gia đình đón về chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng; 04 người cao tuổi neo đơn; 02 người có công cách mạng; 06 người khuyết tật đặc biệt nặng khác và 10 người khuyết tật thần kinh tâm thần đặc biệt nặng sức khỏe tạm ổn định được gia đình đón về chăm sóc, nuôi dưỡng, khi về gia đình có thể tự phục vụ bản thân trong sinh hoạt hàng ngày, phụ giúp một số việc nhẹ trong nhà, tham gia lao động để tạo nguồn thu nhập như phụ bán than, làm thợ mộc, làm thanh long, bán vé số vv..
Phát huy những kết quả đạt được, Trung tâm tiến hành quản lý ca tất cả các đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm và 25 trường hợp quản lý tại cộng đồng. Định kỳ hàng năm, Trung tâm tổ chức 02 chuyến khảo sát, vận động, thăm hỏi các đối tượng sống tại trung tâm, đã hòa nhập cộng đồng và gia đình các đối tượng đang sống tại Trung tâm. Với mục tiêu thăm hỏi, động viên đối tượng và gia đình các đối tượng đã hòa nhập cộng đồng và thông báo về tình hình sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày của đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm; thăm hỏi, động viên gia đình đối tượng; tư vấn, vận động thân nhân tự nguyện đón nhận đối tượng trở về hòa nhập cộng đồng.
Qua 04 năm thực hiện, Trung tâm nhận được sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng chuyên môn, Cơ sở nuôi dưỡng trong công tác theo dõi quá trình sinh hoạt, điều trị sức khỏe và ổn định tinh thần của đối tượng; sự quan tâm và phối hợp tích cực của các gia đình, địa phương trong quá trình liên hệ công tác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thân nhân đối tượng chưa sẵn sàng tiếp nhận đối tượng hòa nhập cộng đồng, một số gia đình lo lắng về khả năng chăm sóc người tâm thần, một số gia đình còn khó khăn, chưa đảm bảo các điều kiện tiếp nhận đối tượng về cộng đồng.
Trong những năm tiếp theo, để thực hiện tốt công tác quản lý ca tại Trung tâm và cộng đồng, Trung tâm tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng, đồng thời tăng cường các hoạt động tư vấn, tham vấn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đối tượng, thường xuyên thực hiện các hoạt động can thiệp, trợ giúp, phục hồi chức năng cho đối tượng. Ngoài ra, chủ động trong công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương và gia đình, hỗ trợ đối tượng đủ điều kiện hòa nhập cộng đồng có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ công tác xã hội, ổn định cuộc sống tại gia đình, giúp họ thấy thêm yêu cuộc sống, thêm tự tin hòa nhập với cộng đồng và xã hội./.

PV
TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công