An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Trợ cấp tai nạn lao động thay đổi thế nào khi lương cơ sở tăng?
05:20 PM 18/03/2020
(LĐXH) Từ 1/7/2020, người lao động suy giảm 31% khả năng lao động được hưởng 480.000 đồng/tháng, cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 32.000 đồng/tháng. Mức trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tăng lên 480.000 đồng/ngày (tăng 33.000 đồng/ngày).
Mục đích của trợ cấp về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là nhằm bảo đảm cho người lao động trong quá trình tham gia lao động bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được điều trị ổn định để phục hồi chức năng và khả năng lao động, được bố trí công việc phù hợp, được bù đắp về vật chất và tinh thần để ổn định cuộc sống cho bản thân và gia đình khi bị mất hoàn toàn, hoặc một phần khả năng lao động.
Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một chế độ bảo đảm vật chất cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật. Người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp được người sử dụng lao động trả các khoản chi phí y tế và tiền lương từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi ổn định thương tật hoặc bệnh tật; được hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc một lần tùy thuộc vào mức độ suy giảm khả năng lao động và được tính theo mức tiền lương tối thiểu chung do Chính phủ công bố; được bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm xã hội trả.
Việc tăng lương cơ sở từ 1/7/2020 có tác động không nhỏ tới các khoản trợ cấp của người lao động, trong đó các loại trợ cấp khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng sẽ tăng.
Đối với một số trường hợp được phụ cấp phục vụ bằng 80% mức tiền lương tối thiểu hoặc được cấp phương tiện trợ giúp cho sinh hoạt phù hợp với tổn thất chức năng; được cơ quan bảo hiểm xã hội giới thiệu đi giám định lại mức độ suy giảm khả năng lao động do thương tật; được hưởng chế độ hưu trí nếu đủ điều kiện; gia đình được trợ cấp một lần bằng 24 tháng tiền lương tối thiểu và được hưởng chế độ tử tuất nếu bị chết vì tai nạn lao động.
Trợ cấp 1 lần khi suy giảm khả năng lao động từ 5 – 30% do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Theo Điều 48 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, người lao động suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 5 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở. Như vậy, đến 1/7/2020, người lao động suy giảm 5% khả năng lao động sẽ được hưởng 8 triệu đồng, cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 800.000 đồng.
Ngoài mức trợ cấp trên, người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cụ thể, dưới 1 năm tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm 1 năm đóng thì được tính thêm 0,3 tháng lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Ảnh minh họa
Trợ cấp hàng tháng khi suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Về mức trợ cấp hàng tháng đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên, khoản 2 Điều 49 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định, người lao động suy giảm 31% khả năng lao động thì hưởng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.
Từ 1/1/2020: Mức trợ cấp bằng 30% x 1,49 triệu đồng/tháng = 447.000 đồng/tháng nếu suy giảm 31% khả năng lao động; sau đó cứ suy giảm thêm 1% được hưởng thêm 2% x 1,49 triệu đồng/tháng = 29.800 đồng/tháng.
Từ 1/7/2020: Mức trợ cấp bằng 30% x 1,6 triệu đồng/tháng = 480.000 đồng/tháng nếu suy giảm 31% khả năng lao động; sau đó cứ suy giảm thêm 1% được hưởng thêm 2% x 1,6 triệu đồng/tháng = 32.000 đồng/tháng (tăng tối thiểu 33.000 đồng/tháng).
Như vậy, từ 1/1/2020, người lao động suy giảm 31% khả năng lao động được hưởng 447.000 đồng/tháng, cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 29.800 đồng/tháng. Đến 1/7/2020, người lao động suy giảm 31% khả năng lao động được hưởng 480.000 đồng/tháng, cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 32.000 đồng/tháng.
Trợ cấp phục vụ cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà liệt cột sống, mù 2 mắt, cụt liệt 2 chi hoặc bị tâm thần cũng tăng rõ rệt từ 1/7/2020.
Theo Điều 52 Luật An toàn vệ sinh lao động, ngoài mức hưởng trợ cấp hàng tháng, mỗi tháng, những lao động này còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở. Cụ thể, từ 1/1/2020, trợ cấp phục vụ là 1,49 triệu đồng/tháng, đến 1/7/2020, trợ cấp phục vụ là 1,6 triệu đồng/tháng (tăng 110.000 đồng/tháng).
Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị thương tật, bệnh tật
Về mức trợ cấp dưỡng sức dành cho người lao động trong 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi, theo Điều 54 Luật An toàn vệ sinh lao động hiện hành, mức trợ cấp mỗi ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Trong đó, người lao động được nghỉ tối đa 10 ngày nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên; 7 ngày nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 31 - 50%; 5 ngày nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 15 - 30%.
Như vậy, từ 1/1/2020, người lao động được trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 447.000 đồng/ngày. Đến 1/7/2020, mức trợ cấp tăng lên 480.000 đồng/ngày (tăng 33.000 đồng/ngày).
Mặt khác, tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề cũng tăng khi lương cơ sở tăng. Điều 55 Luật An toàn vệ sinh lao động quy định, người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới, nếu phải đào tạo để chuyển đổi nghề thì được hỗ trợ học phí. Mức hỗ trợ không quá 50% mức học phí và không quá 15 lần mức lương cơ sở.
Theo đó, từ 1/1/2020, người lao động sẽ nhận được tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề không quá 22,35 triệu đồng/người, từ 1/7/2020 là không quá 24 triệu đồng/người.
Trợ cấp 1 lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Điều 53 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định, thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp 1 lần bằng 36 lần mức lương cơ sở. Từ 1/1/2020: Mức trợ cấp bằng 36 x 1,49 triệu đồng = 53,64 triệu đồng. Từ 1/7/2020: Mức trợ cấp bằng 36 x 1,6 triệu đồng = 57,6 triệu đồng (tăng 3,96 triệu đồng). Như vậy, từ 1/7/2020, thân nhân người lao động được nhận 57,6 triệu đồng (tăng tới 3,96 triệu đồng).
Hải Uyên
TAG:
Tin khác
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững