An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Triển khai thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động
03:02 PM 26/05/2022
(LĐXH) - Chủ động phòng ngừa tai nạn lao động có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp. Thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm phòng ngừa tai nạn lao động, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.
Theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, năm 2021 trên toàn quốc đã xảy ra 5.797 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm 5.910 người bị nạn trong đó: Số vụ TNLĐ chết người: 574 vụ; Số người chết: 602 người; Số người bị thương nặng: 1.226 người. Những địa phương có nhiều người chết vì TNLĐ trong khu vực có quan hệ lao động như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Thanh Hóa, Hải Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh.
Cần thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ
Điển hình một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng (làm chết người và bị thương nhiều người) tại các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nghệ An, Hải Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Hà Nam, Bình Phước xảy ra trong các lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, điện tử. Ngoài một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đang trong quá trình điều tra, năm 2021 các địa phương báo cáo có 22 vụ TNLĐ đề nghị khởi tố, 10 vụ đã có Quyết định khởi tố của cơ quan Cảnh sát điều tra.
Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người là dệt may, da giày chiếm 14,16% tổng số vụ TNLĐ và 13,68% tổng số người chết; Lĩnh vực khai thác mỏ, khai thác khoáng sản chiếm 13,27% tổng số vụ TNLĐ và 12,82% tổng số người chết; Lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 10,61% tổng số vụ TNLĐ và 10,26% tổng số người chết; Lĩnh vực xây dựng chiếm 9,73% tổng số vụ TNLĐ và 10,26% tổng số người chết; Lĩnh vực cơ khí, luyện kim chiếm 6,19% tổng số vụ TNLĐ và 5,98% tổng số người chết; Lĩnh vực dịch vụ chiếm 6,19% tổng số vụ TNLĐ và 5,298% tổng số người chết.
 Các yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất là tai nạn giao thông chiếm 36,28% tổng số vụ TNLĐ; Ngã từ trên cao, rơi chiếm 21,24% tổng số vụ TNLĐ và 20,51%; Đổ, sập chiếm 9,73% tổng số vụ TNLĐ; Điện giật chiếm 9,73% tổng số vụ TNLĐ; Vật văng bắn, va đập chiếm 8,85% .
 Đa số các vụ TNLĐ đã được khai báo và điều tra đúng quy định. Tuy nhiên một số địa phương còn chậm gửi biên bản điều tra về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; số biên bản nhận được chỉ chiếm 23,5 % tổng số vụ TNLĐ chết người. Trong năm 2021, Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Phú Thọ, Lai Châu, Quảng Ngãi là những địa phương báo cáo kịp thời biên bản điều tra TNLĐ theo quy định về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp theo dõi.
Theo số liệu báo cáo sơ bộ của các địa phương, thiệt hại về vật chất do TNLĐ xảy ra năm 2021 như sau: chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương,... là trên 3.954 tỷ đồng (giảm 2.049 tỷ đồng so với năm 2020); thiệt hại về tài sản trên 18 tỷ đồng (tăng 14,117 tỷ đồng so với năm 2020); tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là trên 116.377 ngày (giảm 33.947 ngày so với năm 2020).
Theo báo cáo của 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc đã xảy ra 707 vụ TNLĐ làm 748 người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động bị nạn trong đó: Số vụ TNLĐ chết người: 175 vụ; Số người chết: 184 người; Số người bị thương nặng: 259 người. Các vụ TNLĐ xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thủ công, cơ khí, thương mại dịch vụ. Các địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong năm 2021 như: Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Nam, Hưng Yên, Hải Dương,...
Trong năm 2021, một số địa phương đã thực hiện gửi biên bản điều tra TNLĐ đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động như: Hà Nội, Thái Bình. Tuy nhiên, công tác điều tra TNLĐ đối với khu vực không có hợp đồng lao động chưa được triển khai đầy đủ theo quy định của pháp luật. Việc lập biên bản ghi nhận TNLĐ đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động của Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai còn rất hạn chế.
Căn cứ vào tình hình và nguyên nhân xảy ra TNLĐ trong năm 2021, để chủ động phòng ngừa và hạn chế TNLĐ trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức, người sử dụng lao động, người lao động quan tâm triển khai thực hiện tốt các nội dung: Các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng như: xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, khai thác mỏ, khoáng sản đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại, thiết bị nâng, thang máy, các công trình vui chơi công cộng có sử dụng các trò chơi tàu lượn cao tốc, đu quay, máng trượt, cáp treo... Bộ Y tế tăng cường triển khai hướng dẫn và đôn đốc việc thống kê TNLĐ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo khoản 4 Điều 36 Luật An toàn, vệ sinh lao động và Điều 25 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ và gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp theo đúng quy định.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương: Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng, chú ý đến hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp; thực hiện báo cáo TNLĐ theo Luật An toàn, vệ sinh lao động. Tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề, ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; phòng ngừa TNLĐ kết hợp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc. Tăng cường tổ chức điều tra TNLĐ đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Tăng cường triển khai công tác phòng ngừa TNLĐ với sự hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm xã hội về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tổ chức hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong việc thống kê, báo cáo TNLĐ đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động; lập biên bản ghi nhận TNLĐ đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động.
Đối với các doanh nghiệp tăng cường triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa TNLĐ do ngã cao, điện giật, vật rơi, đổ sập; tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các hội nghề nghiệp tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động, hội viên chấp hành tốt các nội quy, quy trình làm việc an toàn; sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động nhằm hạn chế đến mức thấp nhất TNLĐ, đảm bảo an toàn, sức khoẻ và tính mạng cho người lao động./.

Hồng Phượng
 
TAG:
Tin khác
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang
Việc làm bền vững từ sự chủ động kết nối cung - cầu lao động ở Kiên Giang
Huyện Con Cuông (Nghệ An) hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương