Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Triển khai chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam - ILO về Việc làm thỏa đáng 2022 - 2026
02:28 PM 25/10/2023
(LĐXH) - Ngày 25/10/2023, tại Hà Nội, Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Văn phòng ILO Việt Nam tổ chức Hội thảo thúc đẩy triển khai chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam – ILO về Việc làm thỏa đáng 2022 – 2026 nhằm lan tỏa thông tin về Chương trình Việc làm thỏa đáng của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tạo diễn đàn để Bộ LĐ-TB&XH và Văn phòng ILO Việt Nam có cơ hội lắng nghe ý kiến từ các địa phương để việc triển khai Chương trình đáp ứng yêu cầu thực tiễn hơn.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lưu Quang Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết: Chương trình nghị sự về Việc làm thỏa đáng được Tổng giám đốc Tổ chức lao động quốc tế (ILO) phát động từ năm 1999 với 4 trụ cột chính là: tạo việc làm, an sinh xã hội, thúc đẩy quyền của người lao động và đối thoại xã hội. Việc làm thỏa đáng hướng tới mục tiêu không chỉ tạo ra việc làm nhiều hơn, mà còn phải tạo ra việc làm tốt hơn, tức là người lao động được làm việc trong điều kiện lao động tốt hơn, an toàn hơn, được bảo đảm an sinh xã hội, có năng suất và thu nhập cao hơn, thực hiện mục tiêu cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và xã hội.
Ông Lưu Quang Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế phát biểu khai mạc Hội thảo
Kể từ khi Chương trình nghị sự về Việc làm thỏa đáng được ILO phát động trên toàn cầu, Việt Nam và ILO đã cùng nhau xây dựng và ký kết thực hiện 3 chu kỳ hợp tác cho giai đoạn 2006 - 2010, 2012 - 2016 và 2017 - 2021. Trong ba chu kỳ này, Chính phủ và các đối tác xã hội đã hợp tác cùng ILO tập trung vào việc cải thiện chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng thông qua phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy phát triển toàn diện, công bằng và bao trùm thông qua các chính sách xã hội, cải thiện hệ thống an sinh xã hội, chú trọng hỗ trợ các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương và tăng cường quản trị thị trường lao động.
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam đề cập đến 3 trụ cột và vấn đề ưu tiên về việc làm thỏa đáng ở Việt Nam
Trong ba chu kỳ hợp tác vừa qua, ILO đã đồng hành cùng với các đối tác ba bên của Việt Nam triển khai chương trình việc làm thỏa đáng, góp phần thúc đẩy công bằng và tiến bộ xã hội. Các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của ILO được thực hiện thông qua các chương trình, dự án hợp tác, trong đó tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật trong xây dựng chính sách, pháp luật về lao động, đào tạo tăng cường năng lực cho các đối tác ba bên ở cấp trung ương và địa phương, cung cấp và chia sẻ thông tin, tài liệu, hỗ trợ công tác nghiên cứu trong các lĩnh vực về việc làm, an sinh xã hội, tiền lương, quan hệ lao động, an toàn lao động, phát triển kỹ năng nghề...
“Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam - ILO về Việc làm thỏa đáng 2022 - 2026 là khung khổ để ILO và các đối tác ba bên sử dụng lập kế hoạch hợp tác hàng năm và huy động các nguồn lực một cách hiệu quả nhất nhằm thúc đẩy mục tiêu việc làm thỏa đáng và bền vững tại Việt Nam” - ông Lưu Quang Tuấn nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội thảo
Đồng phát biểu khai mạc Hội thảo, Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam cho biết: Chương trình Việc làm thỏa đáng được thực hiện trên toàn cầu, trong đó Việt Nam là một điểm nhấn, nhằm tạo khung khổ để các bên hợp tác và thúc đẩy hơn nữa việc làm thỏa đáng trong mỗi nước, có sự cân nhắc với điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể với sự hỗ trợ của ILO. Tại Việt Nam, trong chu kỳ hợp tác lần thứ tư giai đoạn 2022 - 2026, Bộ LĐ-TB&XH cùng các đối tác và ILO sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào 3 trụ cột và vấn đề ưu tiên là: Tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng; an sinh xã hội và bảo vệ quyền lợi của người lao động; quản trị thị trường lao động. Chương trình cũng phấn đấu đạt 10 kết quả cụ thể cần đạt được trong từng lĩnh vực phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia cũng như Chương trình nghị sự về phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Chuyên gia tư vấn trình bày về “Thúc đẩy quyền của người lao động hướng tới việc làm thỏa đáng tại Việt Nam”.
Tại Hội thảo, các chuyên gia của ILO và Việt Nam đã cung cấp thông tin khái quát về Chương trình việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022 - 2026; nỗ lực thúc đẩy việc làm thỏa đáng, gồm cả ở khu vực phi chính thức và cho lao động trẻ cũng như nỗ lực xóa bỏ lao động trẻ em và lao động cưỡng bức ở Việt Nam, đồng thời tập trung vào thảo luận ba nhóm vấn đề chính:
(1) Về các hoạt động tư vấn chính sách, gồm cả các bài học kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam trong quá trình sửa đổi luật pháp và chính sách về lao động, mà trước mắt là Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Việc làm; về giải quyết các vấn đề xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số, già hóa dân số, biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng để hướng đến xây dựng một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; và về đảm bảo chuyển đổi công bằng và bền vững, phù hợp với mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
(2) Về xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại các doanh nghiệp nhằm đảm bảo hài hòa quyền lợi của người lao động, doanh nghiệp và của xã hội.
(3) Về khả năng phê chuẩn một số công ước của ILO phù hợp với bối cảnh và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế hiệu quả hơn trong lĩnh vực lao động và xã hội.
Đức Dương
TAG:
Tin khác
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang