Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Tri ân các Anh hùng liệt sỹ tại mặt trận Vị Xuyên
07:43 AM 28/07/2020
(LĐXH)-Tháng 7 này, với lòng biết ơn và tri ân các Anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trên mặt trận Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang), các cựu chiến binh cùng nhân dân trên khắp mọi miền của đất nước đã đến thắp hương, tri ân và làm lễ cầu siêu để tưởng nhớ những người đã nằm xuống để bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.
Vị Xuyên - mảnh đất có nhiều di tích lịch sử gắn với cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc như: Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, hang Làng Lò, hang Dơi, Đài hương 468, làng Pinh… trở thành những điểm đến lịch sử, tâm linh thu hút du khách đến thăm viếng, thắp những nén hương thơm tỏ lòng thành kính trước những chiến sỹ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc.  
Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên là “ngôi nhà chung” của trên 1.800 liệt sĩ. Các liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Hằng năm cứ đến tháng 7, những người cựu chiến binh năm xưa lại cùng về thắp những nén hương thơm tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống, ai cũng vô cùng xúc động khi về với Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên.
Thắp nét tâm hương cho đồng đội đã ngã xuống tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên (ảnh Báo Hà Giang)
Tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, chúng tôi được chứng kiến nhiều tâm trạng, hình ảnh của các cựu chiến binh lặng lẽ thắp nén hương thơm cho đồng đội lên từng phần mộ. Ai cũng nghẹn ngào xúc động khi nghĩ về những năm tháng hào hùng của cuộc chiến năm xưa. Cựu chiến binh Cù Văn Thanh vừa đi từng ngôi mộ vừa hát những bài ca kháng chiến. Được biết, ông Thanh tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, là lính vận tải QT87 từ ngã ba Thanh Thủy vào khu hang Làng Lò, khu 4 hầm. Hằng năm, ông Thanh về Hà Giang từ 10 đến 20 lần để tri ân đồng đội, tặng quà cho những gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ và các cháu bị ảnh hưởng do chất độc màu da cam. Ông chia sẻ “Những ngày tri ân tháng 7, chúng tôi không biết nói gì hơn, chỉ với tấm lòng người lính thắp hương cầu mong cho các anh ở cõi vĩnh hằng được siêu sinh tịnh độ”.
Luôn trăn trở với đồng đội chiến đấu cùng mình, ông Trần Văn Hà thuộc Trung đoàn 4, Đại đội 1, Quân khu II năm nào cũng háo hức để lên với đồng đội của mình. Rưng rưng nước mắt, ông nói: “Các anh em vẫn còn rất nhiều, rơi xuống dưới khe không lấy lên được, tan xác hết không tìm thấy được”. Nói xong ông lại tiếp tục đi từng ngôi mộ thắp hương, gạt bỏ những chiếc lá rơi trên mộ và thì thầm nói những câu chuyện năm xưa.
Còn đối với cựu chiến binh Đỗ Tiến Chung, ông cùng đồng đội đã sát cánh chiến đấu anh dũng bảo vệ biên giới phía Bắc. Ông may mắn sống sót trở về, còn rất nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống, da thịt, xương máu hòa với đất mẹ. “Năm nào vào dịp 12.7, tỉnh Hà Giang đều tổ chức tri ân các Anh hùng liệt sỹ. Tôi rất phấn khởi và xúc động được trở lại nơi này để thắp nén hương thơm cho đồng đội. Cảm ơn cán bộ, nhân dân Hà Giang đã đứng ra tổ chức để chúng tôi có dịp để trở về, gặp lại đồng đội xưa và tri ân đồng đội đã ngã xuống” – ông Đỗ Tiến Chung, chia sẻ.
“Tôi tìm khắp Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, giữa hàng nghìn liệt sỹ đang an nghỉ nhưng dường như nhiều đồng chí còn chưa quy tập. Có thể đồng đội của tôi đang gửi thân xác nơi đầu non, góc núi, thung sâu, bờ khe, triền suối trên các trận địa xưa hoặc thác xuống làm tài nguyên đất nước rồi” – Thượng tá Nguyễn Xuân Vui, Lữ đoàn 146 (Đoàn Trường Sa), Bộ Tư lệnh vùng 4 – Quân chủng Hải quân (thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) không kìm được những giọt nước mắt xúc động, khi ký ức một thời đạn lửa cứ thế ùa về. Giữa mùa Hạ năm 1985, anh từ Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2 (Sư 328) đặc khu Quảng Ninh lên tăng cường cho Sư đoàn 314, đóng quân tại xã Minh Tân (Vị Xuyên). Vượt mưa bom, bão đạn, anh hiến dâng trọn vẹn tuổi trẻ cho mảnh đất Hà Giang trong cuộc chiến Bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc trước giặc phương Bắc xâm lấn bờ cõi (giai đoạn 1984 – 1989). Để rồi hôm nay, sau 35 năm, anh mới có dịp trở lại thăm chiến trường xưa. Hành trình của anh khiến chúng tôi và nhiều người chứng kiến thêm cảm phục vì khoảng cách địa lý không ngăn cách được tình đồng chí, đồng đội năm xưa của anh tại mặt trận Vị Xuyên. Anh và Đoàn cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên các tỉnh phía Nam đã vượt đoạn đường từ 1.600 đến trên 2.000 cây số để đến với Vị Xuyên, thắp hương tưởng nhớ, tri ân đồng đội đã mãi mãi không thể đoàn viên bên người thân, ngày đất nước yên tiếng súng.
Trở lại chiến trường xưa trong những ngày tháng Bảy lịch sử, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban liên lạc Cựu chiến binh toàn quốc mặt trận Vị Xuyên, xúc động nhắn gửi đồng đội đang an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên: "Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã làm tất cả những gì có thể để rà phá bom, mìn, vật liệu nổ, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ còn sót lại, đưa các anh về an nghỉ cùng đồng đội hoặc quê hương đất mẹ. Với chúng tôi, những cựu chiến binh của mặt trận Vị Xuyên năm xưa đã và đang có những hoạt động tích cực mang nghĩa tình đồng đội; tham gia tri ân, đáp nghĩa với các Anh hùng liệt sĩ, gia đình chính sách ở quê hương cũng như nơi các anh đã ngã xuống…".

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Bình: Tấm lòng vàng trong công tác bảo tồn di sản và hoạt động từ thiện
Quảng Trị: Ước tính đến hết năm 2024, hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 1.595 nhà ở cho hộ nghèo tại huyện nghèo
Lạng Sơn: Đẩy mạnh hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo
Lạng Sơn: Hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng, giúp giảm nghèo bền vững
Huyện Lộc Hà: Thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo
Huyện Bắc Sơn: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn Chương trình giảm nghèo
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam gặp mặt các nhà tài trợ đồng hành cùng trẻ em khó khăn
Phú Thọ đẩy nhanh tiến độ thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ
Hà Tĩnh: Chú trọng công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024