Trên 9,4 triệu người được hỗ trợ gạo thiếu đói do đại dịch COVID-19 trong năm 2021
(LĐXH) - Nhằm hỗ trợ kịp thời người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid - 19, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho những đối tượng yếu thế, người dân có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ ổn định cuộc sống.
Năm 2021, đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp và khó lường tại Việt Nam. Đợt bùng phát lần thứ tư từ ngày 27/4/2021 đã lan rộng ra các tỉnh, thành phố. Dịch bệnh đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Đa số các hộ gia đình bị ảnh hưởng bị giảm thu nhập từ 30% trở lên so với thời điểm trước đại dịch (tháng 12/2019); phần lớn người nghèo mất việc làm, mất sinh kế và thu nhập, không có khả năng duy trì cuộc sống sinh hoạt tối thiểu hàng ngày. Người cao tuổi, người khuyết tật khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ y tế và tham gia xã hội; hàng nghìn trẻ em (2.100 em) bị mồ côi cha/mẹ do bị chết bởi Covid-19. Tình trạng thiếu lương thực xảy ra ở các hộ gia đình dễ bị tổn thương, tổng hợp báo cáo có trên 10 triệu người cần hỗ trợ lương thực.
Hỗ trợ gạo cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Bên cạnh đó, trong năm cũng đã xảy ra 11 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, 128 trận động đất, 325 trận mưa đá, dông lốc, sét, 166 trận mưa lớn, lũ cục bộ. Trong đó, 09 trận lũ ống, lũ quét, 160 điểm sạt lở bờ sông, 11 đợt nắng nóng và 18 đợt không lạnh, gió mùa đông bắc, trong đó từ giữa tháng 9 đến tháng 11, khu vực miền Trung chịu ảnh hưởng liên tiếp của 04 cơn bão số 5, 6, 7, 8 và 06 đợt mưa lũ lớn diện rộng. Tính đến ngày 04/12/2021, thiên tai đã làm 107 người chết, mất tích, 95 người bị thương, 302 nhà sập đổ hoàn toàn, 8.925 nhà bị hư hỏng, tốc mái và các thiệt hại về chăn nuôi, trồng trọt, cơ sở hạ tầng khác. Ước tính giá trị thiệt hại hơn 4.800 tỷ đồng. Thiên tai cũng gây ra tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm và các nhu cầu thiết yếu khác cho người dân trên địa bàn, đặc biệt là người dân các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Để bảo đảm thực hiện tốt công tác trợ giúp xã hội, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, Cục Bảo trợ xã hội đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ ban hành văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Theo dõi sát tình hình, diễn biên thiên tai, dịch bệnh, rà soát, thống kê tình hình thiệt hại, số hộ, số khẩu bị thiệt hại, người chết, mất tích hoặc bị thương, các hộ có nhà đổ, sập, trôi có nguy cơ thiếu đói trên địa bàn do ảnh hưởng của mưa, bão, nhất là các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số; chủ động huy động nguồn lực địa phương để hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiếu đói; trường hợp địa phương khó khăn không tự giải quyết được thì chủ động đề nghị Trung ương hỗ trợ.
Trên cơ sở đề xuất nhu cầu hỗ trợ gạo cứu đói của 41 tỉnh, thành phố, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổng hợp, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xuất cấp tổng cộng 158.136,660 tấn gạo để hỗ trợ cho 2.715.530 hộ dân với 10.542.444 nhân khẩu, trong đó: Về hỗ trợ tết nguyên đán và thiếu đói giáp hạt: Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp 15.425,61 tấn gạo từ nguồn dự trữ Nhà nước cho 18 tỉnh để hỗ trợ 1.028.374 người (290.262 hộ). Về hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai: Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp 739,86 tấn gạo cho 49,324 người (12.957 hộ) thiếu đất lúa sản xuất vụ Hè Thu do hạn hán cho tỉnh Bình Định. Về hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19: Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp 141.971,19 tấn gạo hỗ trợ 9.464.746 người thiếu đói do đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, công tác thu dung, hỗ trợ nơi ở khẩn cấp cho người lang thang, cơ nhỡ, người không có chỗ ở tạm thời theo Công điện số 1105/CĐ-TTg ngày 27/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu dung, thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với người “lang thang, cơ nhỡ” đã được các địa phương quyết liệt triển khai trên địa bàn để xét nghiệm, phân loại, đưa vào các cơ sở trợ giúp xã hội hoặc tổ chức quản lý để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và phòng, chống dịch COVID-19. Đến nay, đã có hơn 2.000 người được thu dung đưa vào tạm thời ở các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm công tác xã hội như: Thành phố Hồ Chí Minh thu dung hơn 1.039 người, Hà Nội thu dung 133 người; Khánh Hòa thu dung 80 người; tỉnh Đồng Nai thu dung 40 người (ở thành phố Biên Hòa)…
Như vậy, với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương và sự chủ động của người dân nên đã giảm thiểu thiệt hại đáng kể về thiên tai (giảm 250 người chết, mất tích (năm 2020: 357 người); giảm 817 người bị thương (năm 2020: 912 người); giảm 3.127 nhà sập (năm 2020: 3.429 nhà sập), giảm 301.246 nhà bị hư hại (năm 2020: 333.084 nhà). Thiệt hại kinh tế giảm 35.167 tỷ đồng (năm 2020: 39.962 tỷ đồng). Đến nay, đời sống người dân cơ bản đã ổn định, không có người dân nào bị thiếu đói, không có chỗ ở. Việc cấp phát gạo được thực hiện kịp thời, đúng quy trình, đối tượng thụ hưởng./.
Hồng Phượng
TAG: