Trong đợt ảnh hưởng vừa rồi bởi bão số 3 và mưa lũ vừa rồi, các tỉnh khu vực phía Bắc bị thiệt hại và ảnh hưởng nặng nề, trong đó, trẻ em là nhóm đối tượng bị tác động nhiều mặt. Nhiều trường hợp may mắn sống sót song bị đa chấn thương nặng, chấn thương sọ não, gãy xương, chấn thương phần mềm... Số khác bị ám ảnh, sang chấn tâm lý, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng ghi nhận nhiều gia đình tử vong cả hai vợ chồng, để lại con nhỏ. Bên cạnh công tác ứng phó và khắc phục hậu quả sau thiên tai, chúng ta cần lưu ý đến việc phòng, tránh những nguy cơ rủi ro gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của trẻ em.
Trên thực tế, ngay sau thiên tai, trẻ thường trải qua khó khăn đầu tiên về mặt thể lý như nhu cầu ăn uống, nhu cầu an toàn. Tiếp theo là những khó khăn về mặt tâm lý như sự sợ hãi, lo âu và rối loạn giấc ngủ, khiến trẻ cảm thấy bất lực và không an toàn. Nếu tình trạng này được hỗ trợ kịp thời, chấn thương tâm lý (Trauma) có thể chưa được hình thành và sẽ không để lại nhiều nguy cơ.
Tuy nhiên, trong trường hợp hoàn cảnh bất ổn kéo dài, không được hỗ trợ, chia sẻ, đặc biệt với trẻ mồ côi, các em có thể hình thành sang chấn tâm lý, nguy cơ dẫn đến lo âu, trầm cảm. Các sang chấn sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt ở trẻ như cảm xúc, hành vi, suy nghĩ, cơ thể..., tác động tiêu cực đến khả năng xây dựng, duy trì các mối quan hệ, gây khó khăn trong nhiều khía cạnh cuộc sống. Đặc biệt, sang chấn có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành, để lại nhiều hậu quả. Do đó, trẻ em bị chấn thương tâm lý do thiên tai nên được điều trị qua nhiều phương pháp kết hợp để hỗ trợ phục hồi.
Trước ảnh hưởng và những nguy cơ do thiên tai ảnh hưởng đến trẻ em, các em cần được ưu tiên sự an toàn về thể chất của trẻ em và hỗ trợ y tế ngay lập tức cho trẻ em bị thương; Ưu tiên cung cấp cho trẻ nước uống sạch, thực phẩm an toàn và giữ ấm ban đêm; Ưu tiên cung cấp nước uống và môi trường nuôi dưỡng an toàn cho bà mẹ nuôi con nhỏ đang trong giai đoạn bú mẹ để đảm bảo trẻ tiếp tục được bú sữa mẹ; Cố gắng đặt trẻ ở nơi an toàn, yên tĩnh để tránh trẻ bị lạc hoặc mất ngủ do môi trường đông người; Hướng dẫn trẻ xem tin tức vì trẻ nhỏ có thể sợ hãi, sợ hãi trước những cảnh tượng được tái hiện trên màn hình tivi; Khuyến khích trẻ em bày tỏ sự quan tâm đến các nạn nhân vùng thiên tai một cách tốt nhất, không khuyến khích trẻ làm những việc vượt quá khả năng của mình; Khuyến khích, lắng nghe trẻ kể về trải nghiệm, cảm xúc bên trong khi gặp thảm họa, khuyến khích trẻ kể về nỗi sợ hãi của mình; Giúp trẻ hiểu rằng sợ hãi, sợ hãi là những phản ứng cảm xúc bình thường và để trẻ khóc, bày tỏ nỗi buồn; Bố mẹ, người chăm sóc trẻ cần nhắc nhiều lần để trẻ ghi nhớ rằng các em luôn được yêu thương, được chăm sóc để trẻ không bị tổn thương lần nữa; Cố gắng được các thành viên trong gia đình hoặc những người quen thuộc khác chăm sóc, tạo cho trẻ một môi trường sống quen thuộc càng sớm càng tốt và giữ cả gia đình ở bên nhau nhiều nhất có thể; Khôi phục thói quen hàng ngày của trẻ càng sớm càng tốt; Xử lý căng thẳng của bản thân và điều chỉnh cảm xúc kịp thời. Cảm xúc ổn định, sự tự tin mạnh mẽ và thái độ tích cực với cuộc sống sẽ khiến trẻ cảm thấy an toàn…
Đăng Doanh