Trải nghiệm du lịch cộng đồng ở Mường Lò
(LĐXH)- Trên cung đường lên Tây Bắc, du khách không thể bỏ qua Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) - một thung lũng phì nhiêu, trù phú, nổi tiếng với đặc sản chè Shan tuyết, gạo tẻ dẻo thơm từ cánh đồng Mường Lò... Nơi đây còn là mảnh đất quần cư của người Thái đen giàu bản sắc, phong tục, tập quán đậm đà với những điệu múa xòe phiêu đến mê hồn...
Nếu như những năm trước, khái niệm về du lịch cộng đồng (homestay) còn khá lạ lẫm với bà con người Thái Mường Lò thì giờ đây đã trở nên quen thuộc, hấp dẫn khách trong và ngoài nước. Hình ảnh những nếp nhà sàn bên vườn cây, ao cá xanh mát hướng ra cánh đồng Mường Lò cùng những món ăn đặc trưng mang hương vị núi rừng như thịt trâu gác bếp, xôi ngũ sắc, dế mèn chiên giòn, cùng những điệu múa xòe nồng say đã trở thành “đặc sản” của du lịch Mường Lò.
Chúng tôi có dịp về đây và nghỉ lại nhà chị Lường Thị Hồng Chung ở bản Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi. Chị - một người khó đoán tuổi, vận váy đen, áo cỏm, quàng khăn piêu, tằng cẩu tôn lên gương mặt tươi tắn, làn da trắng ngần đặc trưng của phụ nữ Thái, vóc dáng nhỏ nhắn và vô cùng duyên dáng. Giọng chị nhỏ nhẹ, lúc nào cũng nở nụ cười trên môi và xưng “em” với khách phương xa.Chị Lường Thị Hồng Chung đang giới thiệu cho du khách dịch vụ nghỉ tại nhà
Chị nói: “Người Mường Lò vốn giàu bản sắc, cánh đồng Mường Lò lại nằm ở vị thế thuận lợi trên con đường lên Tây Bắc quanh co mà hùng vĩ. Trước đây, chị em phụ nữ Thái ở đây cũng đã làm du lịch nhưng còn manh mún, chưa bài bản. Sau đó, em và một số chị đã được theo học học khóa Du lịch cộng đồng, do Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật – Du lịch Yên Bái phối hợp với Phòng Văn hóa TX Nghĩa Lộ tổ chức vào năm 2015. Được bồi dưỡng thêm về kiến thức đã giúp chị em làm du lịch cộng đồng khoa học hơn, không bị pha trộn với bất cứ đâu”.
Điều rõ ràng nhận thấy là thời gian gần đây, khách trong và ngoài nước tìm về cánh đồng Mường Lò nhiều hơn. Gia đình chị Hồng Chung năm mỗi năm đã đón khoảng 500 lượt khách quốc tế, còn khách trong nước thì hàng nghìn lượt. Du lịch cộng đồng cũng giúp chị tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 đến 3 chị em và hàng chục người theo mùa vụ.
Để phát triển hiệu quả mô hình du lịch tại nhà, chị và các thành viên trong gia đình luôn ý thức giữ gìn kiến trúc nhà sàn, phong tục tập quán của dân tộc Thái với các vật dụng mang giá trị văn hóa đặc trưng riêng của người dân bản địa như: chăn, ga, gối, đệm… sử dụng các chất liệu thổ cẩm. Kết hợp hài hòa ẩm thực truyền thống của dân tộc với những món ăn mang phong cách hiện đại, phù hợp với khẩu vị của du khách, nhất là khách du lịch là người nước ngoài; trong đó, đặc biệt coi trọng cách chế biến công phu các món ăn địa phương, tạo ấn tượng khó quên cho du khách.
“Nếu như trước đây, một vài hộ dân ở Chao Hạ làm du lịch cộng đồng theo kiểu tự phát, thì nay các kỹ năng đã dần hoàn thiện hơn, như cách bố trí nơi ăn nghỉ, đưa đón khách; hiểu được thị hiếu, sở trường, mục đích đi du lịch của khách, giới thiệu những món ăn đặc sản… Những sản phẩm du lịch đều đem văn hóa địa phương tạo điểm nhấn, từ đồ lưu niệm tới các món ẩm thực. Bên cạnh đó, chị em đã biết khai thác những truyền thống văn hóa của dân tộc và địa phương mà trước đó chưa làm được hoặc chưa nghĩ đến. Đặc biệt từ năm 2015, xòe Thái Mường Lò được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì du khách biết tới Mường Lò nhiều hơn” - chị Hồng Chung chia sẻ.
Nhắc đến xòe Thái, chị như say sưa hơn, “phiêu” hơn bởi từ thuở tóc còn xõa ngang vai, những cô gái Thái như chị đã khiến khách phương xa xiêu lòng trong những điệu xòe chen lẫn âm hưởng rộn ràng của khèn bè, pí, sáo... Chị nói: Khi mới 6 tuổi, 8 tuổi, các cô gái ở đây đã biết hát, biết xòe. Những giai điệu thiết tha, trữ tình đó đã nuôi dưỡng tâm hồn họ, và khi mái tóc đã búi lên cao hay đã điểm bạc, thì điệu khắp, điệu pí vẫn không thể thiếu được như thức ăn, nước uống trong đời sống của chị em. Múa xòe có từ bao giờ, không ai nhớ nổi.
Chỉ biết, từ xa xưa, người Thái Mường Lò đã có câu hát rằng: “Không xòe không vui/Không xòe cây ngô không ra bắp/Không xòe cây lúa không trổ bông/Không xòe trai gái không thành đôi”. Đến nay, xòe cổ nói riêng cũng như nghệ thuật xòe nói chung của đồng bào Thái ở Mường Lò đã trở một sản phẩm tinh thần không thể thiếu của cộng đồng. Hình thức nghệ thuật này không chỉ để phục vụ cho các hoạt động xã hội mà đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi người dân vùng lòng chảo này.Chị Hoàng Thị Phượng - chủ một homestay cùng những sản phẩm du lịch do chính người dân địa phương làm
Chúng tôi cùng nhóm du khách may mắn có dịp được nâng ly rượu nếp Mường Lò, rồi nắm tay nhau xòe quanh đống lửa. Ai đó nói rất đúng rằng, đến Mường Lò mà chưa được trải nghiệm trong điệu xòe nồng say với các thiếu nữ Thái thì chuyến đi ấy dường như chưa trọn vẹn.
Theo Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái, Mường Lò được người Thái Đen ở Tây Bắc Việt Nam coi là quê tổ, bởi thế đồng bào cũng quan niệm đây là nơi sản sinh ra các điệu xòe cổ, là ngọn nguồn của những vòng xòe. Mỗi khi hoàn thành một công việc trọng đại, chinh phục được thiên nhiên hay chiến thắng kẻ thù, thú dữ, mọi người lại nắm tay nhau không phân biệt nam, nữ, già, trẻ và nhảy múa ăn mừng quanh đống lửa.
Hoạt động ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần, dần dần được nâng lên cả động tác lẫn ý thức, hình thành lên các điệu xòe. Nay, những điệu "nâng khăn mời rượu”, “tung khăn”, “nắm tay”... đã trở thành “đặc sản” trong những tour du lịch cộng đồng tới Mường Lò.
Trong cuộc vui, chị Hồng Chung tiết lộ người con trai của chị vừa tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, rất đam mê nhiếp ảnh nên trở về quê và đang cùng nhóm bạn thực hiện dự án quảng bá du lịch Nghĩa Lộ tới bạn bè trong nước và quốc tế được rộng rãi hơn. Tiềm năng, lợi thế và sức hút từ du lịch cộng đồng đối với du khách, nhất là những du khách ngoại quốc đã và đang tạo lợi thế cho du lịch Mường Lò. Bà con với kỳ vọng biến Nghĩa Lộ nói chung, Mường Lò nói riêng, thành điểm dừng chân lý tưởng của du khách trong chặng đường khám phá Tây Bắc hùng vĩ và nên thơ của đất nước ta”./.
Hồng Anh
TAG: