TP Hải Phòng bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trong ngành dệt may
(LĐXH)- Thời gian qua, TP Hải Phòng đã rất coi trọng công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp may trên địa bàn, do đó không để xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc nào.
Công ty TNHH P.I.T Vina (huyện An Dương – TP Hải Phòng) là Công ty 100% vốn đầu tư Hàn Quốc. Đây là một cơ sở kinh doanh khá quy mô với những dây chuyền may hiện đại, với hàng nghìn người lao động. Công tác an toàn, vệ sinh lao động luôn được công ty đặt lên hàng đầu.
Nhà đầu tư Hàn Quốc đã nhiều lần khẳng định, lãnh đạo huyện luôn đồng hành cùng công ty; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của huyện, chính quyền các địa phương và nhiều tổ chức đoàn thể đã vận động, tuyên truyền về dự án cũng như giúp đỡ trong việc tuyển dụng lao động, huấn luyện lao động, truyền về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ, bảo đảm quyền lợi cho người lao động cũng như người sử dụng lao động.Nơi ở tập trung cho công nhân ngoại tỉnh của Công ty P.I.T Vina trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19 năm 2021
Ý thức được tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ, thời gian qua, lãnh đạo Công ty luôn đồng hành trong các hoạt động như: Lập hồ sơ theo dõi, quản lý công tác PCCC; niêm yết nội quy PCCC tại nơi dễ quan sát; thường xuyên tuyên truyền kiến thức về PCCC nhằm nâng cao ý thức của cán bộ và công nhân viên trong công ty...
Công ty cũng đã thành lập đội PCCC cơ sở, tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCC hàng năm; đầu tư mua sắm trang thiết bị PCCC như: Bình chữa cháy, máy bơm, hệ thống báo khói tự động trong nhà xưởng và các phòng, ban liên quan…
Ngoài ra, Công ty còn phối hợp với công đoàn thành lập Ban an toàn PCCC. Ban an toàn này chủ động xây dựng lịch kiểm tra và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng thời hạn, đúng quy định; đồng thời, chủ động phối hợp với các đơn vị, phòng, ban chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của cán bộ, công nhân viên trong việc thực hiện các quy định PCCC tại chỗ; hướng dẫn các đơn vị duy trì chế độ tự kiểm tra an toàn PCCC; đưa công tác tự kiểm tra trở thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa nguy cơ cháy nổ; chủ động phát hiện những sơ hở, thiếu sót về an toàn PCCC, giúp các đơn vị kịp thời có biện pháp ngăn chặn, khắc phục.
Có thể thấy, dệt may là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nước ta. Với số lượng lao động trong ngành liên tục tăng trưởng, việc đảm bảo sức khỏe cho người lao động là trọng điểm doanh nghiệp cần quan tâm, nhằm góp phần tăng năng suất lao động và bảo đảm sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Trong ngành này, người lao động thường xuyên phải làm việc trong môi trường có nhiều tác nhân độc hại như bụi, rác thải, tiếng ồn, thiếu sáng, nguy cơ cháy cao, do đó an toàn lao động trong ngành dệt may cần được các doanh nghiệp chú trọng.
Trên thực tế, người lao động ngành dệt may còn hạn chế về nhận thức các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Họ không biết hoặc không nắm được đầy đủ nên không thể đề xuất, kiến nghị với người sử dụng lao động để đảm bảo doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, hoặc người lao động biết các quy định của pháp luật nhưng đồng ý thoả thuận với người sử dụng lao động không thực hiện để được làm việc tại doanh nghiệp. Đặc biệt đối với các công nhân may, do trình độ văn hóa còn thấp nên phần lớn không biết được những quyền lợi mà pháp luật lao động quy định. Một số người lao động không sử dụng phương tiện bảo hộ đã được cung cấp, vì họ cho rằng chúng gây vướng víu trong các thao tác hoặc gây nóng bức, khó chịu…
Hải Phòng chsu trọng bảo đảm an toàn lao động trong ngành dệt may (ảnh minh họa)
Ngoài ra, bệnh nghề nghiệp của công nhân ngày càng gia tăng, một phần do các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.
Theo lãnh đạo Sở LĐTB&XH TP Hải Phòng, để bảo ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ, các doanh nghiệp cần tuyên truyền, thực hiện nhiều biện pháp để người lao động nắm được cách bảo vệ an toàn cho bản thân trong quá trình làm việc, như trang bị các phương tiện bảo hộ lao động phù hợp; kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện ATVSLĐ; tăng cường công tác tự kiểm tra đánh giá tại cơ sở nhằm phát hiện kịp thời và chấn chỉnh những sai phạm.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ theo đúng quy định, giúp công nhân phát hiện các dấu hiệu bệnh lý sớm, kịp thời có biện pháp chữa trị hiệu quả; nâng cao chất lượng bữa ăn ca, tạo môi trường làm việc tốt, phân bổ chế độ nghỉ ngơi hợp lý cho người lao động.
Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần có các biện pháp hỗ trợ để doanh nghiệp hiểu, nắm bắt được các quy định của pháp luật cũng như đánh giá được các rủi ro và phòng ngừa như: tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật về ATVSLĐ; tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm của doanh nghiệp nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động và bảo vệ quyền lợi cho người lao động./.
Minh Hạnh
TAG: