TP Hải Phòng bảo đảm an toàn lao động tại các công trình xây dựng
(LĐXH)- An toàn lao động cho người lao động làm việc tại các công trình xây dựng là việc làm quan trọng và cần thiết, bởi đặc thù của ngành nghề này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như mức độ nguy hiểm cao.
Hiện nay, tình trạng tai nạn lao động (TNLĐ) trên các công trường xây dựng cả nước nói chung, tại TP Hải Phòng nói riêng, vẫn là con số đáng quan tâm. Theo các số liệu thống kê trong nhiều năm tại nhiều địa phương, lĩnh vực thi công, xây dựng luôn có số vụ TNLĐ cao, đặc biệt là TNLĐ gây chết người xảy ra tại các công trình xây dựng dân dụng, nhà ở riêng lẻ do các thầu tư nhân hoặc các công ty xây dựng có quy mô nhỏ nhận thầu hoặc khoán lại cho các nhóm thợ tự tổ chức thi công.
Nhiều vụ tai nạn, sự cố công trình, thiết bị thi công gây hiệu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản mà một trong những nguyên nhân chính là người lao động và người sử dụng lao động đã không nhận thức tốt cũng như được đào tạo chuẩn mực về ATLĐ.(ảnh minh họa)
Ở hầu hết các báo cáo và các nghiên cứu về tình hình TNLĐ nói chung và ngành xây dựng nói riêng đều có chung nhận định, tai nạn không chỉ đơn thuần do sự cố kỹ thuật mà xuất phát từ sự chủ quan của cả chủ sử dụng lao động và người lao động.
Theo đó, các nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng chủ yếu là: Các chủ thầu không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn đối với người lao động. Không đảm bảo công tác tập huấn cho công nhân theo chuyên đề xây dựng với từng hạng mục công trình, hoặc huấn luyện ATLĐ chưa đầy đủ cho người lao động.
Trang thiết bị phục vụ cho công việc không đảm bảo ATLĐ, cũ kỹ, không đổi mới, không đáp ứng được yêu cầu của công việc; do tổ chức lao động và điều kiện lao động không đảm bảo an toàn; chủ thầu không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho lao động trong quá trình làm việc.
Trong khi đó, nhiều người lao động thiếu trình độ chuyên môn về an toàn. Các báo cáo và các nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy, tới hơn 60 - 80% công nhân ngành xây dựng chủ yếu là lao động thời vụ và lao động tự do, không được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm lao động. Vì vậy, rất nhiều người lao động chưa được tập huấn theo quy định, không nắm bắt nội quy, quy trình biện pháp làm việc an toàn, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, một số qua đào tạo nhưng chưa hiểu rõ về công tác ATVSLĐ nên việc phòng ngừa TNLĐ chưa được quan tâm.
Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước về ATLĐ tại các công trình còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Vai trò giám sát công trình, trong đó có giám sát về công tác ATLĐ của tư vấn giám sát, nhà thầu lại chưa làm hết trách nhiệm của mình nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và chính doanh nghiệp.
Có thể khẳng định, nâng cao nhận thức về ATVSLĐ là một trong những hoạt động thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nói dung, doanh nghiệp xây dựng nói riêng, với mong muốn nâng cao nhận thức và xây dựng thói quen làm việc an toàn cho người lao động lẫn chủ doanh nghiệp, từ đó hỗ trợ sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp tại TP Hải Phòng.(ảnh minh họa)
Các chuyên gia khuyến cáo, muốn hạn chế được TNLĐ trong doanh nghiệp, trước hết đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần nâng cao ý thức, văn hóa an toàn lao động trong doanh nghiệp mình. Đặc biệt, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm trước việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Hiện nay, TP Hải Phòng đang đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng. Ban Quản lý Dự án, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác quản lý đầu tư và xây dựng công trình trên địa bàn luôn xác định và nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong quá trình thực hiện những nhiệm vụ được giao.
Quá trình triển khai đảm bảo đồng bộ các biện pháp, các quy định của pháp luật nhằm nâng cao chất lượng trong công tác quản lý đầu tư và xây dựng công trình, đặc biệt bảo đảm an toàn lao động, không để xảy ra các vụ tai nạn đáng tiếc.
Các đơn vị xây dựng không nên vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi sức khỏe, tính mạng và sự an toàn của người lao động và cần tâm niệm phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường, sức khỏe và tính mạng của người lao động.
Từ đầu năm đến nay, Sở Xây dựng TP Hải Phòng đã thực hiện tốt kế hoạch thanh tra năm 2022 đã được phê duyệt; tham gia các cuộc thanh tra, kiểm tra do Thanh tra Bộ Xây dựng, Thành uỷ, UBND thành phố hoặc các ngành thực hiện (khi có yêu cầu).
Đồng thời phối hợp với Sở LĐTB&XH tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ tại các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố, chú trọng các nội dung về điều kiện khởi công, công tác quản lý chất lượng công trình, điều kiện bảo đảm an toàn, kỹ năng của người lao động…
Theo đánh giá của Sở LĐTB&XH TP Hải Phòng, khi nhận thức về công tác ATVSLĐ của cán bộ, người lao động trong doanh nghiệp xây dựng tại TP Hải Phòng được nâng lên thì trách nhiệm với công tác này của họ cũng được tăng cường. Doanh nghiệp, cơ sở cần tăng cường đầu tư, đổi mới sử dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, rà soát bổ sung nội quy, quy trình, biện pháp làm viêc an toàn, phòng chống cháy nổ.
Đối với người lao động, trước hết vì sức khỏe, tính mạng và lợi ích của chính mình, cần tuân thủ đúng các nội quy, quy trình làm việc; chủ động trang bị kiến thức, các kỹ năng làm việc an toàn để tự bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và gia đình./.
Hồng Anh
TAG: