Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Tổng kết 5 năm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội giai đoạn 2016-2020
02:57 PM 02/12/2020
Ngày 01, 02⁄12⁄2020 tại Hải Phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội giai đoạn 2016-2020 và xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2021-2025. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, Uỷ viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm và ông Trần Ngọc Tuý, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội chủ trì Hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị

Tham dự Hội nghị còn có đại diện Cục Phòng, chống ma tuý, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng; Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp; Cục Cảnh sát hình sự và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ Kế hoạch – Đầu tư và lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chi cục/Phòng phòng, chống tệ nạn xã hội, Cơ sở cai nghiện ma túy của 31 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Những kết quả đạt được

Báo cáo tại Hội nghị, ông Cao Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục PCTNXH cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại  dâm (UBQG), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) đã chủ trì, phối hợp với  các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội; xây dựng kế hoạch liên ngành để tăng cường sự phối hợp trong quá trình triển khai; chỉ đạo, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể và hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Về kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phòng, chống mại dâm: 60/63 tỉnh, thành phố có các xã, phường, thị trấn tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền và được duy trì thường xuyên (đạt 95,2%). Tổ chức 652.145 cuộc truyền thông tuyên truyền với hơn 48 triệu người tham gia (đạt 107% so với giai đoạn trước); phát 8.724.209 tài liệu tuyên truyền xuống cấp cơ sở. Đặc biệt, một số địa phương thí điểm đã triển khai việc cho vay vốn, hỗ trợ sinh kế theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 cho 21 hộ gia đình người bán dâm vay với số tiền 525 triệu đồng. Tổ chức triển khai và duy trì 113 điểm mô hình tại 21 tỉnh thành phố trên toàn quốc với 4.463 người người bán dâm tham gia. Tổng số cuộc gọi đến đường dây nóng của mô hình để được tư vấn, hỗ trợ là 2.451 lượt; 77.781 lượt người bán dâm được hỗ trợ, trong đó có 556 lượt người được tạo việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh với số tiền 457 triệu đồng; 779 lượt người được học nghề, tạo việc làm.

Các đại biểu dự Hội nghị

Lực lượng Công an các cấp đã đẩy mạnh việc xóa bỏ các ổ nhóm tổ chức mại dâm ở nơi công cộng (17.445 cuộc tại địa bàn công cộng; triệt phá 7.551 cuộc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ với 29.171 người vi phạm. Trong đó, 16.221 người bán dâm; 8.206 người mua dâm; 4.520 đối tượng chủ chứa, môi giới và 224 người bán dâm dưới 18 tuổi). Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã thụ lý và kiểm sát điều tra 2600 vụ/3340 bị can, liên quan đến mại dâm. trong đó: số vụ đã truy tố là 2515 vụ/3144 bị can; số vụ đã xét xử sơ thẩm là 2617 vụ/3254 bị can. Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý 2.991 vụ với 3.793 bị cáo phạm các tội về mại dâm (giảm 1.145 vụ, 1.612 bị cáo so với giai đoạn trước); đã giải quyết 2.924 vụ với 3.705 bị cáo , đạt tỷ lệ 97,8 % số vụ và 97,6 % số bị cáo (vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra).

Về công tác cai nghiện ma túy, cả nước hiện nay có 113 cơ sở cai nghiện, trong đó 97 cơ sở công lập và 16 cơ sở ngoài công lập. Tổ chức cai nghiện cho 172.963 lượt người, trong đó: cai nghiện tự nguyện là 64.273 lượt người; cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án là 108.690 lượt người; quản lý sau cai nghiện tại cơ sở cai nghiện: 4.023 người; tổ chức dạy văn hóa, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho 108.481 lượt người. Cai nghiện tại cơ sở ngoài công lập cho gần 4.000 lượt người.

Tổ chức cai nghiện cho 27.917 lượt người tại cộng đồng và 22.237 lượt người tại gia đình; cấp giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cai nghiện cho 31.998 lượt người.  Thành lập 4.146  Điểm tư vấn với hơn 14.000 lượt cán bộ tham gia và tổ chức tư vấn cho 103.027 lượt người nghiện và gia đình người nghiện. Tuy nhiên, hiện còn 2.422 Điểm hoạt động. Tổ chức quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng cho 116.035 người.

Tổng số lượt người được điều trị, cai nghiện ma túy dưới các hình thức là 225.963/234.620 người nghiện có hồ sơ quản lý (đạt 96,3%) vượt so với mục tiêu của đề án là 80%.

Về công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, từ năm 2016 đến tháng 7/2020, toàn quốc đã tổ chức giải cứu, tiếp nhận, xác minh gần 4.000 người, trong đó, xác định 1.715 người là nạn nhân bị mua bán; 100% nạn nhân được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật. 100% nạn nhân đã tiếp nhận được tiến hành các thủ tục xác minh, xác định nạn nhân và được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, nạn nhân còn được hỗ trợ vay vốn ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình. Một số tỉnh, thành phố xây dựng được các mô hình thí điểm hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về.

Tiếp tục kiên trì, mang tính nhân văn để vượt qua khó khăn, thách thức

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành ở Trung ương và sự vào cuộc tích cực, có hiệu quả của các địa phương trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội những năm qua.

Cục trưởng Cục PCTNXH Trần Ngọc Túy kết luận Hội nghị

Thứ trưởng nhấn mạnh, công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và mua bán người thời gian tới vẫn còn rất phức tạp, khó khăn và nhiều thách thức do tình hình tội phạm ngày càng tinh vi, manh động đòi hỏi đội ngũ những người làm công tác trong lĩnh vực này phải bám sát các mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 để triển khai trong công việc cụ thể. Tiếp tục kiên trì, vận dụng sáng tạo, đặc biệt, đây còn là nhiệm vụ mang tính nhân văn cao cả nhằm đảm bảo tốt các nhiệm vụ an sinh xã hội.

Về mục tiêu chung, Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục xây dựng và từng bước phát triển hệ thống các dịch vụ hỗ trợ xã hội chuyên biệt, đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn tối thiểu, phù hợp với các đặc điểm xã hội của người nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhận bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng; tăng cường khả năng, cơ hội tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ xã hội chuyên biệt của nhóm đối tượng này.

Đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức đoàn thể Trung ương phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐTBXH thực hiện chính sách, pháp luật và triển khai các nhiệm vụ về phòng, chống tệ nạn xã hội theo phân công của Chính phủ. Thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin giữa Bộ LĐTBXH, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan truyền thông...

Các tỉnh, thành phố cần quan tâm, bố trí nguồn lực cho công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; kiện toàn hệ thống cơ quan chuyên trách về phòng, chống tệ nạn xã hội; tăng cường công tác kiểm tra địa bàn, xử lý triệt để các tụ điểm, đường dây, tội phạm liên quan đến mại dâm, ma túy, mua bán người; tổ chức các hoạt động hỗ trợ xã hội cho nhóm người bán dâm, nạn nhân bị mua bán phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia công tác này. Tăng cường chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội./.

Như Ngọc

TAG:
Tin khác
Quảng Ngãi nâng cao năng lực cho tình nguyện viên phòng, chống mua bán người
'Tháp Eiffel bốc cháy': Cách phân biệt tin giả thời AI
Hội Cựu chiến binh quận Hà Đông tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng vốn vay tín dụng chính sách
Quảng Bình: Đề xuất một số nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2026-2030
Những khó khăn trong công tác phòng chống mua bán người và giải pháp
Quyết liệt trong phòng chống mua bán người và tăng cường hỗ trợ các dịch vụ cho nạn nhân
Nam Định: Quan tâm thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho người cao tuổi
Phát huy sức mạnh liên ngành trong công tác trẻ em
Hải Hậu triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững