Theo báo cáo của Cục Trẻ em, cả nước có khoảng 26,3 triệu trẻ em, trong đó, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định luật định ước tính chiếm khoảng 8% tổng số trẻ em. Trong năm 2018, vấn đề nổi lên là các vụ việc vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt là bạo lực, xâm hại trẻ em gây bức xúc dư luận xã hội. Qua phân tích của Cục Trẻ em và số cuộc gọi đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, những vụ xâm hại trẻ em sẽ bị tố cáo nhiều hơn do pháp luật về bảo vệ trẻ em đã quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan tiếp nhận thông tin, có dịch vụ tiếp nhận thông tin thông báo, tố giác và thông tin này được bảo mật; nhận thức của người dân về trách nhiệm lên tiếng, tố cáo những vụ xâm hại, bạo lực tăng lên. Cục Trẻ em theo dõi sát tình hình, nắm thông tin, cung cấp thông tin cho báo chí để định hướng dư luận xã hội, kịp thời chỉ đạo và kiến nghị giải quyết các vấn đề về thực hiện quyền trẻ em và các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em. Đồng thời, tiếp nhận và giải quyết kịp thời, không để tồn đọng các thông tin, yêu cầu từ trẻ em và người dân thông qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em cũng như đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến trẻ em.
“Được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong công tác chỉ đạo phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng kịp thời, nghiêm minh, bước đầu có sự phối hợp trong giải quyết các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em. Các cơ quan truyền thông tích cực tham gia, lên tiếng trong công tác phòng, chống, phát hiện các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em”, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết.
Bên cạnh đó, đến thời điểm này có thể nhận thấy quyền tham gia của trẻ em đang từng bước được quan tâm và thực hiện thông qua nhiều hình thức. Trẻ em được lấy ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản, chính sách liên quan đến trẻ em. Các mô hình: Diễn đàn trẻ em, câu lạc bộ quyền trẻ em, các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện. 5 tỉnh, thành phố thành lập Hội đồng trẻ em và các em được tham dự một số kỳ họp của HĐND tỉnh, thành phố. Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em đi vào hoạt động.
Chúc mừng những kết quả đạt được của Cục Trẻ em trong năm 2018, các đại diện từ các Cục, vụ trực thuộc Bộ cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp cho hoạt động của Cục Trẻ em trong thời gian tới. Tựu chung các ý kiến đều thể hiện sự quan tâm của các Cục, vụ liên quan với các quan điểm (10 lượt ý kiến) đều tập trung dành mọi sự quan tâm và những gì tốt nhất cho trẻ em. Công tác trẻ em là mảng công việc “nóng” song nhiều vấn đề đã được tháo gỡ. Đặc biệt, sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em, nhiều địa phương đã có chuyển biến rất tích cực như đã quan tâm bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, cộng tác viên ở cơ sở và tăng thêm ngân sách cho công tác trẻ em...; các hội nghị chuyên đề về trẻ em được tổ chức rộng khắp cả nước; bước đầu triển khai Luật trẻ em với những kết quả khả quan. Cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành từ trung ương đến địa phương đang được củng cố. Tổng đài 111 được nhiều người dân và trẻ em biết đến.
Tuy nhiên, đại diện các Cục, vụ cũng thẳng thắn có ý kiến trước một số hạn chế trong công tác trẻ em: một số địa phương, trường học chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ trẻ em đặc biệt là phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; đội ngũ người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã chậm được xác định, bố trí theo Luật Trẻ em; ngân sách dành cho quản lý Nhà nước về lĩnh vực trẻ em ở một số địa phương không hoặc bố trí rất ít; chưa đầu tư thích đáng cho hệ thống vui chơi và các thiết chế văn hóa cấp xã, thôn; công tác thanh tra trẻ em chưa mới chủ yếu tổ chức ở các cơ sở công lập, cơ sở bảo trợ xã hội, chưa mở rộng ra cộng đồng...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà ghi nhận những nỗ lực của cán bộ làm công tác trẻ em và những kết quả đã đạt được trong công tác trẻ em năm 2018. Thứ trưởng đề nghị Cục Trẻ em tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Thứ trưởng yêu cầu Cục Trẻ em phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ, cơ quan báo chí để tham mưu và xử lý nhanh những vụ việc liên quan đến trẻ em. Bên cạnh việc lên án những vụ việc vi phạm quyền trẻ em, cần đưa những gương người tốt việc tốt để truyền thông, nhân rộng trong xã hội. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp với Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để triển khai đến cơ sở việc tiếp nhận thông tin, can thiệp hỗ trợ kịp thời cho các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Cùng với đó, tổng hợp, dự báo tình hình những vấn đề trong công tác trẻ em đặt ra như bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, hỗ trợ trẻ em nghiện ma túy, trẻ em là nạn nhân mua bán người… để nghiên cứu, đề xuất xây dựng các chính sách phù hợp.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng lưu ý việc tổ chức triển khai có hiệu quả hoạt động của Ủy ban quốc gia về quyền trẻ em 2019; cần có kế hoạch tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Trẻ em và các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành./.
Nguyễn Đăng Doanh