Pháp luật
Trang chủ / Pháp luật / Pháp luật
Toàn cảnh vụ quán ăn ở Nha Trang bị tố 'chặt chém', 2 đĩa cà tím gần 4 triệu đồng
03:06 PM 05/02/2025
(LĐXH) - Hóa đơn hơn 20 triệu đồng/bữa ăn tại một quán ăn ở Nha Trang (Khánh Hoà), trong đó 2 đĩa cà tím gần 4 triệu, khiến dư luận dậy sóng. Chính quyền nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, quán ăn đóng cửa, chủ quán lên tiếng giải thích.

Quán ăn bị tố 'chặt chém' hơn 20 triệu đồng/bữa cơm

Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền hình ảnh hóa đơn tại quán ăn Aroma (đường Nguyễn Thiện Thuật, Nha Trang, Khánh Hòa), tính tiền cho một nhóm khách Trung Quốc với tổng hóa đơn hơn 20 triệu đồng. Trong đó, đáng chú ý, 2 đĩa cà tím nướng mỡ hành có giá 3,8 triệu đồng, 2 phần trứng vịt lộn 700.000 đồng, 2 đĩa rau muống xào tỏi giá 1 triệu đồng. Các món khác như phở gà/bò giá 325.000 đồng/tô, cơm trắng 250.000 đồng/phần, nước ngọt và bia 100.000 đồng/lon. Ngoài ra, quán còn tính thêm phụ thu Tết hơn 4,7 triệu đồng.

Thông tin này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận, làm dấy lên tranh cãi về giá cả tại các nhà hàng phục vụ khách du lịch ở Nha Trang.

Hóa đơn hơn 20 triệu đồng lan truyền trên mạng xã hội.

Ngày 5/2, UBND TP Nha Trang chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh vụ việc. Ghi nhận tại hiện trường, biển hiệu của nhà hàng đã bị tháo dỡ, cửa quán đóng kín. Cơ quan chức năng cùng công an đã có mặt tại quán để làm việc với chủ nhà hàng. Hiện TP Nha Trang đang thành lập tổ kiểm tra liên ngành để xử lý vụ việc.

Ông Hồ Văn Tâm, chủ quán Aroma, xác nhận hóa đơn lan truyền trên mạng là của quán mình nhưng cho rằng sự việc không hoàn toàn đúng như thông tin đang lan truyền. Theo ông Tâm, đoàn khách Trung Quốc khoảng 20 người vào quán tối 3/2. Khi gọi món, hướng dẫn viên của đoàn đã yêu cầu quán làm phần ăn đủ cho 20 người mà không quan tâm giá cả. Tuy nhiên, khi tính tiền, nhóm khách không đồng ý với hóa đơn và yêu cầu tính lại theo menu.

Sau khi thương lượng, nhóm khách chỉ thanh toán hơn 15 triệu đồng thay vì hơn 20 triệu đồng như ban đầu. Về mức giá bị cho là cao bất thường, chủ quán lý giải rằng các món ăn đều được tính theo phần lớn dành cho 20 người, không phải giá cho một suất ăn thông thường.

Ngoài ra, ông Tâm cho biết khoản phụ thu hơn 4 triệu đồng là phí phục vụ rượu thuốc, bia và trà mà khách tự mang vào quán, đã được thống nhất từ trước. Ông cũng đề cập đến việc hướng dẫn viên du lịch yêu cầu hoa hồng từ quán, nhưng do không nhận đủ tiền từ khách nên quán không đồng ý chi khoản này. Sau sự việc, hướng dẫn viên đã cắt liên lạc với quán.

Sau khi thông tin lan truyền, nhiều người đặt câu hỏi về tính minh bạch trong việc niêm yết giá của nhà hàng cũng như trách nhiệm kiểm soát giá cả tại các điểm du lịch. Trước những tranh cãi, UBND TP Nha Trang khẳng định sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.

Nhà hàng Amora đã tháo toàn bộ bảng hiệu. Ảnh: Báo Khánh Hoà

Hành vi cố tình "chặt chém" bị xử phạt thế nào?

Liên quan đến vụ việc, luật sư Hoàng Văn Hà - Công ty Luật ARC Hà Nội nhận định, việc niêm yết giá bán hàng không chỉ là quy định bắt buộc mà còn là cách để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Cụ thể, theo Luật Giá 2023, giá niêm yết phải rõ ràng, dễ hiểu và chính là mức giá cuối cùng mà khách hàng phải trả. Người bán không được phép thu thêm bất kỳ khoản nào vượt quá giá đã công khai.

Luật sư Hoàng Văn Hà - Công ty Luật ARC Hà Nội.

Nếu cố tình "chặt chém", các cơ sở kinh doanh sẽ phải đối mặt với những hình thức xử phạt nghiêm khắc như: Nếu không niêm yết giá: Cá nhân sẽ bị phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng, tổ chức từ 1-2 triệu đồng .

Nếu bán cao hơn giá niêm yết: Cá nhân vi phạm bị phạt từ 5-10 triệu đồng , tổ chức từ 10-20 triệu đồng . Ngoài ra, người bán buộc phải hoàn trả số tiền chênh lệch cho khách hàng. Trường hợp không tìm được khách hoặc khách từ chối nhận lại tiền, toàn bộ số tiền này sẽ nộp vào ngân sách nhà nước.

Với hành vi ép buộc khách trả giá cao là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản, với mức án tù từ 1-5 năm .

Luật sư Hà nhấn mạnh: "Nếu cơ quan chức năng xác định hành vi vi phạm, tùy theo mức độ, du khách sẽ được hoàn lại tiền. Đồng thời, chủ quán cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý tương ứng".

Để tránh rơi vào tình huống bị "chặt chém", người tiêu dùng nên kiểm tra kỹ giá niêm yết trước khi mua sắm hoặc sử dụng dịch vụ. Nếu phát hiện hành vi vi phạm, hãy chụp ảnh, lưu hóa đơn và báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.

Xuân Đoàn
TAG: chat chem 2 dia ca tim
Tin khác
Các trường hợp phương tiện giao thông bị từ chối kiểm định và cách xử lý
 Buộc phải dừng chuyến công tác Châu Âu vì nợ thuế
Giao xe cho con, coi chừng bị khởi tố
Liên thông dữ liệu xe vi phạm giao thông giữa đăng kiểm và CSGT
Cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm: Phạt tiền liệu có đủ răn đe?
Giao thông Hà Nội ngày đầu đi làm năm 2025: Vẫn vượt đèn đỏ
Tiền phạt vi phạm giao thông được sử dụng vào việc gì?
Những lỗi vi phạm giao thông sắp bị phạt cao hơn gấp nhiều lần
Từ 2025, thông báo phạt nguội sẽ được gửi qua ứng dụng VneTraffic