An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Tọa đàm tháo gỡ khó khăn cho quá trình khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội
12:54 PM 09/05/2017
(LĐXH)- Chiều 8/5, Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến về những vấn đề liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho quá trình khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).
Tham dự chương trình tọa đàm có các vị khách mời: ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.
Các vị khách mời tham gia chương trình tọa đàm trực tuyến
Hiện nay, tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và khởi kiện gặp khó đã gây thêm tâm lý lo ngại, hoang mang cho người lao động, việc xử lý các khoản nợ này dường như vẫn chưa có phương án giải quyết thỏa đáng. Theo Luật BHXH, từ 1/1/2016, tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện doanh nghiệp, cá nhân nợ BHXH. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm Luật BHXH có hiệu lực, tổ chức công đoàn chưa khởi kiện thành công một vụ nào. Nguyên nhân được cho là do vướng mắc về pháp lý, bất cập giữa một số quy định trong 4 bộ luật, gồm Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn và Luật Tố tụng dân sự. Bên cạnh đó, năng lực và trình độ đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở hiện nay khó có thể thực hiện việc khởi kiện, tham gia tố tụng...
Chia sẻ về thực trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH hiện nay, ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết: Mặc dù triển khai nhiều biện pháp trong thời gian qua nhưng tình trạng nợ, trốn đóng BHXH vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Cụ thể, theo số liệu Tổng cục Thuế cung cấp có khoảng gần 500 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên mới có 235 nghìn doanh nghiệp đóng BHXH, đạt khoảng 47%. Nợ đóng BHXH tính đến cuối năm 2015 khoảng gần 10 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,88% số nợ phải thu; đến cuối năm 2016, nợ BHXH có giảm còn khoảng 7.500 tỷ đồng, tương đương 3,3% số nợ phải thu, tuy nhiên, sang quý I/2017, tình hình số nợ lại tăng lên. Hiện nay, nợ BHXH diễn ra tương đối phổ biến và ở tất cả các loại hình doanh nghiệp cũng như khối cơ quan đơn vị tham gia BHXH, tập trung nhiều nhất ở khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Nguyên nhân chính là do tính tuân thủ pháp luật BHXH của chủ sử dụng lao động chưa cao, chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, chưa quan tâm đến quyền lợi BHXH đối với người lao động. Cụ thể, nợ ở khối doanh nghiệp này tính đến hết quý I/2017, một số doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền lớn, thời gian nợ kéo dài như: Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang (Thành phố Hồ Chí Mình) là 28,7 tỷ đồng, Công ty TNHH Nam Phương (Thành phố Hồ Chí Mình) gần 21 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Lilama 3 (Hà Nội) 25,4 tỷ đồng, Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment (Hà Nội) 19 tỷ đồng… Đặc biệt, điều đáng quan ngại nhất hiện nay là có khoảng 1.400 tỷ đồng nợ BHXH từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn. Số tiền này được theo dõi trên hệ thống sổ sách đã hơn 10 năm, đây là dạng “nợ treo” hầu như không thể thu hồi; trong số 1.400 tỷ đồng tiền nợ có 193.661 người lao động bị ảnh hưởng đến quyền lợi.
Nhận xét về những con số trên, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Rõ ràng chính sách của chúng ta là chính sách an sinh xã hội rất ưu việt, người lao động và chủ sử dụng lao động cũng hiểu việc đóng BHXH không những là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của người lao động. Song tình trạng nợ BHXH đang có xu hướng tăng lên và ngày càng diễn ra phức tạp hơn. Năm 2016, con số nợ BHXH giảm đi, nhưng hết quý I/2017 tăng lên 14 nghìn tỷ, chiếm gần 5% tổng số phải thu quỹ BHXH, đây thực sự là vấn đề tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động rất nghiêm trọng, do đó, chúng ta cần tăng cường các giải pháp thu nợ nguồn thu ngân sách để đảm bảo cho quỹ BHXH trong tương lai và quỹ này nếu thu được vào quỹ BHXH tập trung thì không chỉ là bảo toàn được quỹ, tăng được quỹ mà chúng ta mang đi đầu tư tăng trưởng.
Ông Bùi Sỹ Lợi chia sẻ về giải pháp khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng BHXH
Liên quan đến giải pháp thu nợ, theo Luật BHXH sửa đổi năm 2014, từ 1/1/2016, tổ chức công đoàn được giao quyền khởi kiện doanh nghiệp, cá nhân nợ BHXH. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm quy định này có hiệu lực, tổ chức công đoàn chưa khởi kiện thành công một vụ nào. Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chia sẻ: Để thực hiện các quy định của Luật BHXH thì ngay từ giữa tháng 6 chúng tôi đã ban hành hướng dẫn về quy trình khởi kiện các đơn vị trốn đóng BHXH và cũng đã tổ chức phối hợp với BHXH Việt Nam tập huấn 3 khu vực cho cán bộ công đoàn. Tiếp nữa, đã ký kết một chương trình liên tịch giữa BHXH với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về chia sẻ thông tin cũng như cung cấp hồ sơ, ký kết chương trình phối hợp với Tòa án tối cao hỗ trợ cho công tác khởi kiện. Tính đến hết tháng 1/2017, BHXH Việt Nam chuyển cho các cấp 1.177 hồ sơ, các liên đoàn lao động địa phương tiếp nhận 1.150 bộ hồ sơ và đến hết giữa tháng 2/2017 đã có 11 liên đoàn lao động cấp tỉnh, thành phố khởi kiện 77 doanh nghiệp nợ BHXH. Do chúng tôi khởi kiện nên nhiều doanh nghiệp đã tự mang tiền đến nộp cơ quan BHXH, việc khởi kiện đã đạt được thì chúng tôi rút hồ sơ. Hiện nay có 17 hồ sơ tòa án không thụ lý với lý do: không thuộc thẩm quyền giải quyết, đây là tranh chấp lao động tập thể chưa được giải quyết ở cấp chủ tịch UBND cấp quận, huyện; không có giấy ủy quyền của tập thể ủy quyền cho tổ chức công đoàn; quan điểm của toàn án tối cao cho rằng hành vi trốn đóng, nợ đóng BHXH là hành vi nghiêm cấm, khi đó chỉ xử phạt hành chính theo Luật Hành chính. Như vậy, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan BHXH mà Luật BHXH khi thanh tra thu thì phải xử lý, tức là nếu có quyết định thanh tra mà doanh nghiệp tiếp tục chây ì thì sẽ đưa ra thẩm quyền cấp cao hơn để xử lý về hành chính. Cuối cùng nếu doanh nghiệp tiếp tục chây ì thì sẽ khởi tố vụ án theo Luật hình sự.
Ông Mai Đức Chính trao đổi thông tin tại chương trình tọa đàm trực tuyến
Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, khởi kiện được kỳ vọng là công cụ để thu hồi nợ, trốn đóng BHXH. Tuy nhiên, trên thực tế công tác này, công cụ này chưa được sử dụng hiệu quả và mang lợi kết quả như kỳ vọng. Để tổ chức công đoàn khởi kiện và được toà án chấp nhận thụ lý vụ án khởi kiện, cần phải căn cứ vào Bộ luật Tố tụng dân sự, thế nhưng Luật BHXH có hiệu lực từ 1/1/2016, Bộ luật Tố tụng dân sự thì ngày 1/7/2016 mới có hiệu lực. Tiếp theo đó, Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ 1/7/2016, nhưng phải tạm dừng để chờ tới Kỳ họp Quốc hội tới đây cho ý kiến. Công đoàn có chức năng khởi kiện nợ đóng BHXH cho tổ chức công đoàn, lúc đó chúng ta nghĩ rằng công đoàn đại diện cho quyền lợi ích hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên đây là sự không đồng bộ giữa hệ thống pháp luật. Nếu Điều 7 của Luật BHXH giao cho Công đoàn được quyền khởi kiện các vụ án về BHXH, thì trong Bộ luật tố tụng dân sự chúng ta cũng phải quy định được khởi kiện. Vì pháp luật của chúng ta không đồng bộ dẫn đến tình trạng hiện nay pháp luật có quy định nhưng không thực thi được. Tôi cho rằng chúng ta phải xử lý bằng biện pháp khác. Việc chức năng thanh tra, có một phần quản lý nhà nước, thanh tra giao cho BHXH thì BHXH phải tận dụng công cụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và sắp tới Quốc hội thông qua Bộ Luật hình sự thì điều 264 và điều 265 sẽ cho phép chúng ta xử lý hình sự các tội chiếm dụng và tội trốn đóng BHXH.Các giải pháp của chúng ta ngoài việc xử phạt , truy thu thì chúng ta cũng phải có hình thức xử phạt bổ sung chắc hiệu quả sẽ tốt hơn.
Theo ông Đào Việt Ánh, hiện nay chưa có sự đồng bộ giữa Luật BHXH, Luật Tố tụng dân sự, thậm chí cả Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn. Về phía cơ quan BHXH của chúng tôi thấy thời gian qua việc khởi kiện chưa đạt được kết quả như mong muốn. Từ kinh nghiệm của BHXH Việt Nam triển khai khởi kiện trong thời gian qua, trước khi triển khai giao cho công đoàn khởi kiện, thì BHXH Việt Nam khởi kiện 8.000 vụ , tòa xử lý gần 4.000 vụ, đã thu hồi gần 9.800 tỷ đồng, qua đó người lao động được hưởng quyền lợi. Chúng tôi rất mong muốn việc khởi kiện tiếp tục được phát huy trong thời gian tới. Chúng tôi rất mong muốn Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự trong đó quy định vấn đề trốn đóng, nợ đóng BHXH có tính răn đe, như xử tù đến 7 năm và phạt tiền tới 13 tỷ đồng.
Các diễn giả tham gia trong buổi tọa đàm cũng cho rằng, để các tổ chức công đoàn thực hiện quyền khởi kiện và tham gia tố tụng các vụ án lao động, trong đó có quyền khởi kiện đơn vị nợ BHXH, trong thời gian tới cần sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía và cả sự xem xét về thực tiễn, tính linh hoạt của các quy định pháp luật. Hy vọng, sự quan tâm vào cuộc của các cơ quan quan liên, vướng mắc trong khởi kiện nợ, trốn đóng BHXH sẽ được tháo gỡ trong thời gian sớm nhất.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Vũng Liêm tích cực giải bài toán giảm nghèo bền vững
Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân Mỏ Cày Bắc giảm nghèo bền vững
Chương trình của Vinamilk hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vùng bão lũ qua Trung ương đoàn
Đề nghị trẻ em không có giấy tờ tùy thân cũng được cấp thẻ BHYT
TPHCM: Long trọng tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024”
BHXH TPHCM chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 10, qua tài khoản từ ngày 1/10
Ủy ban quốc gia về trẻ em làm việc với tỉnh Sơn La về thực hiện công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em
Huyện Can Lộc huy động hệ thống chính trị thực hiện công tác giảm nghèo bền vững
Chăm lo chu đáo cho người có công trên mảnh đất Hà Tĩnh