Sức khỏe - Đời sống
Trang chủ / Sức khỏe - Đời sống / Sức khỏe - Đời sống
Tọa đàm, phổ biến kiến thức về chẩn đoán và phòng ngừa bệnh lý về đường tiêu hóa
10:06 PM 11/05/2023
(LĐXH)- Chiều ngày 11/5/2023 tại Cung Văn hóa Hữu Nghị, Hà Nội diễn ra Chương trình Hội thảo tọa đàm, phổ biến kiến thức “Bệnh lý về đường tiêu hóa - Chẩn đoán và phòng ngừa”.
Đây là sự kiện trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 30 – VIETNAM MEDI-PHARM 2023, do Ban tổ chức triển lãm phối hợp cùng Bệnh viện Bạch Mai, Hội Chữ Thập Đỏ Thành phố Hà Nội và Công ty TNHH Morinaga Milk Việt Nam... tổ chức.
Sự kiện được tổ chức nhằm Hưởng ứng “Ngày sức khỏe tiêu hóa thế giới 29/5”, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe tiêu hóa đối với sức khỏe của người dân; với mong muốn chung tay xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh, đồng thời tuyên truyền bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; giúp người dân hiểu rõ hơn về bệnh đồng thời đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật mới trong công tác chẩn đoán điều trị bệnh...
Ban tổ chức tin tưởng chương trình sẽ thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân, giới chuyên môn và sẽ mang lại nhiều thông tin, kiến thức bổ ích giúp người dân có nhận thức đúng về ý nghĩa của tiêu hoá đối với sức khoẻ; đồng thời thông qua chương trình sẽ đẩy mạnh công tác y tế dự phòng; góp phần thực hiện chiến lược bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân.
Bệnh lý đường tiêu hóa là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, hầu hết mọi người đều có nguy cơ mắc các bệnh đường tiêu hóa; theo thống kê cho thấy 62% dân số thế giới đang gặp các vấn đề về sức khỏe tiêu hóa, có đến 40% dân số thế giới bị các vấn đề mãn tính về đường tiêu hóa, và có đến 62% dân số đang gặp phải các vấn đề liên quan đến sức khỏe tiêu hóa phổ biến như đau dạ dày, khó tiêu…
Bác sĩ, chuyên gia về đường tiêu hóa phố biến kiến thức chẩn đoán, phòng ngừa các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa
Tiêu hóa khỏe đồng nghĩa với hệ miễn dịch khỏe mạnh, là chìa khóa phòng tránh bệnh tật; tại Việt Nam, các vấn đề về sức khỏe hệ tiêu hóa còn chưa được người dân chú trọng đúng mức trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Ngoài vai trò chính giúp tiêu hóa thức ăn tạo năng lượng cho cơ thể, hệ thống tiêu hóa còn đóng vai trò rất quan trọng hỗ trợ chức năng miễn dịch bởi 70% hệ miễn dịch biểu mô của chúng ta nằm ở hệ tiêu hóa. Khi bị bệnh về đường tiêu hóa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và chất lượng cuốc sống, tuy nhiên bệnh lý này hoàn toàn có thể phòng tránh được và chữa khỏi nếu phát hiện sớm, từ đó người mắc bệnh lý sẽ có hướng điều trị, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng với lối sống lành mạnh và khoa học hơn;
Đặc điểm của đường tiêu hoá theo lứa tuổi
Bình thường, hệ tiêu hóa được chia thành từng phần bao gồm ống tiêu hóa và những cấu trúc phối hợp với từng chức năng riêng. Ống tiêu hóa gồm miệng, hầu, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, trực tràng, ống hậu môn và hậu môn. Ngoài ra còn có một số cơ quan có liên quan đến sự tiêu hoá của hệ đường ruột như những cấu trúc phối hợp gồm răng, môi, má, lưỡi, tuyến nước bọt, tụy, gan và túi mật.
Ở trẻ em, men tiêu hoá chưa được hoàn chỉnh, dạ dày nằm ngang và cao (khoảng 7-11 tuổi thì giống người lớn), gan, chiều dài ruột tương đối lớn so với người trưởng thành… Trong khi đó, ở người cao tuổi có nhiều biến đổi như giảm khối lượng dạ dày, chứa được ít thức ăn, ruột có hiện tượng teo nhỏ, số lượng cũng như hoạt lực của các men tiêu hóa giảm, vị toan tiết ra chỉ bằng 40-50% ở người trẻ tuổi. Nhu động dạ dày và ruột giảm, khả năng hấp thu thức ăn và tiêu hóa các chất cũng bị giảm nhiều hoặc cơ thành bụng và các dây chằng giữa các phủ tạng bị suy yếu.
Một số bệnh tiêu hoá thường gặp
Rối loạn tiêu hóa: Rối loạn tiêu hoá gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là trẻ em và người cao tuổi với nhiều biểu hiện như chán ăn, không muốn ăn, ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng, phân nát, phân lỏng, thậm chí táo bón hoặc tiêu chảy, đi ngoài ra máu… Hầu hết rối loạn tiêu hoá thuộc dạng nhẹ, nếu được khám bệnh sớm có thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, nếu mắc tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả, lỵ… gây ra không được điều trị đúng phác đồ thì sẽ gây biến chứng trụy mạch rất nguy hiểm...
Ngộ độc thực phẩm: Theo số liệu của Bộ Y tế thì năm 2022 tính chung trong 12 tháng năm 2022, cả nước xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc, trong đó có 18 người tử vong. Ngộ độc thực phẩm chủ yếu xẩy ra cấp tính, dữ dội với biểu hiện đau bụng, nôn, mệt lả, thậm chí truỵ tim mạch do ngộ độc độc tố của vi khuẩn hoặc hoá chất.
Bệnh lý dạ dày: Tại Việt Nam tỉ lệ người mắc bệnh dạ dày rất cao. Trên thế giới số bệnh nhân mắc bệnh dạ dày chiếm từ 5 đến 10% toàn dân số thế giới và ở nước ta con số này đã lên đến 7%. Một con số đáng nói khác là có đến 70% dân số nước ta mắc và có nguy cơ mắc các bệnh dạ dày do vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori). Bệnh lý phổ biến là viêm dạ dày mạn tính với 31% – 64% các trường hợp nội soi đường tiêu hóa. Bệnh lý dạ dày đáng sợ nhất là viêm, loét bờ cong nhỏ, tiền môn vị, môn vị hoặc hang vị là những vị trí rất dễ biến chuyển thành ung thư. Khi tình trạng bệnh trở nên xấu hơn, bệnh nhân rất dễ gặp phải biến chứng xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, ung thư dạ dày. Ngoài ra, bệnh rất dễ tái phát gây mệt mỏi, ảnh hưởng lớn đến công việc và chất lượng sống của người bệnh.
Chương trình thu hút đông đảo người dân tham gia
Hội chứng ruột kích thích (IBS): Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh này là khoảng 15-20%, phổ biến ở những người trong độ tuổi khoảng 40-60. Phụ nữ mắc bệnh IBS cao gấp hai lần so với nam giới. Hội chứng này lành tính, tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại có tác động lớn ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh; đặc trưng bởi tình trạng đau bụng tái đi tái lại, thay đổi thói quen đi tiêu, cảm giác chướng và khó chịu ở bụng. Đây là hiện tượng ruột bị rối loạn chức năng, tái đi tái lại nhiều lần mà khi người bệnh đi khám, làm các xét nghiệm đều không tìm thấy các tổn thương thực thể ở ruột. Triệu chứng chính là đau bụng (đau vùng dưới rốn, đi ngoài xong hết đau), táo bón, tiêu chảy... Bệnh gây nhiều phiền muộn lo lắng và bất tiện cho người bệnh, nhất là mỗi lúc đi xa.
Viêm đại tràng cấp và mạn tính: Viêm đại tràng cấp có thể do vi khuẩn hoặc có thể do virus hoặc do ký sinh trùng, đặc biệt là lỵ amíp (bệnh kiết lỵ). Viêm đại tràng mạn tính rất khó chữa trị gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. Biến chứng thường gặp nhất là mệt mỏi, chán ăn, ăn không tiêu, liên tục bị rối loạn tiêu hoá (phân lúc lỏng lúc rắn, thậm chí táo bón, đi ngoài có nhày, máu…) dẫn đến cơ thể bị suy kiệt.
Viêm gan B, C: Theo ước tính, có khoảng trên 10% dân số Việt Nam nhiễm hai loại virus này. Đây là virus có thể gây nên hiện tượng viêm gan mạn, dẫn đến xơ gan, ung thư gan và trở thành gánh nặng trong các bệnh viện vì bệnh gây tử vong và tiêu hao lớn về chăm sóc y tế, thuốc men. Theo thống kê năm 2022 viêm gan B là một trong những bệnh mạn tính nguy hiểm, gây ra cái chết cho hơn 600.000 người mỗi năm trên toàn thế giới. Theo thống kê, hiện nay toàn cầu có hơn 300 triệu người mắc viêm gan B, con số này không ngừng tăng lên từ 3 đến 4 triệu người mỗi năm. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm viêm gan B ước tính 8-10% dân số, nghĩa là có 8 đến 10 triệu người dân mang trong mình căn bệnh này. Viêm gan B thường ít có những biểu hiện rõ rệt trong giai đoạn đầu khiến cho người bệnh chủ quan và bỏ qua. Các triệu chứng viêm gan B xuất hiện rõ rệt khi bệnh đã tiến triển được qua một thời gian dài.
Ung thư ống tiêu hóa: Đó là các bệnh lý ung thư dạ dày, đại tràng, thực quản; theo thống kê của ngành y tế năm 2022, mỗi năm, Việt Nam có khoảng hơn 17.000 ca mắc mới và hơn 15.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh ung thư dạ dày. Với bệnh ung thư thực quản, con số mắc mới tương đương với lượng người tử vong, lên đến hàng nghìn người.
Làm thế nào để hạn chế mắc bệnh tiêu hoá ở cộng đồng?
Ăn uống lành mạnh: Trước hết để tránh mắc các bệnh do ngộ độc thực phẩm làm ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ, năng suất lao động, học tập và công tác cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thật tốt, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực hiện ăn chín, uống nước đã đun sôi, không ăn tiết canh, rau sống, nem chua, nem chạo, gỏi cá…, không lạm dụng rượu, bia hoặc không lạm dụng các loại chất kích thích chua, cay (ớt, dấm, mù tạt…).
Cách ăn để tránh mắc bệnh dạ dày: Ăn uống cần điều độ, ăn chậm, nhai kỹ, ăn xong không nên nằm ngay, nên ăn nhiều rau, ăn thêm trái cây, uống đủ lượng nước cần thiết (1,5 – 2,0 lít/ ngày).
Vận động: Hàng ngày nên vận động cơ thể đều đặn, thường xuyên với những phương thức phù hợp với điều kiện và sức khoẻ của mình để làm cho khí huyết luôn được lưu thông, tiêu hoá tốt như đi bộ, bơi, chơi cầu lông…
Khi nghi ngờ mắc bệnh: Người bệnh cần đi khám bệnh ở cơ sở y tế càng sớm càng tốt, không nên để người không có chuyên môn về y học khám và điều trị.

Từ năm 2004, Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 29/5 bởi Tổ chức Tiêu hóa Thế giới (WGO) phối hợp với Quỹ WGO (WGOF), nhằm nâng cao nhận thức chung của cộng đồng về vai trò của hệ tiêu hóa đối với sức khỏe, cũng như cách phòng ngừa, chẩn đoán, quản lý và điều trị các bệnh và/ hoặc tình trạng rối loạn tiêu hóa.

Thảo Lan


TAG: Bệnh lý về đường tiêu hóa Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y dược Việt Nam lần thứ 30 VIETNAM MEDI-PHARM 2023
Tin khác
Hà Nội: Gia tăng số ca mắc sởi, nguy cơ lây lan rộng
Ngày 3/1, Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới
Prudential khởi động Chương trình “Tăng cường sức khỏe chủ động” nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và kỹ năng phòng chống dịch bệnh
Hoa hậu Kim Hồng mong bình an đến với mọi người trong năm mới
Những sa ngã khiến tan cửa nát nhà từ cuộc vui họp lớp
Roche Việt Nam khánh thành hệ thống tự động hoàn toàn cho phòng xét nghiệm
Người trẻ loay hoay trước lệnh cấm thuốc lá điện tử
Thúc đẩy điều trị toàn diện trong quản lý Hen phế quản tại Việt Nam
Đằng sau công ty bán giá đỗ ngâm hóa chất cho Bách Hóa Xanh