Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Tích cực triển khai các mô hình hỗ trợ người bán dâm
03:35 PM 09/11/2023
(LĐXH)-Trong những năm gần đây, đi đôi với phát triển kinh tế, xã hội, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Đặc biệt thành phố Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ là những địa phương phát triển du lịch biển và dịch vụ cảng đã thu hút nhiều khách du lịch, các nhà đầu tư từ các nơi đến tham quan, nghỉ dưỡng, kinh doanh, cùng với đó là sự phát triển của các dịch vụ kinh doanh có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn xã hội nói chung và tệ nạn mại dâm nói riêng.
Hướng tới người bán dâm
Theo thống kê năm 2023, có khoảng  2.749 cơ sở kinh doanh dịch vụ, gồm: 05 vũ trường, 41 quán bar - beer club, 1.622 khách sạn và nhà nghỉ, 21/140 cơ sở  massage và 23/338 cơ sở karaoke nghi vấn có hoạt động mại dâm.  Số người bán dâm ước tính là 250 người, trong đó 52 người đã được các cơ quan chức năng thống kê, quản lý.
Phương thức, thủ đoạn hoạt động mại dâm trên địa bàn chưa có yếu tố mới, nhưng vẫn tồn tại cả thủ đoạn truyền thống và thủ đoạn lợi dụng không gian mạng để hoạt động. Đối với hoạt động mại dâm truyền thống chủ yếu xảy ra ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện như các cơ sở lưu trú, massage, cà phê “đèn mờ”. Đối với hoạt động môi giới mại dâm trên không gian mạng, các đối tượng sử dụng các trang website, mạng xã hội (zalo, telegram, facebook, instagram…) lập các “nhóm kín” nên không bị giới hạn về thông tin, hình ảnh, không gian, địa điểm địa lý để tìm kiếm khách và chào mời đến các nhà nghỉ, khách sạn để thực hiện việc môi giới, mua dâm và bán dâm.
Đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiến hành kiểm tra một khách sạn
Trong 20 năm qua (2003 – 2023), UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về việc triển khai, thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh hằng năm và giai đoạn, qua đó đã chỉ đạo kịp thời đến các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, thị xã, Ban chỉ đạo 138 các cấp thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống tệ nạn mại dâm, xác định công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm là một nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, với quan điểm nghiêm cấm mại dâm dưới mọi hình thức.
Các sở ban, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ sở đã tổ chức, phối hợp tổ chức 6.130 lớp hội nghị, tập huấn tuyên truyền về phòng chống tệ nạn mại dâm cho 910.000 lượt đại biểu là cán bộ tổ trưởng tổ địa bàn dân cư, tuyên truyền viên, hội viên hội phụ nữ, giáo viên học sinh các cấp tham dự trực tiếp, với các nội dung tuyên truyền như: phổ biến các văn bản pháp luật, Nghị quyết, Chỉ thị, kế hoạch… của Trung ương và địa phương.
Đồng thời, in ấn và cấp phát hơn 1.500.000 cuối tài liệu, tờ rơi tuyên truyền về phòng chống mại dâm lồng ghép với ma túy, tội phạm đến cán bộ, nhân dân và trang bị cho tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, thành lập các Câu lạc bộ về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội tại các địa bàn dân cư. Thông qua các thành viên câu lạc bộ tổ chức tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ về phòng ngừa tệ nạn mại dâm, an toàn tình dục, phòng ngừa lây truyền HIV/AIDS. Bên cạnh đó thông qua các hoạt động can thiệp giảm hại trên đối tượng là gái bán dâm, ngành y tế đã cấp phát 440.000 bao cao su.
Công tác kiểm tra, quản lý giữ vững địa bàn trong 20 năm qua cũng được quan tâm. Đội kiểm tra liên ngành các cấp đã tổ chức, phối hợp tổ chức kiểm tra hơn 27.500 lượt các cơ sở kinh doanh dịch vụ (các nhà hàng karaokê, cơ sở xông hơi xoa bóp, vũ trường, quán bar...), phát hiện hơn 2.710 lượt cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm, lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 7.7 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2003-2023, ngành Tòa án nhân dân đã thụ lý 214 vụ/284bị cáo phạm các tội về mại dâm, đã giải quyết 214 vụ/284 bị cáo (Trong đó: Trả hồ sơ 11 vụ/ 13 bị cáo; xét xử 203 vụ/271 bị cáo).
Đặc biệt, từ năm 2017,  Sở LĐ – TBXH đã chỉ đạo triển khai các mô hình hoạt động can thiệp giảm tác hại đối với người bán dâm, cụ thể:
(1) Mô hình thí điểm can thiệp giảm tác hại cho người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí trên địa bàn thành phố Vũng Tàu. Qua đó, phối hợp với Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh và các cơ quan liên quan tại thành phố Vũng Tàu tổ chức 05 lớp hội nghị, tuyên truyền phòng, chống mại dâm, các quy định của Pháp luật về lao động, xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm; các kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho gần 500 người là chủ cơ sở, nhân viên và các ban, ngành, đoàn thể tham dự. 
(2) Mô hình cơ sở hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng triển khai tại huyện Tân Thành, Long Điền, mỗi địa phương 01 mô hình với 10 người là người bán dâm hoàn lương, thành viên các nhóm đồng đẳng tự nguyện tham gia. Tại mỗi địa phương tổ chức duy trì sinh hoạt nhóm định kỳ hàng tháng với 20 người/đợt/nhóm. Hoạt động của mô hình tập trung tuyên truyền, tư vấn phòng, chống mại dâm và phòng, chống HIV/AIDS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các biện pháp phòng tránh; vận động và kết nối chủ và nhân viên các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí với các cơ sở khám chữa bệnh.
Từ năm 2019, 2020 triển khai thí điểm hỗ trợ người bán dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm: Mô hình Hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đằng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng chống bạo lực giới; Cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội tại thị xã Phú Mỹ với sự tham gia của nhóm đồng đẳng câu lạc bộ Bình Đẳng Giới (08 thành viên: 03 lãnh đạo nhóm, 05 tiếp cận viên); Mô hình hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm tại Tp.Vũng Tàu với sự tham gia của nhóm đồng đẳng câu lạc bộ Chúng Tôi là phụ nữ (08 thành viên: 03 lãnh đạo nhóm, 05 tiếp cận viên).
Tiếp tục các giải pháp đồng bộ
Mặc dù đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, song tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bán dâm vẫn còn, làm ảnh hướng lớn đến việc tiếp cận dịch vụ y tế, giấu bệnh của các đối tượng nguy cơ cao và người nhiễm HIV, góp phần lây lan dịch HIV trong cộng đồng.
Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm ở cơ sở còn mỏng, chưa bố trí được định biên chuyên trách nên chưa phát huy được vai trò tham mưu cho chính quyền địa phương; công tác thông tin báo cáo một số địa phương chưa kịp thời, phản ánh không đầy đủ tình hình, khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống mại dâm để có biện pháp giải quyết kịp thời.
Công tác phối hợp quản lý, giáo dục, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm còn gặp nhiều khó khăn, nhất là người bán dâm nhiễm HIV không có nơi cư trú ổn định, chưa việc làm phù hợp...
Trước yêu cầu mới trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, các cấp, các ngành của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước ở địa phương. Trong đó, tập trung các nội dung cơ bản sau:
- Tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp xác định công tác phòng, chống mại dâm là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên trong chương trình công tác và là một trong những chỉ tiêu để đánh giá kết quả công tác hàng năm, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm lồng ghép với việc thực hiện các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nhằm ngăn chặn, kiềm chế tệ nạn mại dâm, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
- Tổ chức thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống mại dâm trong tình hình hiện nay; Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động tham mưu, xây dựng Kế hoạch phòng, chống tệ nạn mại dâm với các biện pháp, giải pháp đồng bộ, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm.
- Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống mại dâm; đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền để thu hút giới trẻ, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, qua mạng internet và các trang mạng xã hội; các hình thức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, tại các khu công nghiệp, trường học… phù hợp với các nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và ý thức trách nhiệm, tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm của cộng đồng.
- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.
- Lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng là nòng cốt trong việc đấu tranh triệt phá, mở các đợt cao điểm tấn công, truy quét các tụ điểm, ổ nhóm, đường dây tổ chức hoạt động mại dâm, các đường dây mua bán phụ nữ, trẻ em. Phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng tội phạm mại dâm một cách kịp thời, nghiêm minh nhằm tăng tính răn đe, giáo dục trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm.
- Thường xuyên đào tạo tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay./.
Ngọc Anh
 
 
 
 
TAG: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Tin khác
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật
Nữ doanh nhân Phượng Hồng Kông: Hỗ trợ người nghèo bằng trái tim nhân ái
Đắk Nông kiềm chế, tiến tới đẩy lùi những hiểm họa và hệ lụy do tội phạm ma túy
Long Phước: Ấp Tập Phước đón nhận Khu dân cư nông thôn mới
Tập huấn đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, văn hóa công vụ trong cơ quan
Huyện Lục Nam (Bắc Giang) hoàn thành hỗ trợ 38 nhà ở cho người có công
Tác động của chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục đối với học sinh nghèo ở Định Hóa