Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Tín dụng nhỏ cho 4 nhóm yếu thế - Một chính sách mang ý nghĩa nhân văn tốt đẹp
10:31 AM 19/01/2018
(LĐXH)-Ngày 19/1/2018, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tổ chức Hội nghị Sơ kết 02 năm thực hiện Quyết định 29/2014/QĐ-TTg về tín dụng đối với người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị thay thế, người bán dâm. Đồng chí Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục Phòng, chống Tệ nạn Xã hội và đồng chí Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội đồng chủ trì hội nghị.
Cục trưởng Cục Phòng, chống Tệ nạn Xã hội Nguyễn Xuân Lập phát biểu tại hội nghị
Tham dự, còn có đại biểu của các Bộ, ngành Trung ương, đại diện một số Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách Xã hội cấp tỉnh, huyện, Tổ Tiết kiệm và Vay vốn một số xã, Đội tình nguyện xã hội, người vay vốn của 15 tỉnh, thành phố thuộc diện thí điểm thực hiện Quyết định.
Trình bày báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện thí điểm Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg, ông Lê Đức Hiền - Cục Phó Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội cho biết: Quyết định số 29 ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/6/2014. Theo đó, hộ được vay tối đa 30 triệu đồng, cá nhân 20 triệu đồng với thời hạn vay tối đa 60 tháng. Lãi suất cho vay 6,5%/năm. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất cho vay. Giai đoạn 2014-2016 thực hiện thí điểm tại 15 tỉnh, thành phố với thời hạn cho vay vốn tối đa là 36 tháng.
Sau gần 2 năm kể từ ngày Quyết định 29 có hiệu lực thi hành mới bố trí được vốn vay sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Bộ Tài chính trên cơ sở các báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Do vậy, thời gian thí điểm kéo dài đến hết ngày 31/12/2017.
Ngân hàng Chính sách Xã hội  đã phê duyệt tổng kinh phí cho vay năm 2016 là 30 tỷ đồng, năm 2017 là 24,132 tỷ đồng. Từ tháng 7/2016 đến hết tháng 12/2017, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội 15 tỉnh, thành phố đã giải ngân cho 504 cá nhân, hộ gia đình vay với tổng số vốn là 12,883 tỷ đồng. Trong đó, số khách hàng chủ yếu là hộ gia đình người sau cai nghiện ma túy 246/504 hồ sơ (48,8%), tiếp đến là cá nhân, hộ gia đình người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế 150/504 (29,76%); cá nhân, hộ gia đình người nhiễm HIV 84/504 (16,66%). Cá nhân, hộ gia đình người bán dâm hoàn lương vay vốn chiếm tỷ lệ thấp nhất 21/504 (4,16%).
Cục Phó Cục Phòng, chống Tệ nạn Xã hội Lê Đức Hiền trình bày tóm tắt
kết quả 2 năm thực hiện Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg

Số vốn các cá nhân và hộ gia đình vay chủ yếu được sử dụng để chăn nuôi (lợn, gà, bò, cá, tôm…), trồng cây (cây ăn quả, hoa…), mở cửa hàng tạp hóa, mua sắm phương tiện, trang thiết bị để kinh doanh buôn bán nhỏ, bán cơm, chạy xe ôm, cắt tóc gội đầu… Và tất cả cá nhân, hộ gia đình đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả lãi hàng tháng đúng quy định.
Trong số 504 khách hàng vay vốn, có 44 cá nhân, hộ gia đình đã hoàn trả vốn vay và chưa có trường hợp nào trả vốn và lãi quá thời hạn. Số tiền dư nợ tính đến 31/12/2017  là 11,218 tỷ đồng, tỷ lệ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch là 49,46%.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội cho biết: Chính sách tín dụng nhỏ cho 4 nhóm yếu thế này là một bước đột phá, mang đậm tính nhân văn của Nhà nước ta, mang lại lợi ích không những cho bản thân người yếu thế mà còn mang tính xã hội sâu sắc. Kết quả bước đầu của chính sách vay vốn này đã có tác động tích cực đến công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, ma túy, mại dâm: giúp những nhóm đối tượng này tạo việc làm, có thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, lấy lại được niềm tin của gia đình và cộng đồng. Nhiều người trong số đó tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, tham gia tuyên truyền, vận động những người cùng cảnh ngộ phấn đấu vươn lên, góp phần giảm kì thị đối với nhóm người yếu thế; giảm tỷ lệ tái nghiện, tái phạm ở những người được vay vốn và góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội tại địa bàn, cơ sở. Điển hình như hộ gia đình người sau cai nghiện ma túy Từ Văn Chì, sinh năm 1980, ngụ tại ấp 4, xã Phong Thạnh Tây B, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Được sự hướng dẫn của cán bộ phòng, chống tệ nạn xã hội và công an xã, hộ gia đình anh Chì đã làm thủ tục hồ sơ vay vốn và được vay 30 triệu đồng. Anh Chì đã đầu tư tiền được vay vào việc cải tạo lại vuông tôm, cua của gia đình và nuôi thả tôm giống, làm chuồng nuôi heo. Nhờ thu nhập từ việc nuôi tôm, cua, heo, kinh tế gia đình anh được cải thiện, cuộc sống gia đình bớt khó khăn; sức khỏe bản thân được nâng lên, tâm trạng vui vẻ. Bản thân anh Chì tích cực tham gia các hoạt động truyền thông, tư vấn, giúp đỡ người cùng cảnh ngộ vươn lên, ổn định cuộc sống.
Toàn cảnh hội nghị
Có thê nói, những nơi cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, huy định cơ quan, đoàn thể, nhân dân vào cuộc thì ở đó việc triển khai thực hiện Quyết định 29 được thuận lợi và nhiều người yếu thế được tiếp cận với vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Song ở một số nơi vẫn có nhiều người, đặc biệt là cá nhân và hộ gia đình thuộc đối tượng vay vốn chưa biết đến chính sách này, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc, miền núi. Ở một số nơi chưa thật sự tin tưởng người vay nên trong quá trình xác nhận, bình xét cho đối tượng yếu thế vay, ít nhiều vẫn e ngại, không tạo điều kiện cho người vay. Cá biệt có nơi trả lời với người vay rằng hết vốn hoặc kế hoạch kinh doanh của họ không khả thi để không giải quyết cho vay. Cho 4 nhóm đặc thù vay nhưng trình tự, thủ tục cho vay giống như hoặc khắt khe hơn cho đối tượng người nghèo vay. Việc thông báo công khai danh sách đối tượng vay vốn tại Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn ít nhiều làm cho người được vay vốn mặc cảm, e ngại không dám tiếp cận nguồn vốn vay, nhất là người nhiễm HIV/AIDS, người bán dâm hoàn lương.
Để tăng số người được vay vốn của Nhà nước và sử dụng hiệu quả, trong thời gian tới cần thực hiện bổ sung nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt tăng cường và đổi mới tuyên truyền, phổ biến Quyết định 29 đến từng cộng đồng và người yếu thế để họ biết và hiểu rõ cũng như mạnh dạn, tự tin làm hồ sơ vay vốn để phát triển sinh kế nhằm ổn định cuộc sống, tránh tái nghiện, tái phạm. Bên cạnh đó, tăng mức vốn cho vay cho phù hợp với mức cho vay hộ nghèo hiện nay; mở rộng mục đích vay vốn: vay để khám chữa bệnh, học tập của con cái, giải quyết những nhu cầu thiết yếu; Nghiên cứu, thí điểm việc đơn giản hóa thủ tục cho vay, nhất là đối với người nhiễm HIV và người bán dâm tạo điều kiện cho nhiều người yếu thế tiếp cận với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước...

Mỹ Hạnh

 

 

TAG:
Tin khác
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật