An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Tín dụng chính sách xã hội giúp giảm nghèo bền vững ở Bắc Giang
10:50 AM 19/09/2020
(LĐXH) – Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, khoảng 25 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có điều kiện để phát triển sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi… từ đó, thoát nghèo và tiếp tục vươn lên làm giàu chính đáng.
Ông Ngô Gia Quát - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Bắc Giang cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã chú trọng nâng cao toàn diện chất lượng tín dụng, phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác xử lý thu hồi nợ quá hạn, nợ đi khỏi nơi cư trú, lãi tồn đọng. Đồng thời, thực hiện tốt hoạt động ủy thác cho vay: tăng cường kiểm tra, giám sát, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn. Bên cạnh đó, thực hiện tốt bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng, thiết lập hồ sơ đúng quy định, kiểm tra sử dụng vốn cho vay kịp thời.
Ngoài ra, đơn vị tăng cường truyền thông, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ, hoạt động giao dịch xã, các giải pháp điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung, xử lý nợ rủi ro và các giải pháp khác nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra.
Ngân hàng cũng phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách.
Nghề nuôi ong giúp nhiều hộ gia đình tại Sơn Động thoát nghèo 
Trong 8 tháng đầu năm 2020, doanh số cho vay vốn chính sách ở Bắc Giang đạt 1.112 tỷ đồng với 25.309 khách hàng và mức vay bình quân xấp xỉ đạt 44 triệu đồng/hộ, nâng tổng dư nợ của NHCSXH tính đến ngày 31/8/2020 lên gần 4.600 tỷ đồng, tăng 259 tỷ đồng so với 31/12/2019, hoàn thành 94% kế hoạch năm, trong đó có 4/9 huyện (Lục Ngạn, Lục Nam, Hiệp Hòa, Sơn Động) tăng trưởng dư nợ cao từ trên 500 đến 600 tỷ đồng, còn lại 5 huyện đều có mức dư nợ trên 400 tỷ đồng.
Cùng với đó, doanh số thu nợ 8 tháng qua được 852 tỷ đồng, tạo điều kiện cho NHCSXH chủ động giải ngân cho vay quay vòng nhanh, không để tồn đọng vốn và giảm tỷ lệ nợ quá hạn, chỉ còn 0,06% so với tổng dư nợ.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, gần 25 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn toàn tỉnh phát triển sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, bộ mặt nông thôn được cải thiện….Trong đó, hơn 11 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn, hơn 4 nghìn hộ vay vốn chương trình hộ SXKD vùng khó khăn, trên 17 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng mới và cải tạo, hỗ trợ xây mới, 225 căn nhà cho hộ nghèo được sửa chữa, 141 căn nhà ở xã hội được xây dựng…
Đặc biệt, vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 - 2020, đạt đồng đều và vượt các chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 2,23%, riêng các xã đặc biệt khó khăn và huyện 30a giảm đến 4-5% năm, vượt cao hơn kết quả cả nước.
Huyện Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh được hưởng lợi nhiều từ nguồn vốn tín dụng chính sách, với 2.910 hộ nghèo và các cộng đồng dân cư được vay vốn để phát triển làm kinh tế đồi rừng, cải thiện cuộc sống. Tiêu biểu gia đình bà Hồ Thị Linh ở thôn Mỏ, thị trấn An Châu. Nhờ 50 triệu vốn vay từ chương trình tín dụng sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, đến nay bà Linh đã phủ xanh cả quả đồi trọc bằng cây keo lá chàm, mang lại nguồn thu nhập kha khá. Bà Linh cho biết, 5 năm trước, gia đình bà được vay vốn mua cây giống, phân bón trồng 2ha rừng. Do tuân thủ đúng kỹ thuật hướng dẫn của cán bộ huyện, đến nay, rừng cây cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó gia đình bà còn được hỗ trợ kinh phí để xây dựng, cải tạo nhà ở theo Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn nên đã giúp gia đình bà thoát hết nghèo.
Cũng như gia đình bà Linh, gia đình ông Chu Xuân Tuyên, sinh năm 1958, dân tộc Tày và nhiều hộ dân ở thôn Đồng Chu, xã Yên Định trước năm 2018 gia đình eo hẹp, quy mô chăn nuôi ong nhỏ lẻ, không có điều kiện nâng số lượng đàn. Thế nhưng, năm 2018, ông Tuyên được vay vốn chính sách và vốn chương trình 30a, ông mở rộng sản xuất lên hơn 200 đàn ong. Ngay khi năm đầu tiên phát triển đàn ong, ông thu được 200 lít mật. Năm 2019 đàn ong đã mang lại cho gia đình ông hơn 300 lít mật.
Với giá bán 150 nghìn đồng/lít, nuôi ong vốn ít, lãi nhiều, tận dụng thế mạnh của miền núi, vùng cao có diện tích rừng lớn nên nghề này rất phù hợp với những hộ nghèo. Bên cạnh đó, sản phẩm mật ong của ông Tuyên được thương lái đến tận nhà thu mua nên thu nhập từ mật ong tăng lên đáng kể.
Sản phẩm Mật ong rừng của HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động được nhiều khách hàng ưu chuộng
Hay như ở xã Kim Sơn, có 100% số dân là đồng bào DTTS nhờ hơn 30 tỷ đồng vốn chính sách sau 5 năm đã giảm số hộ nghèo từ 78,7% (năm 2014), xuống còn 37,8% (cuối năm 2019), nhiều hộ có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Trong đó phải kể đến gia đình ông bà Quốc Việt thôn Đồng Răng đã sử dụng 85 triệu vay từ hai chương trình tín dụng hộ nghèo, cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đã trồng rừng nguyên liệu, nuôi bò thương phẩm, thu nhập ổn định đạt 300 triệu đồng/năm, đạt danh hiệu thi đua nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.
Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã mang lại nhiều đổi thay đối với các vùng quê nghèo của tỉnh Bắc Giang, giúp các hộ nghèo nơi đây có thêm nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng. Góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh./.
Minh Cảnh
TAG:
Tin khác
Dùng thuốc mua trên mạng, tiền mất mà tật còn nguyên
Người hâm mộ đổ ra đường, hô vang “Việt Nam vô địch!”
CSGT Diễn Châu kịp thời giúp bé 4 tuổi thoát cơn nguy kịch
Dữ liệu giám sát hành trình ôtô sẽ do Cục CSGT quản lý
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng gặp mặt cán bộ hưu trí phía Nam mừng Xuân Ất Tỵ
Hội đồng hương Nghệ An tại TP.HCM trao 500 triệu đồng ủng hộ người nghèo tỉnh Nghệ An đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Công viên 3.500 tỷ đồng tại Hà Nội thành hình
Năm 2024: Cục Bảo trợ xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store